Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng đầu tư công được coi là giải pháp then chốt nhằm kích thích kinh tế cũng như tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác trong dài hạn.
Theo đó, nhóm ngành hưởng lợi từ "đầu kéo" này, dự báo sẽ "đón sóng" gồm ngành vật liệu xây dựng, ngành thi công và ngành bất động sản, bất động sản khu công nghiệp.
Ngành vật liệu xây dựng được hưởng lợi trực tiếp nhờ đón sóng đầu tư công cuối năm
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Đầu tư công chính là đòn bẩy lớn nhất cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp sau dịch Covid-19. Hồi đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11) với quy mô lên tới 350.000 tỉ đồng, giải ngân trong 2 năm 2022-2023.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài Chính, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 30.9 trên 253.148 tỉ đồng, đạt 46,7% kế hoạch năm.
Chín tháng đầu năm, có 2 cơ quan trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch, song, có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,7%).
Tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm 2022.
Nghị quyết đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Theo chứng khoán KBSV, đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công thường thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhất là trong quý 4.2022.
Thời gian qua, việc giải phóng mặt bằng chậm, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến nhiều nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá.
Đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công thường thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm
Trên thực tế, thời điểm đầu năm nay chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Còn các dự án mới thì vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, thông thường mất khoảng 6-8 tháng.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng chiều dài gần 724 km đã được phê duyệt và chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án. Bên cạnh đó, toàn bộ các hạng mục hạ tầng khu bay dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được khởi công.
KBSV kỳ vọng từ đây đến cuối năm 2022, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh và có kết quả rõ nét hơn và có thể đạt 90-95% kế hoạch, tương ứng với giải ngân hơn 200.000 tỉ đồng.
Nhóm ngành vật liệu xây dựng được hưởng lợi
Nhận định về nhóm ngành được hưởng lợi từ "đầu kéo" nền kinh tế là đầu tư công, KBSV chỉ ra 4 nhóm ngành dự báo sẽ "đón sóng" gồm ngành vật liệu xây dựng (thép, xi măng, đá cát, nhựa, nhựa đường); ngành thi công (xây dựng, ETC, giao thông thông minh, xây dựng điện, vật liệu điện); ngành logistics và ngành bất động sản (gồm bất động sản dân cư và bất động sản khu công nghiệp).
Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của toàn ngành thép
KBSV cho rằng các nhóm ngành vật liệu xây dựng và thi công sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ yếu tố đầu tư công. Trong khi đó, nhóm ngành bất động sản, bất động sản khu công nghiệp sẽ hưởng lợi gián tiếp.
Nhu cầu tiêu thụ thép sẽ được phục hồi
Những tháng cuối năm, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng của các địa phương sẽ góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ của toàn ngành thép. Cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở được dự báo có thể nóng trở lại cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng.
Cũng theo KBSV, các doanh nghiệp thép xây dựng lớn trong nước có thể sẽ giành thêm thị phần trong năm 2022.
Điển hình có thể kể tới Tập đoàn Hòa Phát. Doanh nghiệp này đã gia tăng thị phần thép xây dựng từ 32,6% lên 36,2% trong năm 2022. Trong khi sản lượng toàn ngành đi ngang thì Hòa Phát tiếp tục mở rộng sản xuất với dự án nhà máy thép Dung Quất 2. Dự án giai đoạn 2 có diện tích trên 280ha với công suất thiết kế gồm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC mỗi năm.
KBSV nhận định Hòa Phát với thị phần thép lớn nhất toàn ngành cùng lợi thế cạnh tranh bền vững sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ yếu tố đầu tư công.
Theo số liệu Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm của toàn ngành trong tháng 8.2022 đạt gần 2 triệu tấn, giảm 12% so với tháng trước và giảm 21,6% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, tiêu thụ thép các loại trong giai đoạn này ghi nhận bật tăng trở lại, khiến thị trường thép trở nên sôi động hơn.
Cụ thể, trong tháng 8, các doanh nghiệp đã bán ra thị trường 2,15 triệu tấn, tăng 8,13% so với tháng 7 trước đó và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh nhu cầu thép trong nước được phục hồi, giá thép xây dựng cũng ghi nhận đà tăng trở lại, hiện đang dao động ở mức 15-16,5 triệu đồng/tấn tùy loại thép và thương hiệu.
Nhóm xi măng hưởng lợi nhưng không quá hấp dẫn
Cùng với sắt thép, xi măng là “bánh mì” của ngành xây dựng, đây là nguyên vật liệu quan trọng trong xây dựng công trình. Điều đó có nghĩa là khi đầu tư xây dựng tăng, đầu tư công tăng thì tiêu thụ xi măng tăng và ngược lại.
Mất cân đối cung cầu vẫn trước giờ vẫn là câu chuyện chưa hết nóng đối với ngành xi măng
Trái ngược với ngành thép, KBSV đánh giá ngành xi măng không phải là nhóm quá hấp dẫn do nhiều yếu tố như giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao và tình trạng dư cung kéo dài trong năm 2022.
Với ngành xi măng, mất cân đối cung cầu vẫn trước giờ vẫn là câu chuyện chưa hết nóng. Vấn đề này còn đáng lo hơn khi những tháng gần đây, kênh xuất khẩu liên tục sụt giảm, tiêu thụ nội địa gần như giậm chân tại chỗ, trong khi chi phí sản xuất tăng quá cao, đe dọa lớn đến hoạt động của nhiều nhà máy xi măng.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), sản lượng tiêu thụ nội địa hàng năm chỉ khoảng 60 triệu tấn/năm trong khi nguồn cung hiện tại khoảng 110 triệu tấn. Đến năm 2023 có thể lên 118 triệu tấn nhờ nhiều dự án nhà máy xi măng mới đi vào hoạt động.
Mặc khác, trong khi giá nguyên liệu chính trong sản xuất xi măng như than (chiếm 30-35% giá thành) vẫn cao và giá bán không bù đắp được cho đà tăng của giá đầu vào. Cùng với đó, kênh xuất khẩu kém khả quan do các thị trường lớn đều giảm nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam.
Ngoài ra, nhóm xi măng còn gặp rủi ro về chính sách khi thuế xuất khẩu clinker dự kiến sẽ tăng từ 5% lên 10% từ đầu 2023 nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản.
Tuy nhiên, KBSV cho rằng, nếu các yếu tố trên được cải thiện và cổ phiếu xi măng được điều chỉnh về vùng hấp dẫn hơn sẽ tạo ra cơ hội đối với nhóm này.
Nhóm đá xây dựng và nhựa đường
Với việc tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh vào cuối năm, nhóm đá xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Nhất là với các doanh nghiệp sở hữu mỏ đá gần các dự án trọng điểm có trữ lượng lớn tại Đồng Nai và Long Thành như cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân.
Mảng nhựa đường cũng được kỳ vọng hưởng lợi ở giai đoạn cuối của dự án đầu tư công khi hoàn thiện mặt đường.
KBSV cho rằng các nhóm ngành vật liệu xây dựng và thi công sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ yếu tố đầu tư công
Tương tự, ngành ống nhựa cũng được dự báo sẽ "đón sóng" đầu tư công. Cụ thể, nhóm ngành này được kỳ vọng sản lượng tăng và biên lợi nhuận mở rộng do giá PVC- nguyên liệu đầu vào giảm mạnh về gần mức trước dịch trong khi các doanh nghiệp đã tăng giá bán từ cuối năm 2021.
Cũng theo KBSV, nhóm doanh nghiệp bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp sở hữu quỹ đất nằm gần các dự án trọng điểm và nhóm logistic cũng nhiều khả năng được hưởng lợi gián tiếp bởi đầu tư công. Tuy nhiên, các ngành này còn phụ thuộc vào việc triển khai các dự án và tiến độ bán hàng trong các tháng cuối năm.
-
Tiêu thụ vật liệu xây dựng sẽ phục hồi mạnh vào cuối năm
Việc giá các mặt hàng vật liệu xây dựng ổn định cùng với nhu cầu xây dựng tăng cao sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao vào cuối năm.
-
Thủ tướng chỉ đạo nóng về vấn đề “sống còn” ảnh hưởng đến các dự án, công trình giao thông trọng điểm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao th...
-
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ra chỉ đạo “nóng” ngăn chặn nạn đầu cơ làm tăng giá cát xây dựng
Sau 3 tháng bỏ quy định kê khai giá cát, Quảng Ngãi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kê khai giá cát trở lại để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, độc quyền làm tăng giá cát xây dựng.
-
Lấp “lỗ hổng” thất thoát, lãng phí trong hệ thống định mức, đơn giá xây dựng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện chính sách, bảo đảm việc ban hành định mức, đơn giá xây dựng được kịp thời, phù hợp với thị trường, chống thất thoát, lãng phí....