Theo quy hoạch tổng thể, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 15 tỉnh, thành phố sau khi sáp nhập hành chính.
Tuyến đường sắt này được thiết kế với vận tốc tối đa 350km/h, gồm 23 nhà ga, trong đó có 5 ga hàng hóa. Tổng nhu cầu sử dụng đất sơ bộ ước tính khoảng 10.827ha, ảnh hưởng đến hơn 120.000 hộ dân cần bố trí tái định cư. Chính phủ đặt mục tiêu khởi công dự án trước ngày 31/12/2026 và phấn đấu cơ bản hoàn thành vào năm 2035.
Trong hành trình xuyên Việt này, TP.HCM giữ vai trò là điểm cuối và ga Thủ Thiêm chính là nơi đón nhận toàn bộ luồng vận tải hành khách tốc độ cao từ Bắc vào Nam.
Tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn qua địa bàn TP.HCM dài khoảng 17km, với 2 điểm chính là ga Thủ Thiêm và Depot Long Trường. Tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 2.100 tỷ đồng.
Ga Thủ Thiêm rộng hơn 17ha, nằm tại phường An Khánh, TP.HCM sẽ là ga cuối cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Theo quy hoạch, ga Thủ Thiêm đã được xác định từ hơn 10 năm trước và sẽ phục vụ 3 tuyến đường sắt lớn gồm: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến Metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm).
Khu đất xây nhà ga này nằm giữa 2 trục đường lớn là Mai Chí Thọ và Lương Định Của, gần nút giao thông An Phú - một trong những điểm giao thông quan trọng của khu vực phía Đông TP.HCM đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.
Nhà ga này sẽ trở thành trung tâm giao thông huyết mạch, kết nối khu vực TP.HCM với các tỉnh lân cận và các phương tiện giao thông công cộng khác. Trong đó, đường Mai Chí Thọ quy mô 10 làn xe là một phần của đại lộ Đông Tây (Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt) kết nối từ đường Võ Nguyên Giáp, qua Hầm Thủ Thiêm đến đường Võ Văn Kiệt.
Không chỉ có lợi thế về giao thông, khu vực ga Thủ Thiêm còn nằm sát Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu vực này cũng đang có hàng loạt dự án bất động sản tập trung với mật độ cao.
Xung quanh ga là hàng loạt dự án quy mô lớn, bao gồm những tòa nhà chung cư cao tầng và khu phức hợp đô thị sầm uất. Dọc đại lộ Mai Chí Thọ đã và đang có hàng loạt dự án lớn đang triển khai. Trong đó, có dự án Eaton Park của chủ đầu tư Gamuda Land đang xây dựng.
Đối diện với khu đất nhà ga Thủ Thiêm là dự án The Sun Avenue của chủ đầu tư NovaLand với 8 tòa tháp có quy mô khoảng 1.400 căn hộ đã đưa vào sử dụng nhiều năm.
Theo ghi nhận thực tế, khu vực quy hoạch ga Thủ Thiêm chủ yếu là mặt bằng sạch, đã được quây tôn và rào chắn. Bên trong là những khu đất trống và đầm lầy, thuận lợi cho việc triển khai xây dựng trong tương lai gần.
Bên cạnh khu đất là con đường nhỏ hẹp, nối giữa đường Lương Định Của và đại lộ Mai Chí Thọ.
Một tấm biển thông báo vị trí quy hoạch dự án đã bị cây, cỏ dại phủ kín.
Một số căn nhà tạm bên trong khu vực quy hoạch dự án. Người dân ở đây tận dụng đầm lầy để trồng sen.
Không chỉ là một đầu mối giao thông liên vùng, ga Thủ Thiêm còn được định hướng phát triển theo mô hình TOD - Transit Oriented Development, tức phát triển đô thị gắn liền với giao thông công cộng. Đây là mô hình đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... và đang dần được xem là lời giải cho bài toán đô thị nén, giao thông kẹt và quy hoạch phân tán tại các đô thị lớn.
Theo UBND TP.HCM, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua thành phố sử dụng đất khoảng 110ha. Về phần tuyến, tuyến đường sắt này sẽ đi theo hành lang cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trong đó đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 hiện đã giải phóng mặt bằng.
Đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 TP.HCM cũng nằm trong hành lang quy hoạch 40m. Khu vực này có hiện trạng đất trống và nhà, chưa giải phóng mặt bằng.
Đối với đoạn từ Vành đai 3 đến hết địa phận TP.HCM (sông Đồng Nai), đoạn tuyến đường sắt đi song song bên cạnh đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và trong hành lang quy hoạch 140m. Trong đó hành lang dành cho đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là 30m, hiện trạng cơ bản là đất trống và chưa giải phóng mặt bằng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM cho biết, thành phố đã giao các đơn vị chuyên môn rà soát, lập kế hoạch chuẩn bị mặt bằng để sẵn sàng triển khai đồng bộ cùng các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện vẫn chờ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) bàn giao ranh mốc cụ thể để làm cơ sở kiểm đếm, đo đạc, chi trả bồi thường và tái định cư.
Trước đó, UBND TP.HCM đã giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất phương án giao chủ đầu tư, cùng thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn thành phố.
Sở Xây dựng được giao phối hợp các bên liên quan rà soát ranh tuyến đường sắt, đảm bảo không chồng lấn các dự án khác, kết hợp nghiên cứu mô hình TOD tại ga Thủ Thiêm và Depot Long Trường.
Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đề xuất triển khai công tác bồi thường cũng như mô hình TOD tại các khu vực trên.
Với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển đô thị mạnh mẽ, ga Thủ Thiêm được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những đầu mối giao thông lớn nhất của TP.HCM, góp phần vào sự phát triển bền vững và hiện đại hóa hệ thống giao thông của thành phố trong tương lai.
-
Cận cảnh ĐẠI CÔNG TRƯỜNG Vành đai 3 TP.HCM hơn 75.000 tỷ đồng
Sau hơn 2 năm thi công, tuyến Vành đai 3 TP.HCM - dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng đang dần thành hình. Tuyến đường liên vùng đi qua TP.HCM, Đồng Nai và Tây Ninh không chỉ giúp giảm áp lực giao thông mà còn mở ra làn sóng phát triển đô thị, công nghiệp, bất động sản dọc theo hành lang kinh tế trọng điểm phía Nam.
-
Tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h sắp chạy qua TP.HCM ở những khu vực nào?
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua TP.HCM dài khoảng 17km, có hai điểm chính là ga Thủ Thiêm và Depot Long Trường với phạm vi sử dụng đất khoảng 110ha.
-
Sẽ khởi công giải phóng mặt bằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào dịp 19/8
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đồng loạt tổ chức khởi công các dự án giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào 19/8/2025 và hoàn thành trong năm 2026.








-
Lâm Đồng, Gia Lai sẽ xây dựng 48 khu tái định cư phục vụ đường sắt cao tốc Bắc – Nam
Cùng với các địa phương trên cả nước, hai tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm chuẩn bị mặt bằng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Với tổng cộng 48 khu tái định cư và hơn 5.500 hộ dân cần di dời, đây được xem là một ...
-
Tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h sắp chạy qua TP.HCM ở những khu vực nào?
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua TP.HCM dài khoảng 17km, có hai điểm chính là ga Thủ Thiêm và Depot Long Trường với phạm vi sử dụng đất khoảng 110ha.
-
Sẽ khởi công giải phóng mặt bằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào dịp 19/8
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đồng loạt tổ chức khởi công các dự án giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào 19/8/2025 và hoàn thành trong năm 2026....