18/01/2021 7:10 AM
CafeLand - Các sân bay trên khắp nước Mỹ đang dành nhiều không gian hơn cho các chuyến hàng vận chuyển khi mua sắm trực tuyến gia tăng trong đại dịch.

Hình ảnh mô phỏng trung tâm điều phối hàng hóa mới của Amazon tại sân bay quốc tế Cincinnati/Bắc Kentucky ở Hebron, Hoa Kỳ

Kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây gần một năm, đã có ít hơn 15.000 người đến và đi mỗi ngày từ sân bay quốc tế Cincinnati/Bắc Kentucky (CVG). Tuy nhiên, lưu lượng hành khách giảm 60% không quá rõ ràng trên bốn đường băng của sân bay, nơi đang xử lý lượng hàng hóa kỷ lục - gần 4,000 tấn mỗi ngày. Nơi đây được Cục Hàng không Liên bang xếp hạng là sân bay chở hàng lớn thứ sáu tại Mỹ, và thứ hạng này sẽ còn cao hơn.

Amazon Air, hãng hàng không vận chuyển hàng hóa 5 năm tuổi của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, đang xây dựng một trung tâm phân loại rộng 798.000 feet vuông, bãi đỗ xe 7 tầng và một khu vực mới rộng hơn 43.000 feet vuông để chứa 20 chiếc máy bay. Công trình mới này đang được xây dựng trên khu đất rộng hơn 27 triệu feet vuông dọc theo ranh giới phía nam của sân bay, dự kiến sẽ mở cửa vào mùa thu này. Nó chiếm một phần ba trong số 1,5 tỷ đô la Mỹ mà Amazon đầu tư vào trung tâm hàng hóa hàng không rộng 3 triệu mét vuông tại CVG.

“Trung tâm này cho phép chúng tôi giao các gói hàng cho khách nhanh hơn. Đó thực sự là một việc quan trọng”, Jeff Bezos, người sáng lập và giám đốc điều hành Amazon, cho biết trong lễ khởi công công trình này tại CVG vào tháng 05/2019.

Tính đến thời điểm này, đây là dự án xây dựng trung tâm vận tải hàng hóa lớn nhất trong lịch sử của sân bay. Cơ sở trải dài trên 1 dặm này sẽ là nơi trung chuyển hàng hóa của Amazon Air, hiện có hơn 70 máy bay và hàng trăm chuyến bay mỗi ngày đến 35 thành phố khác ở Mỹ. Tuần trước, Amazon thông báo mua 11 chiếc Boeing 767-300 trong nỗ lực mở rộng đội bay của mình.

Cơ sở mới cho thấy tầm ảnh hưởng của Amazon – nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất và sự nỗ lực của công ty này trong việc giao hàng nhanh. Cả hai điều đều tạo ra một làn sóng xây dựng cơ sở hỗ trợ vận tải hàng hóa qua đường hàng không tại các sân bay trên khắp nước Mỹ.

Trung tâm FedEx mới tại sân bay quốc tế Ontario ở California

FedEx, hãng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lớn nhất thế giới, đã xử lý trung bình 6,2 triệu gói hàng mỗi ngày vào năm ngoái, tăng 48% so với năm 2016. Hãng vừa khởi động một dự án trị giá 290 triệu đô la Mỹ, rộng hơn 2 triệu feet vuông tại sân bay quốc tế Ontario ở Nam California. Trong đó, cơ sở phân loại rộng 251.000 feet vuông, có thang lên máy bay bằng bê tông rộng rãi, với 9 cổng, 18 bãi xe tải và công suất xử lý 12.000 gói hàng một giờ.

UPS và Amazon cũng hoạt động tại các tòa nhà cũ hơn ở sân bay này, nơi đang xử lý lượng hàng hóa nhiều hơn 30% so với năm 2019. “Có rất nhiều hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi vĩnh viễn trong năm 2020”, Mark A. Thorpe, Giám đốc điều hành sân bay cho biết. “Lượng hàng hóa hiện nay bằng con số từng được dự kiến ​​cho năm 2028”.

Ted Stevens Anchorage, sân bay quốc tế lớn thứ hai ở Mỹ sau sân bay quốc tế Memphis, đang lên kế hoạch đầu tư 500 triệu đô la Mỹ cho các phương tiện vận chuyển và phân loại hàng hóa mới. Nhu cầu thêm không gian của các công ty vận chuyển hàng hóa - trong số đó có Alaska Cargo & Cold Storage, 6A Aviation, FedEx, UPS và Amazon - đang tăng cao. Tính đến cuối tháng 9 năm 2020, sân bay này báo cáo rằng 2,3 triệu tấn hàng hóa đã vận chuyển tới Alaska, tăng 9% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2019.

Trong khi đó, sân bay Chicago Rockford đang triển khai các kế hoạch xây dựng cơ sở vận chuyển hàng hóa rộng 90.000 feet vuông, mở cửa trong mùa xuân này. Sân bay cũng sẽ bắt đầu phát triển thêm khu vực trung chuyển rộng 100.000 feet vuông khác cho các công ty DB Schenker, Emery Air và Senator International. Vào thời điểm 12 tháng trước, Rockford đã xây xong một cơ sở rộng 192,000 feet vuông, trị giá 22,3 triệu đô la Mỹ cho Amazon, cùng với sân đỗ bằng bê tông đủ chắc chắn cho việc đỗ các máy bay Boeing 747 trị giá 14 triệu đô la Mỹ của hãng này.

Rex J.Edwards, nhà phân tích kinh doanh kiêm phó chủ tịch của Campbell-Hill Aviation Group, một đơn vị tư vấn ở Bắc Virginia, cho biết: “Vận tải hàng không đang mang lại tất cả nhu cầu sử dụng mới tại các sân bay hiện nay. Các hãng vận chuyển hàng hóa đang muốn có thêm không gian ở sân bay. Họ cần không gian để đỗ máy bay và các phương tiện đáp ứng yêu cầu giao hàng vào ngày hôm sau. Đó là sự phát triển của ngành vận tải hiện nay”.

Trước đại dịch, tổng doanh thu thương mại điện tử hàng năm tăng hơn 10%, thúc đẩy toàn bộ hàng hóa qua đường hàng không lên 12 triệu tấn trong 12 tháng qua, theo Cục Thống kê Giao thông Vận tải thuộc Bộ Giao Thông Vận tải Mỹ. Các nhà phân tích liên bang dự báo loại hàng hóa này sẽ đạt 45 triệu tấn trên năm vào giữa thế kỷ này. Nhưng các giám đốc điều hành tại các hãng hàng không lớn, sân bay và nhà sản xuất máy bay lại cho rằng, đại dịch đã làm thay đổi đáng kể hoạt động thương mại trực tuyến đến mức các doanh nghiệp trong ngành sẽ đạt mốc đó sớm hơn 10 năm.

Ba năm trước, sân bay quốc tế Philadelphia đã bỏ ra 54,5 triệu đô la Mỹ để mua khu đất hơn 5,8 triệu feet vuông chưa quy hoạch nằm gần đó. Sân bay hiện đang lập quy hoạch ban đầu cho không gian rộng 1,5 triệu feet vuông tại đây để làm nơi trung chuyển hàng hóa và dịch vụ. “Chúng tôi đã biết hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không sẽ chỉ tăng lên từ trước đại dịch”, Stephanie Wear, Giám đốc phát triển dịch vụ hàng không của sân bay cho biết.

Amazon hiện nay đang là hãng có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc phát triển các cơ sở vận tải hàng không mới.

Để phục vụ 14 cơ sở điều phối hàng hóa đã xây dựng tại bang California gần San Bernadino và Riverside, Amazon đã thiết lập một trung tâm phía Tây tại sân bay quốc tế San Bernardino. Trong tháng này, việc xây dựng khu vực trung chuyển hàng hóa rộng 658.000 feet vuông và hai tòa nhà nhỏ hơn rộng 25.000 feet vuông của Amazon sẽ hoàn thiện tại sân bay này. Ngoài ra, Mark Gibbs, Giám đốc hàng không của sân bay còn đề cập đến một khu vực trung chuyển khác có vốn đầu tư 300 triệu đô la Mỹ bao gồm bãi đỗ đáp máy bay và cổng chờ dành cho 14 máy bay và 26 chuyến bay hoạt động mỗi ngày.

Dự án của Amazon Air tại sân bay quốc tế Cincinnati/Bắc Kentucky vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động từ mùa thu năm nay

Không có sân bay nào nhận được sự quan tâm từ Amazon hơn Cincinnati/Bắc Kentucky. Chiến lược của Amazon Air đối với các tuyến hàng hóa và cơ sở vật chất trên mặt đất khác hẳn với các hãng vận tải khác. Hàng hóa của công ty này bao gồm sản phẩm bán trên thị trường trực tuyến của chính họ; vậy nên các cơ sở sân bay cần nằm gần mạng lưới trung tâm điều phối đơn hàng của Amazon. Công thức này phù hợp với quyết định của Amazon khi đặt cơ sở tại CVG. Kể từ năm 2010, Amazon đã chi hơn 15 tỷ đô la vào Kentucky, phần lớn là đầu tư vào 10 trung tâm điều phối đơn hàng và phân loại, hai trạm giao hàng, một trung tâm dịch vụ khách hàng và hai siêu thị Whole Foods Market. Công ty sẽ sử dụng 14.500 lao động trong bang Kentucky và tạo ra 2.000 việc làm tại chỗ khi trung tâm hàng hóa mới đi vào hoạt động.

Candace S. McGraw, Giám đốc điều hành của CVG, cho biết chiến lược vận chuyển hàng hóa là điều cần thiết để giữ cho CVG hoạt động kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch bùng phát.

Hàng hóa bằng đường hàng không đã tăng 14% vào năm 2020 tại CVG và dự kiến ​​sẽ tăng thêm ít nhất 10% vào năm 2021 và 2022, khi cơ sở mới của Amazon đi vào hoạt động hoàn chỉnh. Vận tải hàng không hiện chiếm 75% trong tổng số hơn 25 triệu đô la Mỹ doanh thu hàng năm từ phí hạ cánh, nguồn thu nhập lớn thứ hai của CVG sau cho thuê chỗ đỗ máy bay.

Chủ đề: Bất động sản Mỹ,
Lam Vy (NYTimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.