Nguồn tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc khi nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm. Ngoài ra, sự thay đổi lãi suất cũng thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang các khoản đầu tư khác.

Theo dữ liệu từ các nguồn tin, việc nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm trong tháng 8, đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp sụt giảm. Tổng giá trị trái phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài năm giữ đã lao dốc xuống mức 3.480 tỷ nhân dân tệ. Sang tháng 9, dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục được rút khỏi thị trường chứng khoán khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Mark Reade, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Mizuho Securities Asia cho biết: “Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút tiền đến từ những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua. Trong đó, việc lãi suất thay đổi có thể là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng lo ngại về vấn đề xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế về Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis cho biết việc Trung Quốc đang đối mặt với các lệnh trừng phạt vì có thể hỗ trợ quân sự cho Nga là một trong những yếu tố khiến giới đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi thị trường trái phiếu.

Việc nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không bị gián đoạn kể từ khi chương trình Kết nối Trái phiếu cung cấp khả năng tiếp cận thị trường được giới thiệu vào năm 2017. Việc bổ sung các trái phiếu từ Trung Quốc vào những chỉ số được các nhà đầu tư tổ chức theo dõi bắt đầu từ năm 2019 đã tạo ra một lực đẩy lớn hơn.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ đã trải qua một sự thay đổi lớn kể từ thời điểm đó. Với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vượt qua mức tương đương của Trung Quốc lần đầu tiên sau 12 năm vào tháng 4. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc để mua các khoản nợ có lợi suất cao ở những nơi khác.

Những lo ngại về xung đột địa chính trị có thể liên quan đến việc tỷ lệ nắm giữ nợ ở nước ngoài của các ngân hàng chính sách như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc giảm 25% so với mức đỉnh tháng Giêng.

Những đơn vị cho vay này được coi ngang hàng với chính phủ về mức độ tín nhiệm. Các quỹ giao dịch hối đoái bằng đồng nhân dân tệ đầu tư tích cực vào các khoản nợ của họ và các công ty quản lý tài sản được cho là một trong những người bán chính hiện nay. Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc tham gia vào hoạt động tài trợ của Nga liên quan đến năng lượng có thể khiến một số nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ bị phương Tây trừng phạt.

Một số nhà quan sát thị trường suy đoán rằng ngân hàng trung ương Nga đã bán tài sản bằng đồng nhân dân tệ để đảm bảo tiền mặt sau khi phần lớn khối dự trữ ngoại hối của nước này bị đóng băng.

Dù vậy, Viện Tài chính Quốc tế (Institute of International Finance) ước tính rằng các ngân hàng trung ương chỉ chiếm 10% dòng tiền chảy ra khỏi thị trường trái phiếu Trung Quốc trong quý đầu năm 2022.

Sự lao dốc của thị trường bất động sản Trung Quốc và sự gián đoạn kinh tế do ảnh hưởng từ chính chính Zero-Covid của nước này là một phần nguyên nhân khiến dòng vốn chảy ra nước ngoài nhiều hơn.

Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Trung Quốc sẽ chậm lại 3,3% trong năm nay so với mức 8,1% vào năm 2021.

Giao dịch chứng khoán Trung Quốc cũng cho thấy một đợt bán tháo tương tự. Trong tháng 9, khối lượng bán ra đã vượt quá khối lượng mua vào. Đây là lần thứ ba trong năm nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến điều này.

Mặc dù tổng khối lượng mua vào vẫn lớn hơn tổng khối lượng bán ra trong 9 tháng đầu năm, nhưng lượng mua ròng đã giảm 82% xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua, khoảng 52,2 tỷ nhân dân tệ.

Theo công ty nghiên cứu With Intelligence, các quỹ đầu cơ tập trung vào Trung Quốc đã ghi nhận lượng tiền chảy ra đạt giá trị 3,6 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 7, mức lớn nhất kể từ năm 2008.

Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã chịu áp lực giảm giá lớn. Đồng tiền này vào tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 2010. Xiao Chun Xu, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics cho biết: "Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc không khuyến khích đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Ngoài ra, việc các nhà đầu tư rút bớt tiền sẽ tiếp tục khiến đồng nhân dân tệ yếu đi”.

Anh Nguyễn (Asia Nikkei)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.