Khi các trung tâm đô thị của châu Á tiếp tục mở rộng, việc phát triển các “thành phố trong thành phố” đang trở thành một xu hướng được ưu tiên để giải quyết những câu hỏi về tính bền vững.

Châu Á là trung tâm của các siêu đô thị

Khi dự án Merdeka 118 ở Kuala Lumpur cất nóc vào cuối năm nay, nó sẽ trở thành tòa nhà cao thứ hai thế giới. Merdeka 118 sẽ có đài quan sát bốn tầng với tầm nhìn ra các siêu tháp khác gồm Petronas Tower, The Exchange 106 và Four Seasons Place, lần lượt cao thứ 3, thứ 4 và thứ 5 Đông Nam Á.

Giống như những tòa nhà chọc trời ở Bangkok, Manila, Jakarta và Thành phố Hồ Chí Minh, các siêu tháp tại Kuala Lumpur là minh chứng cho sự trỗi dậy của các thành phố tại châu Á trong những năm gần đây. Ở góc khác, chúng cũng mang lại tầm nhìn xa hơn về mô hình phát triển của các thành phố trong khu vực này

Các đô thị đông đúc và thường xuyên tắc nghẽn giao thông tại châu Á là két quả của việc tăng trưởng dân số đạt mức 3,4% mỗi năm kể từ năm 1970, theo báo cáo năm 2019 của Liên Hợp Quốc. Tỷ lệ này tại các quốc gia phát triển chỉ là 1%.

“Tương lai của châu Á là các đô thị”, Tiến sĩ Robert Guild tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhận định. “Các thành phố châu Á là trung tâm mang lại cơ hội về kinh tế và xã hội, phát triển con người, các hoạt động kinh doanh và nhiều hơn thế nữa. Và phát triển đô thị đang bùng nổ tại châu Á”.

Châu Á hiện có 17 trong tổng số 33 siêu đô thị trên toàn thế giới. Mỗi siêu đô thị thường có hơn 10 triệu dân. Cuộc khảo sát gần đây của Knight Frank cho thấy người mua nhà châu Á thích sống ở thành thị. Trong khi đó, người dân tại các khu vực khác trên thế giới ngày càng quan tâm đến nhà ngoại ô hay các các điểm nghỉ dưỡng và khu vực ven biển.

Mặc dù các tiện nghi đô thị, khả năng kết nối và cơ hội kinh tế là những điểm thu hút rõ ràng của các đô thị, Guild cho biết “quá trình đô thị hóa ngày càng tăng mà chúng ta đang thấy không dễ mang lại cơ hội cải thiện các vấn đề về dân cư. Khi các thành phố tại châu Á mở rộng, việc giải quyết những vấn đề về phát triển trở nên cấp thiết và lớn lao hơn bao giờ hết”.

Mô hình “thành phố trong thành phố” là tương lai của châu Á

Sự tăng trưởng chóng mặt của các đô thị thường phải trả giá bằng chất lượng cuộc sống. Vô số thách thức phát triển mà các thành phố châu Á phải đối mặt ngày nay, bao gồm việc thiếu cơ sở hạ tầng, gia tăng bất bình đẳng xã hội, cho đến khủng hoảng do biến đổi khí hậu. Mọi chuyện thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn. Hơn một nửa dân số hiện nay tại châu Á lần đầu tiên sống ở các khu vực thành thị, và dự kiến ​​sẽ đạt 3,5 tỷ người vào giữa thế kỷ này. Con số này tương đương với việc mỗi năm châu Á có thêm 4 thành phố cỡ Tokyo từ nay cho đến năm 2050.

Những lo lắng do đại dịch gây ra và nhu cầu ngày càng tăng về tính thân thiện với môi trường khiến nhiều người tin rằng việc phát triển các đô thị tràn lan và thiếu quy hoạch như hiện nay là không bền vững. Đó là cơ hội cho mô hình bất động sản dạng “thành phố trong thành phố”. Tuy nhiên, mô hình này dường như mới chỉ được áp dụng tại các dự án khu dân cư và bất động sản nghỉ dưỡng tại châu Á, giúp thúc đẩy hoạt động thể chất, tăng cường kết nối xã hội và tăng cường sức khỏe tinh thần trong các cộng đồng cư dân nhỏ hơn.

Prashant Kapoor, một chuyên gia tại Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Thông qua việc giảm bớt carbon cho các thành phố, kết hợp việc sử dụng hiệu quả đất đai và mật độ khu dân cư tăng lên, chúng ta có thể thúc đẩy giao thông công cộng hiệu quả, tính cơ động khi di chuyển trong nội đô và những khoảng cách phù hợp để người dân đi bộ. Chúng ta có thể hồi sinh các trung tâm thành phố, giảm thiểu sự phát triển của các dự án mới, khuyến khích cơ sở hạ tầng dùng chung và khám phá một cách sáng tạo các cơ hội để tái sử dụng các nguồn tài nguyên”.

Đô thị đa chức năng

Theo nhiều cách, đại dịch đã đóng vai trò như một chất xúc tác cho việc thay đổi mô hình mua sắm, với việc các chủ sở hữu ngày càng hướng tới những dự án phát triển chất lượng cao với cơ sở hạ tầng tích hợp. Một báo cáo toàn cầu gần đây của PWC tuyên bố rằng các gia đình ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi thích chuyển đến một khu dân cư biệt lập với đầy đủ tiện ích khép kín.

Theo Shaishav Dharia đến từ tập đoàn Lodha, một trong những công ty bất động sản lớn nhất Ấn Độ: “Chúng ta có thể gọi chúng là các thị trấn đô thị, cộng đồng tích hợp hoặc thành phố trong thành phố. Nhưng về cơ bản, những dự án này bao gồm bệnh viện, trường học, cửa hàng bán lẻ và các không gian với đầy đủ chức năng như một thành phố thu nhỏ”.

“Một khu đô thị được quy hoạch tốt sẽ tận dụng từng mảnh đất hoặc khu vực bằng cách chuyển đổi nó thành một khu đa chức năng. Ví dụ, một cái hồ có thể được sử dụng như một hồ giữ nước đồng thời làm tăng thêm vẻ đẹp của cảnh quan. Những ngôi nhà chất lượng tốt phải được xây dựng gắn với môi trường cảnh quan, có bố cục thông minh, những con đường rộng rãi, và không gian để nghỉ ngơi và giải trí”, ông nói.

  • Hà Nội nghiên cứu mô hình “Thành phố trong thành phố”, định hướng xây sân bay thứ hai

    Hà Nội nghiên cứu mô hình “Thành phố trong thành phố”, định hướng xây sân bay thứ hai

    Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhằm xác định các định hướng quy hoạch phù hợp với thực tiễn, nhận diện những hạn chế, tồn tại; đồng thời, đề xuất một số định hướng để Quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống là cơ bản.

Lam Vy (APA)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.