CafeLand - Với sự thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam đã trở thành cơ hội hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Những cơ hội này được dự báo vẫn tiếp diễn trong năm 2021, nhưng đi kèm với đó là những thách thức đáng để các nhà đầu tư lưu tâm.

Ảnh minh hoạ

Tăng trưởng tích cực

Trong đại dịch Covid-19, thị trường khu công nghiệp là mảng duy nhất chứng kiến tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.

Theo thống kê của CBRE Việt Nam, tại quý 4/2020, giá thuê trung bình tại các khu công nghiệp đã có từ năm 2019 tại năm tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%, tăng 2,1 điểm phần trăm theo năm. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại bốn tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Nam đạt 87%, tăng 2,5 điểm phần trăm theo năm.

Do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên toàn Việt Nam. CBRE ghi nhận giá thuê tại một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TP.HCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20-30% theo năm.

Hoạt động của kho và xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định theo năm do nguồn cung lớn được đưa trong năm 2019 và 2020 cũng như hoạt động cho thuê bị trì hoãn do lệnh hạn chế đi lại.

Bà Nguyễn Hoài An của CBRE Việt Nam cho biết, sự tăng trưởng mạnh của các công ty thương mại điện tử và logistics kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ và cơ sở phân phối. Do đó, nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận tăng lên đáng kể, với 20% tổng yêu cầu hỏi thuê cho ngành này.

“Tại các vị trí đắc địa với hạn chế về nguồn cung đất công nghiệp, kho cao tầng sẽ bắt đầu xuất hiện nhằm tạo không gian lưu trữ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của các công ty thương mại điện tử, đặc biệt là để làm địa điểm để giao hàng chặng cuối”, bà An nhận định.

Dự báo về triển vọng trong năm 2021, bà An cho rằng, việc mở rộng của các doanh nghiệp hiện hữu và xây dựng các cơ sở sản xuất trong bối cảnh đẩy mạnh sự di dời chuỗi cung ứng sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu trong những năm tới. Trong khi giá thuê đất công nghiệp đã đạt mức cao tại một số khu công nghiệp có vị trí tốt, khách thuê sẽ phải tìm kiếm nguồn cung đất mới tại các khu vực ngoài các trung tâm công nghiệp hiện hữu.

Ngoài ra, các chủ đầu tư khu công nghiệp cũng đang thực hiện các thay đổi về phát triển sản phẩm để thích ứng với tình hình mới. Các điểm nổi bật là sự áp dụng công nghệ hiện đại để quản lý và vận hành cơ sở hạ tầng, cung cấp các gói dịch vụ bao gồm dịch vụ pháp lý, nhân sự để giúp khách thuê tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện dự án.

“Điều này đang dần tạo nên một mô hình phát triển bất động sản công nghiệp mới tại Việt Nam, tích hợp việc cung cấp và đầu tư bất động sản công nghiệp cũng như các dịch vụ hỗ trợ quản lý”, bà An đánh giá.

Lý giải cho sự tăng trưởng tích cực của bất động sản công nghiệp năm vừa qua, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam, cho rằng chủ trương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ và mở rộng các bất động sản công nghiệp để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam là một yếu tố tích cực. Đồng thời, những chuyển biến theo tình hình kinh tế thế giới cũng như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một điểm cộng cho chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.

Cần những công ty tầm cỡ

Dự báo về tiềm năng của bất động sản công nghiệp năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng sự dịch chuyển sản xuất và lắp đặt hàng hóa từ khu vực ngoài tiếp tục chuyển hướng vào Việt Nam sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng bất động sản công nghiệp trong nước.

Nhiều khu công nghiệp mới tiếp tục tham gia thị trường bất động sản Việt Nam. Nhiều dự án mới phát triển hạ tầng khu công nghiệp sẽ được phê duyệt. Nhiều dự án logicstic phục vụ khu công nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh phát triển.

“Các địa phương cần cẩn trọng tính toán trong việc cấp mới dự án khu công nghiệp, tránh khủng hoảng thừa như đã từng xảy ra đối với một số địa phương”, ông Đính nhấn mạnh.

Ông Đính cho rằng sẽ không xuất hiện khủng hoảng hay bóng bóng trong bất động sản công nghiệp ở năm 2021. Giá cho thuê mặt bằng kho bãi, nhà xưởng trong năm 2021 được dự báo không tăng so với năm 2020.

Trong khi đó, khi nói về tương lai của bất động sản công nghiệp trong năm 2021, chuyên gia của Savills nhấn mạnh vào yếu tố dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất lớn từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo ông Khương, đại dịch kéo dài sẽ là yếu tố đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý nhất là các nhà cung cấp linh kiện và lắp ráp cho Apple là Pegatron và Foxconn từ Đài Loan; Sharp, Nintendo và Komatsu từ Nhật Bản; và Lenovo từ Hồng Kông đã công bố kế hoạch chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Lý do chính cho làn sóng dịch chuyển mạnh ra khỏi Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là công ty đa quốc gia sản xuất những mặt hàng công nghệ hay tiêu dùng phải chịu áp lực cắt giảm chi phí.

Mặt khác, các công ty có vốn FDI không chỉ thành lập nhà máy mới ở Việt Nam mà còn có động lực lớn hơn để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng địa phương. Cuối cùng là kịch bản khi đại dịch lắng xuống, lạm phát tiền lương có xu hướng tăng, khiến nhà sản xuất rời Trung Quốc đến Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong vấn đề liên kết với chuỗi cung ứng, liên kết các vấn đề kho bãi, giao thông mới chỉ ở giai đoạn đầu. Chính vì vậy, cần có những chiến lược đúng đắn và cụ thể hơn trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia vào phân khúc bất động sản này.

“Hiện nay Chính Phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vì đây là những ngành mang tính thời đại. Do đó, vấn đề về nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp taị Việt Nam cũng là một bài toán cần phải quan tâm”, ông Khương nhìn nhận.

Theo lãnh đạo của Savills, đây là một bài toán tổng thể giữa Chính phủ và các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, kho vận cũng như là các chuỗi cung ứng trên tinh thần hợp tác công tư. Vì ngân sách của Chính phủ không thể phân bổ đều cho hết các ngành nghề nên việc phối hợp công tư thoả đáng sẽ góp phần giải quyết bài toán trên.

Ngoài ra, ông Khương cho rằng các nhà vận hành chuỗi cung ứng chuyên nghiệp cũng là yếu tố rất quan trọng vì khi các chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu thì chúng ta cũng cần các công ty có tầm cỡ để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư.

  • Cơ hội cho bất động sản công nghiệp khi doanh nghiệp dịch chuyển

    Cơ hội cho bất động sản công nghiệp khi doanh nghiệp dịch chuyển

    CafeLand - Số liệu thống kê cho thấy, nhiều đơn vị đầu tư nước ngoài đang có ý định mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những đơn vị đang đầu tư tại Việt Nam cũng đang dần dịch chuyển tới các tỉnh, thành phố không phải là các địa phương có bề dày về phát triển các khu công nghiệp.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.