Nếu xã hội không sớm có một thành phần trung lưu đông đảo thì người giàu sẽ tiếp tục đi xe ô tô, và người nghèo đi xe 2 bánh. Ảnh TL
Thưa Giáo sư, việc xây dựng nhà ga tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên gồm 4 tầng ở độ sâu 40m dưới lòng đất và có thể sẽ có các tuyến sau này, có hợp lý và các vấn đề có thể xảy ra?
Vào thời buổi hiện đại này, nói cho cùng, không có công trình xây dựng nào không làm được. Khoa học và các kỹ thuật xây dựng đã từng thực hiện ống hầm dưới biển để cho phép đường sắt cao tốc nối liền Paris với London. Vào đầu thế kỷ trước, người ta đã xây metro 50 mét dưới lòng đất, ngày nay không có gì là thực sự khó về mặt xây cất.
Vấn đề thực sự đặt ra là về chất lượng và tổng chi phí đầu tư. Càng cầu kỳ, càng ở những nơi địa chất khó xử lý, công trình càng đắt hơn. Cuối cùng tất cả chi phí đầu tư sẽ dồn vào giá vé metro mà người dân chịu.
Còn về vấn đề chất lượng thì tất nhiên phải chọn những công ty nổi tiếng. Tránh nhất là thèm rẻ rồi làm cái gì cẩu thả. Khi người ta xây metro, công trình sẽ xây cho vĩnh viễn. Metro sẽ phải chạy vĩnh viễn, không ngưng ngày nào, thậm chí giờ nào. Không hiểu chúng ta có ý thức được đúng mức góc cạnh khó khăn này chưa?
Đứng ở góc độ chuyên gia về quy hoạch, giáo sư có thể dự đoán những vấn đề xảy ra và hướng khắc phục?
Trên nguyên tắc, tất cả các công trình được xây theo đúng mực chuẩn sẽ không có vấn đề. Điều này có thể khẳng định. Tuy nhiên liệu tất cả các công trình, nhà cửa được xây đến nay có được xây theo đúng chuẩn mực không, đó mới là vấn đề. Tôi nghi ngờ là không! Vì chính mắt tôi được trông thấy hàng ngày nhiều nhà xây với ít móng, ít nền. Do đó, ta có thể ước đoán là sẽ có một số công trình, nhà ở gặp rủi ro khi metro được xây. Tôi không biết vấn đề này sẽ xử lý ra sao nếu chẳng may có sự cố.
Được biết, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu Shimizu - Meade (Nhật Bản), với kinh nghiệm làm việc nhiều năm và với khoa học công nghệ các tập đoàn lớn của nhiều nước trên thế giới, ông đánh giá như thế nào về nhà thầu Shimizu - Meade (Nhật Bản)?
Tôi chưa bao giờ cộng tác với công ty này nên không có ý kiến. Nhưng ngoài việc bổ nhiệm công ty có tiếng, tôi xin nhấn mạnh trên tầm quan trọng của nội dung các hợp đồng được duyệt. Các điều lệ phải rất chặt chẽ trên chất lượng và tính cách vĩnh viễn của công trình metro.
Phương án thi công ga tại nhà hát thành phố là phương pháp đào hở nên toàn bộ khu vực đường Lê Lợi đoạn từ Pasteur đến đường Đồng Khởi và một phần đường Nguyễn Huệ bị rào chắn từ ngày 22.7 sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, giáo sư nhận định như thế nào về điều này? Lợi hay hại nhiều hơn?
Với hệ thống giao thông đường phố của TP.HCM, nhất là khu vực trung tâm với đường phố chằng chịt, bề ngang hẹp... Người dân thành phố sử dụng phương tiện đi lại là xe máy nhiều. Khác với giao thông các nước đã có metro trên thế giới. Các mặt tích cực và tiêu cực mà giáo sư thấy có thể xảy ra?
Đây mới thực sự là vấn đề! Trong mọi quốc gia, trừ Trung Quốc, metro đã được xây để rút bớt những người chọn xe ô tô làm phương tiện chuyên chở. Mục đích là giảm giao thông trên đường phố, chuyển xuống hầm với phương tiện công cộng. Tôi phải nói rõ là chỉ có vậy thôi mà nhiều đô thị không thành công mấy trong việc này.
Tại TP.HCM, metro sẽ phải đua với xe 2 bánh, cuộc tranh giành khó cho metro hơn vì rất nhiều lý do:
- Vé metro sẽ đắt hơn nhiều. Nhất là sẽ có gia đình muốn đưa trẻ em đi học trước khi vào công sở. Tôi không thấy ở nước nào người ta đưa con đi học bằng metro. Vì như vậy sẽ phải trả 2 hay nhiều vé, rồi phải đi bộ khá nhiều đến trạm metro hay từ trạm đến nhà trường.
- Phần lớn các cuộc di chuyển trong thành phố rất ngắn. Ví dụ đi từ quận 3 sang quận 10, từ Bình Thạnh đi Phú Nhuận, từ Tân Bình đi quận 1, vv... Khi cuộc đi ngắn, khó lòng metro cạnh tranh với xe 2 bánh.
- Metro rất phù hợp trên cự ly dài. Ví dụ Bến Thành- Suối Tiên. Nhưng tại Suối Tiên, hay chung quanh (có nhiều trường đại học tại Thủ Đức), liệu dân số có đủ đông để có thể đầy một lượt đi của metro không? Chúng ta chỉ cần đợi công trình xây xong rồi sẽ biết. Tại Trung Quốc, các đô thị rất rộng, cự ly dài, và khí tượng không tốt bằng VN (lạnh, mưa, tuyết...) nên metro dễ thu hút hơn.
Xin chân thành cảm ơn ông!
-
Dự án nào sẽ hưởng lợi khi tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên vận hành
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang trong những giai đoạn cuối cùng để đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, những dự án bất động sản xung quanh tuyến metro đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ khách hàng và nhà đầu tư....
-
TP.HCM sẽ phát triển 11 đô thị nén dọc metro, Vành đai 3: Thị trường bất động sản sẽ thay đổi ra sao?
TP.HCM vừa công bố kế hoạch triển khai 11 vị trí phát triển theo mô hình TOD - quy hoạch đô thị quanh metro và vành đai với mục tiêu tối ưu hóa sử dụng đất và phát triển giao thông công cộng. Đây là bước đi đón đầu xu thế của các đô thị hiện đại trên...
-
TP.HCM sẽ chi 33 tỷ đồng để người dân đi metro miễn phí trong tháng đầu tiên
Trong tháng đầu tiên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi vào vận hành thương mại, toàn bộ người dân TP.HCM sẽ được trải nghiệm miễn phí cả metro và 17 tuyến xe buýt kết nối.