Vietcombank thông báo giảm lãi suất lên tới 1% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Sáng 16/7, Ngân hàng Vietcombank thông báo giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021.
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giảm lãi suất tới 1%/năm cho các khách hàng còn lại. Đối với khách hàng cá nhân, Vietcombank giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.
Việc giảm lãi suất này của Vietcombank không áp dụng với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản…
Đầu giờ chiều 16/7, Ngân hàng BIDV cũng thông báo giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm. Đặc biệt, một số nhóm khách hàng khó khăn được nhà băng này giảm tối đa lên đến 2%/năm so với trước. Cụ thể, BIDV giảm lãi suất cho vay trên số dư hiện hữu đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 như hoạt động trong các lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải…. Các khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn và khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.
Trước đó, cuối ngày 15/7, Ngân hàng ACB cũng đã công bố giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Những khách hàng thuộc đối tượng sẽ được ngân hàng xem xét điều chỉnh lãi suất khi hợp đồng vay đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/7 đến 15/10.
Trong ngày 15/7, Sacombank cũng công bố giảm lãi suất cho vay với mức 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid -19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…
Ngân hàng HDBank cũng chính thức có quyết định hạ lãi suất cho vay bình quân giảm 1% đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân ở một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Lãi suất giảm tuỳ vào từng đối tượng khách hàng với mức giảm từ 0,5 điểm % đến 1,5 điểm %.
Cùng ngày, Agribank cũng công bố giảm lãi suất với mức giảm 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, áp dụng đối với khoản vay tại thời điểm 15/7 kéo dài đến hết ngày 3/12/2021.
Động thái giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng diễn ra ngay sau cuộc họp ngày 12/7 của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với các tổ chức tín dụng là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.
Theo đó, các tổ chức tín dụng đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, việc hỗ trợ sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch.
Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại tuyên bố giảm lãi suất cho vay, nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, lãi suất cho vay chỉ giảm mạnh với doanh nghiệp ở lĩnh vực ưu tiên.
Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nền kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19, có tới hơn 70.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhưng các ngân hàng vẫn công bố lãi “khủng” là phản cảm.
Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp lên tiếng mong muốn ngân hàng giảm lãi vay để đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế.
Tính đến ngày 31/3/2021, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.
-
Vì sao sau khi vừa tăng các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động?
CafeLand - Trong 1 tuần vừa qua, hàng chục ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động sau khi vừa tăng vào tuần trước đó. Phần lớn các ngân hàng đều giảm từ 0,1 - 0,2 % điểm.
-
eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch
Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...
-
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...
-
Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền
Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...