Hình minh họa
TP.HCM chính thức áp bảng giá đất mới, những tuyến đường có giá “đắt đỏ” nhất từ hôm nay 31/10
Với bảng giá đất mới, giá đất cao nhất được ghi nhận là 687 triệu đồng/m2, khu vực đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1). Mức giá này cao hơn gấp 4 lần bảng giá hiện hành.
Tại quận 3, tuyến đường Công Trường Quốc Tế có mức giá cao nhất quận là 340,2 triệu đồng/m2 . Đường Hoàng Sa có mức giá thấp nhất quận là 138,5 triệu đồng/m2 .
Tại quận 4, tuyến đường Hoàng Diệu (đoạn Nguyễn Tất Thành đến Đoàn Văn Bơ) có mức giá cao nhất là 246,9 triệu đồng/m2 . Đường số 35 có mức giá thấp nhất là 77,5 triệu đồng/m2 .
Tại quận 5, tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Tri Phương có mức giá cao nhất là 283 triệu đồng/m2 . Đường Phú Định có mức giá thấp nhất là 76,9 triệu đồng/m2 .
Quận 6, tuyến đường Tháp Mười (đoạn từ Phạm Đình Hổ đến Ngô Nhân Tịnh) có mức giá cao nhất là 302,9 triệu đồng/m2 . Đường Bà Ký có mức giá thấp nhất là 48,6 triệu đồng/m2 .
Quy định mới về điều kiện, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại TP.HCM từ 31/10/2024
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 100/2024/QĐ-UBND quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa.
Về đất ở, UBND TPHCM quy định điều kiện tách thửa đối với khu vực 1 là thửa đất hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu 36m2, chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không dưới 3m;
Khu vực II là thửa đất hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu 50m2, chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không dưới 4m;
Khu vực III là thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa có diện tích tối thiểu 80m2, chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không dưới 5m.
Đối với đất nông nghiệp, TPHCM quy định diện tích tách thửa tối thiểu là 500m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác; 1000m2 đối với đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung.
NÓNG: TP.HCM ban hành quyết định cấm phân lô bán nền
Tại Điều 2, quyết định 83/2024 của UBND TP.HCM quy định chủ đầu tư dự án Bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên toàn địa bàn TP.HCM không được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án cho tổ chức, cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Quy định trên áp dụng ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 của quyết định này là chủ đầu tư có mục tiêu tái định cư bằng nền đất tại khu vực xã, thị trấn, huyện của TP.HCM, đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024.
Như vậy, quyết định 83/2024 đã quy định các chủ đầu tư dự án trên toàn địa bàn TP.HCM không được phép phân lô bán nền trong dự án cho tổ chức, cá nhân tự xây dựng nhà ở, bao gồm tất cả 5 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ.
Các khu vực cấm phân lô bán nền tại Bình Dương, người mua bất động sản nên biết
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 3001, cho phép các chủ đầu tư dự án Bất động sản tại một số khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà (còn gọi là đất phân lô bán nền), trừ một số khu vực.
Cụ thể, các khu bị cấm phân lô bán nền gồm khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Bình Dương. Ngoài ra, dọc sông Sài Gòn thuộc huyện Dầu Tiếng; sông Đồng Nai (huyện Bắc Tân Uyên), Khu vực tiếp giáp các tuyến đường cảnh quan chính của đô thị, các trục đường chính kết nối vùng (trục đường chính đô thị trở lên); khu vực xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc đô thị được xác định trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị các cấp cũng không được phân lô để bán cho người dân.
Hoạt động phân lô cũng bị cấm tại các khu vực thuộc địa giới hành chính của các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát.
Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ từ đấu giá đất, sắp đấu giá nhiều lô đất khác, liệu còn tình trạng “thổi giá”?
Từ đầu năm đến nay, tổng số tiền trúng đấu giá của các địa phương của Hà Nội đạt trên 11.000 tỷ đồng, trong khi cả năm 2023 đạt khoảng 9.200 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự chủ động và hiệu quả trong việc đấu giá đất để tăng thu ngân sách, tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng cơ sở.
Đơn cử như quận Long Biên, đấu giá đất đạt 194,74% kế hoạch năm 2024, tương đương 5.242,54 tỷ đồng; huyện Mê Linh đạt 244% kế hoạch với 1.324,21 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên thu hơn 331 tỷ đồng, đạt 115,4% kế hoạch; huyện Quốc Oai đạt hơn 420 tỷ đồng (dự kiến, từ nay đến cuối năm, thu thêm 250 - 300 tỷ đồng, đưa tổng thu đấu giá đất năm 2024 lên khoảng 600 - 700 tỷ đồng, vượt kế hoạch giao). Ngoài ra, các huyện: Gia Lâm, Chương Mỹ… cũng đạt hơn 50% kế hoạch.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội khẳng định, quy trình, thủ tục đấu giá đất của các địa phương tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo và văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, đặc biệt là bám sát tinh thần của Luật đất đai, các thông tư hướng dẫn liên quan. Các phiên đấu giá đất được thực hiện đúng quy định, bảo đảm minh bạch.
Thời gian gần đây, nhiều cuộc đấu giá đất thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội gây chú ý đặc biệt bởi mức trúng đấu giá được những người tham gia đẩy lên cao ngất ngưỡng.
Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất giải pháp hạn chế “lướt sóng” trên thị trường bất động sản
Để hạn chế các sàn giao dịch Bất động sản, môi giới Bất động sản có thể cấu kết, gây nhiễu loạn thị trường, Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền cho thí điểm mô hình Trung tâm Giao dịch Bất động sản và quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý.
Và phối hợp với bộ, ngành hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 để tăng cung thị trường. Đôn đốc địa phương đẩy nhanh việc cải tạo lại nhà chung cư cũ.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, kịp thời phát hiện bất cập trong quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp, không để xảy ra trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất, gây nhiễu loạn thị trường.
Kiểm tra hoạt động đấu giá đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm quy định đấu giá đất.
Theo dõi, tổng hợp thông tin tình hình ban hành bảng giá đất của các địa phương theo quy định của Luật Đất đai 2024, để đánh giá tác động đối với mặt bằng giá đất. Kịp thời đề xuất giải pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến mặt bằng giá đất, giá nhà ở và cung cầu thị trường khi ban hành bảng giá đất mới.
-
Nóng trong tuần: Bình Dương có quy định tách thửa đất mới từ 1/11
Nhu cầu nhà ở tại TP.HCM vẫn suy trì sức hút, Hà Nội sẽ là hạt nhân của chu kỳ tiếp theo; Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Bình Dương từ 1/11/2024; Thủ tướng phê duyệt đầu tư 3 cầu gần 4.800 tỉ đồng trên đường nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang; TP. Thủ Đức sắp lấy ý kiến người dân về giá bồi thường dự án Vành đai 2... là những thông tin nóng trong tuần qua.