26/10/2024 7:00 PM
Nhu cầu nhà ở tại TP.HCM vẫn suy trì sức hút, Hà Nội sẽ là hạt nhân của chu kỳ tiếp theo; Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Bình Dương từ 1/11/2024; Thủ tướng phê duyệt đầu tư 3 cầu gần 4.800 tỉ đồng trên đường nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang; TP. Thủ Đức sắp lấy ý kiến người dân về giá bồi thường dự án Vành đai 2... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Nhu cầu nhà ở tại TP.HCM vẫn suy trì sức hút, Hà Nội sẽ là hạt nhân của chu kỳ tiếp theo

Chia sẻ tại Hội thảo “Bất động sản phía Nam vượt qua thách thức và đón đầu cơ hội” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 24/10 vừa qua, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam nhận định nhu cầu nhà ở tại TP.HCM vẫn duy trì được sức hút và Hà Nội sẽ là thị trường hạt nhân trong chu kỳ tiếp theo.

Trong năm 2024, các kênh đầu tư cá nhân như vàng, ngoại tệ, chứng khoán, gửi tiết kiệm… có nhiều biến động, nhưng ông Kiệt cho biết, Bất động sản vẫn là kênh được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Trong quý 3, nguồn cung mới ở Hà Nội là 8.277 sản phẩm, trong khi đó ở TP.HCM chỉ có khoảng 127 sản phẩm mở bán mới. Thấp nhất so với 10 năm trở lại đây. Dù vậy, xét về số lượng chào bán thành công, lại có kết quả khá bất ngờ.

TP.HCM có lượng giao dịch thành công đạt hơn 2.000 sản phẩm, trong khi nguồn cung mới chỉ có hơn 100 sản phẩm. Chứng tỏ, nhu cầu thị trường vẫn đang duy trì ở mức ổn định, có sức hút. Tại TP.Hà Nội có mức độ hấp thụ tương đương nguồn cung cho thấy thị trường cũng rất sôi động.

Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất tại Bình Dương từ 1/11/2024

UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 38/2024/QĐ-UBND ngày 18/10/2024 quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, diện tích tối thiếu tách thửa đất ở tại các phường là 60m2, các thị trấn 80m2 và các xã là 100m2. Đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp tại các phường 300m2, thị trấn 500m2, còn các xã là 1.000m2.

Về đất nông nghiệp, tại thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Tân Uyên, thành phố Bến Cát diện tích tối thiểu thiểu tách thửa các phường là 300m2 và các xã 1.000m2. Các huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo diện tích đất tối thiểu tách thửa tại các thị trấn 1.000m2 và các xã 2.000m2.

Thủ tướng phê duyệt đầu tư 3 cầu gần 4.800 tỉ đồng trên đường nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang

Cụ thể gồm: cầu Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Tổng mức đầu tư hơn 4.797 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA Hàn Quốc tương đương 4.060 tỷ đồng và vốn đối ứng khoảng 736 tỷ đồng. Cả ba cầu này dự kiến phải đến năm 2026 mới khởi công xây dựng.

Trong khi đó, phần đường dẫn hai đầu cầu của ba cầu này được tách thành một dự án riêng, sử dụng vốn ngân sách địa phương nên tỉnh sẽ chủ động thực hiện các công việc trước. Hiện Long An đang thực hiện kiểm đếm, cắm mốc để từ tháng 1/2025 bắt đầu giải phóng mặt bằng.

Theo đó, dự án có tổng chiều dài hơn gần 11km, quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 1.433 tỷ đồng. Ban QLDA công trình giao thông tỉnh đang hoàn tất hồ sơ, dự kiến tháng 11/2024 trình Bộ GTVT thẩm định dự án, tháng 7/2025 tổ chức lựa chọn nhà thầu và trong tháng 9/2025 khởi công.

Cùng với đó, chi phí giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu và đường dẫn vào ba cầu trên có tổng mức đầu tư khoảng 1.607 tỷ đồng. Hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt và sẽ chi trả tiền bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư cho người dân từ tháng 1/2025.

TP. Thủ Đức sắp lấy ý kiến người dân về giá bồi thường dự án Vành đai 2

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM mới đây, đại diện TP. Thủ Đức đã thông tin về tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 2 đoạn qua địa bàn thành phố.

Theo kế hoạch, dự kiến cuối năm 2024, TP. Thủ Đức sẽ khởi công hai đoạn của tuyến Vành đai 2 gồm: đoạn 1 dài dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội), được đầu tư giai đoạn một với mức vốn khoảng 9.328 tỉ đồng. Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8 km, tổng kinh phí 4.543 tỉ.

Theo lãnh đạo UBND TP. Thủ Đức, thành phố dự kiến lấy ý kiến người dân về đơn giá bồi thường, tái định cư dự án Vành đai 2 vào ngày 30-10 và sẽ giải ngân trước 15-12 năm nay, dựa trên bảng giá đất mới của TP.HCM.

Lãnh đạo TP Thủ Đức cũng cho hay nếu hoàn thành công tác bồi thường, giải ngân cho dự án Vành đai 2 thì công tác giải ngân cơ bản sẽ đạt mục tiêu.

Mới đây, UBND TP Thủ Đức cũng đã có văn bản báo cáo gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án xây dựng đường Vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức. Theo UBND TP Thủ Đức, dự án đường Vành đai 2, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (bao gồm nút giao Bình Thái) có chiều dài hơn 3,5km, diện tích dự kiến thu hồi khoảng 47,66ha và ảnh hưởng khoảng 893 trường hợp.

Thông tin về 3 phương án xây dựng cầu Cát Lái vừa được đề xuất

Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) đã có báo cáo nghiên cứu phương án hướng tuyến Dự án Đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái (Cầu Cát Lái) phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, theo báo Đồng Nai.

Theo đó, Dự án Cầu Cát Lái có tổng chiều dài tuyến hơn 11,3km, điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) khoảng 400m; điểm cuối dự án sẽ kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại khoảng Km33+500.

Dự án Xây dựng Cầu Cát Lái và tuyến đường 2 đầu cầu với quy mô đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h, quy mô mặt cắt ngang đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại và tương lai, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo 6 làn cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Trong đó, Cầu Cát Lái có chiều dài hơn 3km, phần cầu chính được xây dựng theo kết cấu cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, liên tục 3 nhịp, dầm chủ bê tông cốt thép dự ứng lực dạng 2 hộp thi công bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ và đảm bảo các bề rộng để bố trí hệ thống dây cáp văng, với tổng bề rộng 29,5m.

Quy định mới của Đà Nẵng về đối tượng và điều kiện được thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội

Đối tượng ưu tiên được thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, thuộc các trường hợp: Hộ có người bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; hộ có người bị bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ; hộ có người đơn thân nuôi con.

Hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà ở là tài sản công thuộc diện phải phá dỡ và đáp ứng đối tượng quy định tại điều 76 Luật Nhà ở. Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật tại các dự án đầu tư công mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Điều kiện được thuê nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công là có đăng ký thường trú liên tục tại thành phố Đà Nẵng đủ 5 năm trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thuê.

Đồng thời, chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại thành phố; chưa có nhà ở, quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

  • Nóng trong tuần: Môi giới bất động sản rục rịch quay lại thị trường

    Nóng trong tuần: Môi giới bất động sản rục rịch quay lại thị trường

    70% môi giới bất động sản quay lại nghề, thị trường đã ấm lên; Cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ thông xe 22km trước Tết Nguyên đán 2025; Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu cho dân vay mua nhà nếu gói 120.000 tỷ không hút người vay; Đại gia bất động sản mạnh tay gom đất, thị trường sắp nóng lên... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hoàng An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.