Quy hoạch giao thông tỉnh Tây Ninh trong những năm tới: Có cao tốc, đường sắt và cả sân bay; Giá nhà mặt phố quận trung tâm Hà Nội đang ở mức nào; Đề xuất gần 1.500 tỉ đồng xây đường nối cao tốc với đại lộ Đông Tây, sân bay Buôn Ma Thuột; Cây cầu duy nhất đang xây dựng nối Nhơn Trạch với TP.HCM về đích sớm... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Giá nhà mặt phố quận trung tâm Hà Nội đang ở mức nào?

Thị trường nhà đất Hà Nội đang có dấu hiệu sôi động trở lại. Mức giá đất nhà mặt phố quận trung tâm đang cao gấp 2 lần so với khu vực ngoài trung tâm.

Theo báo cáo thị trường thổ cư Hà Nội quý 1.2024 từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, giao dịch thổ cư trong quý 1 tại Hà Nội đạt 9.800 căn, trong đó, các giao dịch dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 44%. Riêng lượng giao dịch trong tháng 3/2024 đạt ~5,000 căn, tăng 153% so với tháng 2./2024 và tăng 38% so với tháng 12.2023, cho thấy thị trường thổ cư có dấu hiệu sôi động trở lại sau Tết.

Các giao dịch trong tháng 3.2024 chủ yếu đến từ nhà trong ngõ tại các quận ngoài trung tâm như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên... Số lượng giao dịch tại nhóm quận này tăng 176% so với tháng 2.2024. Giao dịch tại các quận trung tâm cũng tăng gấp đôi so với tháng 2.2024, tập trung tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa.

Tổng lượng giao dịch nhà trong ngõ quý 1.2024 đạt gần 9.000 căn, trong đó 92% giao dịch tại các khu vực ngoài trung tâm, do mặt bằng giá trung bình tại đây chỉ tương đương gần 50% so với các quận trung tâm.

Ghi nhận mức tăng lượng giao dịch mạnh nhất trong tháng 3.2024 so với tháng 2.2024, quận Bắc Từ Liêm lên tới 237%, chủ yếu tại các phường Xuân Đỉnh, Thạch Bàn, Phú Diễn…, theo sau là quận Nam Từ Liêm 205%, chủ yếu tại các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Mỹ Đình 1...và quận Long Biên 204% tập trung tại các phường Thạch Bàn, Long Biên, Ngọc Thụy…

Quy hoạch giao thông tỉnh Tây Ninh trong những năm tới: Có cao tốc, đường sắt và cả sân bay

Theo nội dung quy hoạch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới giao thông của tỉnh sẽ được đầu tư đồng bộ gồm nhiều dự án kết nối nội bộ và cả liên kết khu vực.

Cụ thể, để kết nối vùng sẽ đầu tư, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, cao tốc, đường sắt, đường thủy theo các quy hoạch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.

Đối với dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài giai đoạn 1, mới đây UBND TP.HCM đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Theo đó, cao tốc được đề xuất đầu tư với chiều dài gần 51km, trong đó đoạn qua địa phận TP.HCM là 24,66 km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh là 26.317 km. Dự án có điểm đầu giao với Đường Vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM; điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 (tại lý trình Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Đề xuất gần 1.500 tỉ đồng xây đường nối cao tốc với đại lộ Đông Tây, sân bay Buôn Ma Thuột

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn và đoàn công tác vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình triển khai các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có dự án xây dựng đường nối cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với đại lộ Đông Tây. Tuyến đường này có vai trò quan trọng khi kết nối cao tốc với hai đầu mối giao thông quan trọng là đại lộ Đông Tây và sân bay Buôn Ma Thuột.

Trong 3 phương án đề xuất do đơn vị tư vấn đưa ra, tỉnh Đắk Lắk thống nhất chọn phương án 1 - đầu tư hoàn thiện dự án với quy mô chỉ giới đường đỏ 70m, đồng bộ với chỉ giới đại lộ Đông Tây và hạ tầng kỹ thuật trên tuyến, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.477 tỉ đồng.

Theo phương án này, điểm cuối tuyến khớp nối vào nút giao đại lộ Đông Tây – Quốc lộ 27 và đường Đam San hiện trạng. Đối với dự án này, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan đưa ra quy mô phải đồng bộ, phù hợp với các tuyến đường kết nối.

Thị xã gần cảng biển, sân bay của Quảng Ninh phấn đấu sang năm lên thành phố vừa được duyệt đầu tư dự án truyền tải điện quan trọng

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Quảng Yên sẽ là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Ninh trước năm 2025. Trong đó, xây dựng, phát triển Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Tuyến phía Tây tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trong giai đoạn 2022-2025, đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, ngành điện xây dựng các xuất tuyến 110kV để cấp điện đến chân hàng rào với một loạt các dự án như: trạm biến áp 110kV Hải Xuân (TP Móng Cái), đường dây 110kV cấp điện cho KCN Việt Hưng (TP Hạ Long), trạm 110kV Nam Hòa cấp điện cho KCN Bắc Tiền Phong và Nam Tiền Phong (thị xã Quảng Yên), đường dây và trạm biến áp 110kV Đông Triều 2…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, khi các công trình đi vào hoạt động, tình trạng thiếu nguồn và những hạn chế trong hạ tầng điện trên địa bàn tỉnh sẽ được khắc phục triệt để, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tại KCN ổn định sản xuất.

Đồng Nai kiến nghị đẩy nhanh tiến độ gỡ vướng trong triển khai các dự án Aqua City, Long Hưng, Đồng Nai Waterfront

Đồng Nai kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án tại phân khu C4, thuộc xã Long Hưng và một phần phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Phân khu C4 quy hoạch chung thành phố Biên Hòa có diện tích khoảng 1.500ha. Thời gian qua, trên phân khu này nhà đầu tư đã triển khai các dự án khu đô thị, khu dân cư như: Dự án khu dân cư Long Hưng, khu đô thị Đồng Nai WaterFront, khu đô thị Aqua City, khu đô thị dịch vụ thương mại cao cấp cù lao Phước Hưng,...

Tuy nhiên, tại thời điểm phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu C4 đã chưa cập nhật đầy đủ hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án được phê duyệt trước đó nên dẫn đến sự không đồng bộ, khác biệt giữa quy hoạch các cấp. Do có sự khác biệt đó nên nhiều dự án khu đô thị phải tạm dừng triển khai xây dựng và kinh doanh. Trong đó có dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển.

Gần 9.000 hộ tái định cư ở TP.HCM bỏ trống, nợ hơn 81 tỉ đồng phí quản lý

Theo thống kê từ Sở Xây dựng, TPHCM hiện có 8.948 căn hộ tái định cư thuộc sở hữu nhà nước chưa bố trí cho người dân. Những căn hộ này nằm tại 85 chung cư, cụm chung cư trên địa bàn TP.Thủ Đức, 2 huyện (Bình Chánh, Nhà Bè) và 15 quận (1, 3, 4, 5, 6, 7, 8 10, 11, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú).

Hiện nay, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng TP.HCM đã tiếp nhận và quản lý 8.461 căn hộ, đang chuẩn bị tiếp nhận 487 căn hộ còn lại từ UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện.

Thời gian vừa qua các Ban quản trị, Ban Quản lý tại 39/85 chung cư, cụm chung cư nói trên đã có văn bản đề nghị thanh toán chi phí quản lý vận hành các căn hộ trống với số tiền hơn 81 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng chưa được ủy quyền tham gia hội nghị nhà chung cư và ban quản trị. Do đó, đơn vị này không thể tham dự với vai trò chủ sở hữu để bỏ phiếu bầu ban quản trị nhà chung cư, thống nhất đơn giá quản lý, vận hành. Ngoài ra, trung tâm cũng không được giao chủ trương thanh toán chi phí quản lý, vận hành.

Cây cầu duy nhất đang xây dựng nối Nhơn Trạch với TP.HCM về đích sớm

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) vừa có báo cáo gửi Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) về tình hình triển khai dự án thành phần 1A của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Dự án Đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, tính đến đầu tháng 5, tổng giá trị thi công của 2 gói thầu xây lắp thuộc dự án đã đạt gần 1.400 tỉ đồng trên tổng giá trị gần 2.700 tỉ đồng, đạt gần 51% giá trị hợp đồng. Trong đó, gói thầu CW1, xây dựng cầu Nhơn Trạch dài 2,6km có giá trị hơn 1.600 tỉ đồng do nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc) thi công đang được đặt mục tiêu rút ngắn thời gian hoàn thành.

Cụ thể, gói thầu được khởi công vào ngày 24/9/2022 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025. Tuy nhiên, hiện nay nhà thầu đang đặt kế hoạch rút ngắn để hoàn thành vào ngày 30/4/2025. Đối với gói thầu CW2 (đường dẫn 2 đầu cầu, dài 5,6km) có giá trị hơn 1.000 tỉ đồng do liên danh nhà thầu Dongbu Corporation (Hàn Quốc) - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (Việt Nam) triển khai.

  • Nóng trong tuần: Nhiều tín hiệu vui của thị trường bất động sản

    Nóng trong tuần: Nhiều tín hiệu vui của thị trường bất động sản

    Thị trường vui trở lại, doanh thu kinh doanh bất động sản TP.HCM đạt hơn 80.800 tỷ đồng; Sắp bước vào thời khắc quan trọng, thị trường bất động sản đón thêm gần 1.400 doanh nghiệp mới; Giá chung cư Hà Nội tăng mạnh cỡ nào trong 6 năm qua; Bình Định tìm nhà đầu tư cho hai dự án cụm công nghiệp mới... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.