CafeLand - Việc dự trữ cho kỳ Giáng sinh sắp tới cũng như những nguy cơ tiềm ẩn về đợt bùng phát tiếp theo của đại dịch Covid-19 và sự kiện Brexit vô tình khiến các nhà kho trên khắp châu Âu phải hoạt động hết công suất.

Hiện nay, các nhà bán lẻ tại Anh đang tích cực gom hàng dự trữ khi đối mặt với sự tiềm ẩn về khả năng gián đoạn trong tháng Giêng tới. Trong khi đó, các đối tác phân phối khác trên khắp châu Âu gần các bến cảng như Hamburg hoặc Rotterdam cũng hoạt động rất tích cực.

Nhiều nền tảng quản lý thương mại điện tử bao gồm ZigZag và Global-e cho biết khoảng 30-35% doanh số của các nhà bán lẻ ở Anh đến từ khách hàng châu Âu. Các thương hiệu phổ biến ở Anh như nhà bán lẻ thương mại điện tử Shein của Trung Quốc hay thương hiệu đồ thể thao của Mỹ, Under Armour hiện được dự trữ độc quyền tại EU.

Trong năm 2020, thương mại điện tử đã tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, điều này vô tình đẩy các kho bãi tại châu Âu đến giới hạn.

Giám đốc tài chính của nhà bán lẻ thương mại điện tử châu Âu Zalando, David Schroeder cho biết: "Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đã hoạt động với khối lượng công việc khổng lồ".

Nhu cầu về kho bãi sau sự kiện Brexit dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa khi nhiều công ty tìm cách tránh kiểm tra thuế quan. Nick Cook, người đứng đầu bộ phận kho bãi của công ty logistics GLP cho biết: "Các nhà bán lẻ sẽ không muốn sự gián đoạn của các đợt bùng phát Covid-19 hay bất cứ điều gì khác ảnh hưởng đến họ một lần nữa".

Tại Anh, khối lượng cho thuê cho diện tích kho bãi đang ở mức kỷ lục với hơn 32,5 triệu m2 và dự kiến ​​sẽ tăng lên 40 triệu m2 vào cuối năm nay, theo dữ liệu từ công ty tư vấn bất động sản toàn cầu CBRE.

Nhà điều hành logistics Europa Worldwide Group, đơn vị chuyên cung cấp hàng hóa cho các nhà bán lẻ và bên thứ ba như DHL hay Amazon, đang nắm giữ lượng sản phẩm thương mại điện tử nhiều hơn 60% so với thời điểm này năm ngoái.

Trong khi đó, nhà sản xuất giày Vivo Barefoot cho biết họ sẽ vận chuyển càng nhiều giày càng tốt từ địa điểm sản xuất ở Bồ Đào Nha đến kho hàng ở Anh trước tháng 12. Ngoài ra, có nhiều công ty khác như M&S, Next và Primark cũng đang tăng cường việc thuê kho bãi để chứa hàng hóa.

Ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, nhu cầu về việc sử dụng kho bãi ​​sẽ vẫn ở mức cao do hiện nay khách hàng đã dần quen với các hình thức mua sắm trực tuyến. Theo số liệu từ Prologis, thương mại điện tử yêu cầu công suất nhà kho cao gấp ba lần so với bán lẻ truyền thống.

Chuyên gia Andrew Jones đến từ công ty bất động sản Londonmetric cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự chuyển dịch lớn trong lĩnh vực logistics, không chỉ ở hiện tại mà sẽ còn tiếp diễn hậu Brexit".

Các nhà bán lẻ cũng có thể tìm cách chia nhỏ các hoạt động trên khắp nước Anh và EU để tránh bị tính phí. Mặc dù vậy, ngay cả khi các thỏa thuận được ký kết, những thương nhân vẫn sẽ phải trả phí cho việc vận chuyển hàng hóa qua lại giữa Anh và EU. Ngành logistics của Anh ước tính rằng sẽ cần 250 triệu tờ khai hải quan mỗi năm cho hoạt động thương mại của EU.

Giữ cổ phiếu ở cả hai thị trường có thể là giải pháp mà nhiều người lựa chọn. Vào tháng 7 vừa qua, Amazon cho biết họ sẽ không phân phối hàng hóa cho các thương gia giữa Anh và EU. Thay vào đó, họ sẽ gửi riêng hàng hóa của mình đến các trung tâm ở cả hai khu vực.

Trong khi đó, các công ty trong những ngành nghề khác đang bắt đầu tính đến việc sử dụng các không gian văn phòng trống và biến chúng thành những kho bãi, theo nghiên cứu của Savills và JLL.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và chuyển đổi diễn ra tương đối chậm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. "Tại thời điểm này, bạn nên tập trung đầu tư vào một thị trường", Tim Crighton, chuyên gia tư vấn bất động sản của Cushman & Wakefield cho biết.

Hiện tại, các nhà bán lẻ truyền thống dường như vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ sử dụng các kho bãi. Nếu không hành động ngay bây giờ, nhiều khả năng họ sẽ không tìm thấy bất kỳ không gian kho bãi nào để thuê do nhu cầu sử dụng quá lớn từ các công ty thương mại điện tử.

Anh Nguyễn (The Bussiness Times)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.