29/12/2022 9:44 AM
2022 là năm nhiều biến động của thị trường vật liệu xây dựng (VLXD). Hầu hết các loại VLXD thiết yếu đều tăng giá chóng mặt khiến hàng loạt dự án công, tư cho đến nhà đơn lẻ của người dân đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Sau trận cuồng phong Covid-19, ngành xây dựng lại đối mặt tiếp với cơn bão giá vật liệu trong năm 2022. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, căng thẳng địa chính trị, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn… đã khiến giá các mặt hàng VLXD leo thang.

Đầu năm tăng không giảm

Bộ Xây dựng cho biết, tình hình biến động giá vật liệu trong năm nay đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng. Ghi nhận thực tế cho thấy một số loại VLXD liên tục tăng giá, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh.

Hầu hết các loại vật liệu xây dựng thiết yếu đều tăng giá chóng mặt trong năm 2022 khiến hàng loạt dự án công, tư cho đến nhà đơn lẻ của người dân đều bị ảnh hưởng nặng nề

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, xi măng đã có 3 lần tăng giá với mức tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,55% so với cuối năm 2021.

Cụ thể, lần điều chỉnh giá xi măng gần đây nhất là hồi tháng 6.2022 vừa qua. Khi đó, có khoảng 15 doanh nghiệp đồng loạt tăng giá bán xi măng thêm 50.000-80.000 đồng/tấn, có loại tăng 140.000 đồng/tấn. So với 2 đợt trước, lần điều chỉnh tăng giá bán này hơn hẳn về số lượng doanh nghiệp.

Hồi tháng 3, có khoảng 13 doanh nghiệp xi măng thông báo tăng giá. Nửa cuối tháng 5, thị trường ghi nhận khoảng 10 đơn vị điều chỉnh. Tuy nhiên, biên độ tăng lần này thấp hơn so với đợt tháng 3. Thời điểm đó, các doanh nghiệp chủ yếu tăng giá xi măng khoảng 100.000 đồng/tấn, có thương hiệu xi măng tăng giá đến 150.000 đồng/tấn. Còn so với mức tăng thêm 60.000-80.000 đồng/tấn hồi tháng 5, đợt điều chỉnh này có bước giá cao hơn.

Tương tự, trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2022, giá đá xây dựng tăng 7,2% so với cuối năm 2021. Giá cát xây dựng có xu hướng tăng nhẹ với mức tăng bình quân 1,51% hàng tháng do nhu cầu xây dựng thấp. Giá nhựa đường tăng 23,52% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 15% so với cuối năm 2021. Giá các mặt hàng trang trí nội thất tăng khoảng 20% so với thời điểm đầu năm.

Riêng “bão giá” mặt hàng thép xây dựng trong năm nay đã khiến nhiều chủ đầu tư choáng váng khi có thời điểm, giá thép lên gần 21 triệu đồng/tấn, vượt xa đỉnh cũ của năm 2021.

Cụ thể, giá mặt hàng thép xây dựng đã trải qua gần 30 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng giá liên tiếp hồi đầu năm, sau đó quay đầu giảm liên tiếp 15 lần từ tháng 4 đến tháng 8 với mức giảm 6 triệu đồng/tấn, xuống còn khoảng 14 triệu đồng/tấn.

Như vậy, sau nhiều lần điều chỉnh tăng, giảm, hiện giá thép xây dựng trong nước dao động quanh mức 14,5-16 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu, giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Như vậy, giá thép trung bình trong 11 tháng tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tương đương so với mức giá hồi đầu năm.

Theo các chuyên gia, chi phí vật liệu thường chiếm khoảng 60% chi phí xây dựng. Do đó, khi giá VLXD tăng, giá bất động sản đương nhiên sẽ tăng theo. Mặt khác, việc các loại VLXD biến động giá cũng sẽ làm gián đoạn tiến độ của các công trình vì đội vốn, khi đó chủ đầu tư và nhà thầu phải tính lại bài toán xây dựng nếu tiếp tục triển khai dự án.

Cuối năm ế ẩm, tồn kho tăng cao

Theo thông lệ, cuối năm là mùa cao điểm xây dựng. Nhưng do sự 'đóng băng' của thị trường bất động sản, thị trường VLXD cuối năm với hàng trăm loại sản phẩm từ sắt thép, xi măng, thiết bị vệ sinh... cũng rơi vào cảnh ảm đạm, tiêu thụ giảm mạnh, thậm chí không bán được hàng.

Mặc dù giá thép đã hạ nhiệt nhưng nhu cầu suy yếu khiến lượng tồn kho thép tính đến cuối tháng 11 tăng cao, ở mức 2 triệu tấn

Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản, VNDirect cho rằng giá VLXD hạ nhiệt trong quý 3.2022 là điểm sáng hiếm hoi. Theo đó, đơn vị này kỳ vọng giá thép xây dựng sẽ giảm dần trong nửa cuối năm nay và năm 2023.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép trong nước yếu đi buộc các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để giải phóng nhanh hàng tồn kho. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong thời gian đần đây sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình giảm giá thép. Hiện giá thép xây dựng trung bình trong quý 3 đã giảm khoảng 13% so với quý trước và giảm 6% so với thời điểm đầu năm.

Sau 11 tháng đầu năm, cả nước đã sản xuất được 27,12 triệu tấn thép các loại, tiêu thụ thép ở mức 25,12 triệu tấn, lần lượt giảm 11,3% và 6,8% so với cùng kỳ. Như vậy, mặc dù giá thép đã hạ nhiệt nhưng nhu cầu suy yếu khiến lượng tồn kho thép tính đến cuối tháng 11 tăng cao, ở mức 2 triệu tấn.

Tương tự với mặt hàng xi măng, trong bối cảnh mất cân đối cung cầu, tồn kho còn nhiều, các doanh nghiệp xi măng trong nước đang tìm mọi giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ, nhưng bán hàng rất vất vả. Cụ thể, sản lượng xi măng sản xuất trong giai đoạn này ước đạt 85,36 triệu tấn, giảm 9,92%; tiêu thụ 87,31 triệu tấn, giảm 9,81% so với năm 2021.

Thời gian tới, một số nhà máy có thể làm việc với đại lý để giảm giá bán cũng như có nhiều chính sách, chiết khấu thương mại, thậm chí là cơ chế ưu đãi riêng, hỗ trợ cho các nhà phân phối để xả tồn kho, duy trì sản xuất.

Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2022, sản lượng kính xây dựng ước đạt 215,4 triệu m2, giảm 4%; tiêu thụ ở mức 212,8 triệu m2, tăng 14% so với năm 2021. Mặt hàng sứ vệ sinh sản xuất được 16,64 triệu sản phẩm, giảm 2,7%; tiêu thụ 16,34 triệu sản phẩm, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tấm lợp AC sản xuất được 44,4 triệu m2, tăng 10%; tiêu thụ được 44,3 triệu m2, tăng 20% so với năm 2021.

Tương tự, sản phẩm gạch ốp lát sản xuất đạt 518,5 triệu m2, tăng 9%; tiêu thụ 510 triệu m2, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Đá ốp lát sản xuất được 18,4 triệu m2, giảm 8%; tiêu thụ 17,75 triệu m2, tăng 4% so với năm 2021. Gạch nung sản xuất 16,87 tỉ viên, giảm 11%; tiêu thụ ở mức 17,67 tỉ viên, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021. Gạch không nung sản xuất 3,52 tỉ viên, giảm 2%; tiêu thụ 3,48 tỉ viên, tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2021.

Trước tình trạng giá VLXD có nhiều biến động, Bộ Xây dựng cũng như Chính phủ đã có những chỉ đạo các địa phương công bố giá xây dựng minh bạch, công khai, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều địa phương chậm trễ trong việc công bố giá VLXD. Ngoài ra, việc công bố chưa bám sát với thực tế cung cầu của thị trường, đây là lỗ hổng để nhiều đơn vị cung ứng lợi dụng đầu cơ, tăng giá để trục lợi.

Cụ thể, tính đến hết năm 2022, mới chỉ có 50 địa phương đã thực hiện công bố giá vật liệu hàng tháng, 13 địa phương thực hiện công bố giá VLXD hàng quý.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương phải theo dõi sát diễn biến, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu, chỉ số giá xây dựng phù hợp với mặt bằng thị trường; nâng cao công tác dự báo về khả năng cung, cầu, nhất là với các loại VLXD chủ yếu, khắc phục việc thiếu hụt nguồn cung.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.