Cách đây ít giờ, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã họp xem xét và biểu quyết thông qua Báo cáo đầu tư dự án đầu tư công trình hạ tầng có tổng mức đầu tư lên tới 8 tỷ USD này trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Sân bay Tân Sơn Nhất bị giới hạn cả quỹ đất lẫn không gian để có thể mở rộng nâng công suất lên 25 triệu hành khách/năm
Mặc dù vẫn phải chờ đợi kết quả kiểm phiếu của 16 thành viên Hội đồng là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan nhưng nhiều khả năng Báo cáo đầu tư Dự án sẽ nhận được đa số phiếu thuận để có thể trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét thông qua ngay trong kỳ họp tháng 10/2014.
Như vậy, sân bay Long Thành về cơ bản đã vượt qua “cửa ải” đầu tiên, dù Báo cáo đầu tư Dự án do Tổng công ty Hàng không Việt Nam lập vẫn còn nhiều hạn chế cần phải chỉnh sửa, khắc phục.
"Báo cáo đầu tư Dự án vẫn chưa thật thoát ý, có tính thuyết phục cao về sự cần thiết phải đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thay vì tiếp tục mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và nâng cấp sân bay quân sự Biên Hòa ", Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam cần cập nhật bổ sung các ý kiến góp ý của đại diện Bộ Quốc phòng, UBND Tp.HCM để làm rõ sự cần thiết phải đầu tư sân bay Long Thành.
Cần phải nói thêm rằng, tại phiên họp này, lần đầu tiên lãnh đạo UBND Tp.HCM chính thức khẳng định: địa phương này không thể kham nổi sức ép giao thông trong trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất nới công suất tối đa từ 20 triệu khách hiện nay lên 25 triệu khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Mai Hữu Tín, để đáp ứng việc nới công suất tối đa thêm 5 triệu khách cho sân bay Tân Sơn Nhất, Tp.HCM phải đầu tư ít nhất 4 - 5 tỷ USD cho hệ thống giao thông kết nối như hệ thống đường bộ trên cao, đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, do sân bay Tân Sơn Nhất nằm giữa trung tâm Tp.HCM nếu tiếp tục mở rộng công suất sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị khi bị khống chế về tĩnh không, phễu bay.
Điều đáng lưu ý là ông Tín khẳng định: sân bay Tân Sơn Nhất hiện không chỉ hạn chế về quỹ đất mà không gian hoạt động bay hiện cũng đã quá tải - trong khi đây là yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
"Việc khai thác sân bay mới tại Long Thành sau năm 2020 là điều hết sức cần thiết", ông Tín khẳng định.
Cùng với việc làm mạch lạc hơn Báo cáo đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định yêu cầu chủ đầu tư cần bổ sung, phân tích căn cứ, điều kiện để Sân bay Long Thành có thể trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế như mục tiêu đề ra; làm rõ quy mô đầu tư, tính liên thông của hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Long Thành.
Liên quan tới quy mô diện tích xây dựng Dự án, Hội đồng thẩm định thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư về việc triển khai sân bay Long Thành trên diện tích 5.000 ha, đồng thời đồng ý kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép tách GPMB thành 1 tiểu dự án riêng giao cho UBND tỉnh Đồng Nai triển khai sớm.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư trên cơ sở ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định khẩn trương hoàn thiện lại Báo cáo đầu tư để có thể sớm trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 8/2014.
"Việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành là điều hết sức cần thiết, phải triển khai ngay sớm nhưng với chất lượng Báo cáo đầu tư còn nhiều hạn chế sẽ rất khó thuyết phục được các đại biểu Quốc hội", Bộ trưởng Vinh cảnh báo.
Được biết, tại báo cáo thẩm định lần 4 về Báo cáo đầu tư Dự án - tài liệu phục vụ phiên họp Hội đồng thẩm định lần thứ 3, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành đã cho rằng, sau khi được bổ sung, chỉnh sửa, Báo cáo đầu tư Dự án đã làm rõ thêm một số vấn đề chính được đề cập trong quá trình thẩm định, về cơ bản đã đáp ứng các nội dung theo quy định ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.
Cụ thể, báo cáo giải trình đã nhấn mạnh, cập nhật được các nội dung khai thác và dự báo lưu lượng vận chuyển trong tương lai của Sân bay Tân Sơn Nhất theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định. Theo đó, ngay từ năm 2013, sân bay này đã đạt lưu lượng 20,3 triệu hành khách/năm và sẽ trở nên quá tải vào những năm sau đó.
Theo ACV, hoạt động khai thác tại Sân bay Tân Sơn Nhất ở nhiều thời điểm hiện đã rơi vào tình trạng quá tải; nhà ga hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế. Do đó, việc cần phải nhanh chóng đầu tư mở rộng, hoặc xây mới một sân bay mới là cần thiết.
Liên quan tới việc đánh giá các phương án đầu tư, Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành cho rằng, ACV đã phân tích, so sánh khá chi tiết phương án đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành so với các phương án cải tạo/mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và cải tạo/mở rộng căn cứ không quân Biên Hòa, có nêu cơ sở tính toán, nguồn dữ liệu ước chi phí đầu tư các phương án. Từ đó, khẳng định khả năng cải tạo/mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất và căn cứ Biên Hòa để đạt công suất như mục tiêu của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là khó khả thi.
Tổ thẩm định liên ngành cơ bản thống nhất với các nội dung giải trình của ACV về quy mô đầu tư Dự án, tuy nhiên yêu cầu chủ đầu tư phải giải trình thêm ý kiến của chuyên gia phản biện liên quan tới quy mô diện tích xây dựng sân bay cần tới 5.000 ha để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng/năm.
-
Nghiên cứu làm khu thương mại tự do tại đô thị sân bay Long Thành
Ngày 9/1, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với đại diện Công ty CT Strategies (CTS) về vấn đề xúc tiến phát triển Khu thương mại tự do kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Phước An....
-
Đồng Nai chuẩn bị đưa khu đất 7.400 tỷ gần sân bay Long Thành ra đấu giá
Khu đất hơn 282 ha gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành có giá trị theo bảng giá đất là 7.400 tỷ đồng.
-
Long Thành và Nhơn Trạch sẽ trở thành đô thị sân bay như Changi của Singapore
Long Thành và một phần huyện Nhơn Trạch được quy hoạch phát triển theo mô hình đô thị sân bay đã được áp dụng thành công như Dubai, Frankfurt (Đức) và Changi (Singapore).