Theo Savills, các nhà đầu tư từ châu Á đã chi 48,1 tỷ USD vào bất động sản ở nước ngoài trong năm 2023.
Dữ liệu từ MSCI cho thấy Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản nằm trong số 5 nguồn vốn bất động sản xuyên biên giới hàng đầu vào năm 2023, trong đó Singapore đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ.
Simon Smith, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn tại châu Á - Thái Bình Dương của Savills, cho biết: “Dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư châu Á đã trở nên mạnh mẽ như thế nào trên trường quốc tế. Họ đã rót gần 20 tỷ USD vào Mỹ và Canada và hơn 5 tỷ USD vào Châu Âu”.
“Châu Á tương đối mạnh trong một năm mà các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu rút lui do những rắc rối ở thị trường quê nhà, tuy nhiên sự tăng trưởng của quỹ tư nhân và vốn tổ chức trên toàn khu vực này cho thấy châu Á sẽ tiếp tục xuất khẩu vốn ra thế giới”.
Các nhà đầu tư Singapore đã chi tổng cộng 25,3 tỷ USD ở nước ngoài, nếu tính theo bình quân đầu người, con số này gấp hơn 40 lần số tiền mà các nhà đầu tư Mỹ chi tiêu, chứng tỏ tầm ảnh hưởng tài chính to lớn của quốc đảo này.
Nhật Bản đầu tư 8,1 tỷ USD vào bất động sản nước ngoài vào năm 2023, tăng 170%. Những ông lớn như Mitsubishi Estate, Mori Trust và quỹ hưu trí khổng lồ GPIF thống trị số vốn đầu tư ra nước ngoài từ đất nước mặt trời mọc. Năm công ty hàng đầu của Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài chiếm hơn một nửa tổng số vốn.
Các nhà đầu tư từ Nhật Bản đầu tư mạnh vào Mỹ nhưng cũng đầu tư đáng kể vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Úc và Indonesia là những thị trường được ưu tiên hàng đầu. Họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực, từ văn phòng ở New York đến khu dân cư cho thuê ở Úc. Thương vụ lớn nhất trong năm 2023 là việc quỹ Mori Trust mua lại 49,9% cổ phần của dự án 245 Park Avenue, một tòa tháp văn phòng ở New York, với giá chỉ dưới 1 tỷ USD.
Ông Smith cho biết: “Sự cạnh tranh ít hơn từ các nhà đầu tư trong nước sẽ giúp ích cho các nhà đầu tư châu Á ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Hơn nữa, các nhà đầu tư lớn nhất châu Á cũng đang có hoạt động kinh doanh quốc tế mạnh mẽ trên toàn thế giới”.
Các nhà đầu tư Hồng Kông đã chi 8,4 tỷ USD ra nước ngoài, bao gồm một tỷ lệ đáng kể được phân bổ cho các dự án ở Trung Quốc, điểm đến phổ biến thứ sáu của dòng vốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc chi tiêu rất ít ở bên ngoài thị trường quê nhà vào năm ngoái.
Tokyo, Singapore và Hồng Kông cũng nằm trong top 10 điểm đến thu hút vốn đầu tư bất động sản ở nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Mỹ lại chiếm phần lớn số vốn rót vào Tokyo, trong khi ở Singapore và Hồng Kông, các nhà đầu tư châu Á hoạt động mạnh hơn.
MSCI cũng báo cáo sự chuyển dịch sang các bất động sản công nghiệp và bán lẻ trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng đến đầu tư văn phòng.
Ông Smith cho biết: “Công nghiệp tiếp tục được hưởng lợi từ những cơ cấu thuận lợi, trong khi nhiều nhà đầu tư tin rằng ngành bán lẻ đã chạm đáy sau một vài năm khó khăn”.
“Các bất động sản văn phòng không còn được ưa chuộng do mô hình kết hợp và làm việc tại nhà nhưng những thương vụ như 245 Park Avenue chứng minh rằng một số nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào những tài sản đắc địa ở các thành phố cửa ngõ”.
Chris Pilgrim, Giám đốc điều hành Thị trường vốn toàn cầu của Colliers, Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Châu Á - Thái Bình Dương có hoạt động vốn tốt nhất vào năm 2023, với khối lượng đầu tư đạt 91% mức trung bình 10 năm. Trong khi đó, Bắc Mỹ đạt 68%, còn khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) chỉ đạt hơn một nửa (52%) mức trung bình 10 năm. Năm 2023, khối lượng đầu tư toàn cầu nằm ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với tổng khối lượng đầu tư ở mức 75% mức trung bình 10 năm”.
Ông nói thêm: “Các yếu tố kinh tế, cùng với điều kiện thị trường tài chính, là chìa khóa thúc đẩy hoạt động đầu tư. Bức tranh kinh tế năm 2023 và các dự báo cho năm 2024 và 2025 nêu bật câu chuyện tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á – Thái Bình Dương, bất chấp việc Trung Quốc đang bước ra khỏi thời kỳ hoàng kim có mức tăng trưởng 6%”.
Ông Chris Pilgrim dự báo: “Lãi suất đã đạt đỉnh và dự kiến sẽ giảm đáng kể, mặc dù thời gian và mức độ giảm vẫn chưa chắc chắn”.
-
4 xu hướng tích cực của bất động sản châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2024
Những vấn đề lớn của bất động sản châu Á từ năm 2023 vẫn còn dai dẳng trong năm 2024, nhưng sự kiên cường và sức mạnh của thị trường cũng sẽ tồn tại song song.
-
Nửa cuối năm 2024 là cơ hội để thu mua bất động sản
Theo khảo sát của CBRE, đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thể phục hồi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
-
Nhà đầu tư châu Á tăng cường vốn vào bất động sản trong trung hạn
Bất động sản, một danh mục phụ lớn thuộc tài sản tư nhân, đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư châu Á, với 64% kỳ vọng sẽ tăng lượng nắm giữ trong trung hạn.
-
Sóng đầu tư Trung Quốc thoái trào, để lại 500 “tòa nhà ma” ở Campuchia
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc rút đi đã khiến Sihanoukville, điểm nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Campuchia, phải đối mặt với hàng trăm dự án còn dang dở.