12/01/2024 11:33 AM
Trong năm 2023, một số địa phương đã tạo được một làn sóng đầu tư trên địa bàn như Quảng Ninh, TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An,…

Quảng Ninh là một trong số những địa phương tạo được làn sóng đầu tư mới trong năm 2023.

Cả nước hiện có 38.844 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực

Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho ý kiến góp ý về chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024.

Về kết quả hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Đồng thời, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế đến ngày 20/11, cả nước có 38.844 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 462,4 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài đạt khoảng 294,2 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Trong 11 tháng đầu năm 2023, số dự án mới tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này chiếm đến 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam. Năm 2023, đánh dấu sự trở lại của nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu,… đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại các địa phương. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn về tổng vốn đầu tư. Riêng Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan chiếm gần 81% tổng vốn đầu tư cả nước trong 11 tháng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết thêm thông tin về kết quả thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, trong năm 2023, một số địa phương đã tạo được một làn sóng đầu tư trên địa bàn như Quảng Ninh, TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An,…

Bên cạnh đó, các địa phương như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Bình Phước, Tây Ninh đã xây dựng nền tảng kết nối với các nhóm, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy thu hút, xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có nhu cầu tái cơ cấu chuỗi cung ứng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2024 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Trước tình hình mới, các địa phương cần cập nhật một số nội dung khác có liên quan.

Thứ nhất, hiện nay, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với hoạt động nhập khẩu một số hàng hóa và tiền chất trong sáu lĩnh vực phát thải nhiều carbon như xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.

Sau CBAM, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… cũng sẽ áp dụng cơ chế tương tự để thu thuế khí CO2 đối với hàng nhập khẩu.

Vì vậy, để tiếp tục duy trì môi trường đầu tư cạnh tranh trong bối cảnh mới, các địa phương cần nhanh chóng thúc đẩy phát triển các chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp xanh, sinh thái, chuỗi cung ứng đáp ứng tiêu chuẩn giảm phát thải,… để các nhà đầu tư có thể sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế xanh.

Thứ hai, các địa phương cần xây dựng các chương trình kết nối doanh nghiệp địa phương với các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời coi đây là một trong những giải pháp tạo lợi thế cạnh tranh, giữ chân nhà đầu tư, tạo đột phá để thu hút các dự án mới.

Thứ ba, các địa phương cũng cần tiếp tục tập trung xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ, châu Âu,… đang có nhu cầu tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

Thứ tư, các địa phương cần chủ động tiếp cận, hỗ trợ các dự án đầu tư hiện hữu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư.

Thứ năm, các địa phương cần đẩy nhanh xử lý các thủ tục về đầu tư kinh doanh; triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư.

Cuối cùng, các địa phương cần rà soát các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.