02/12/2022 11:34 AM
Cứ ngỡ “trong nguy có cơ”, nhiều môi giới bất động sản muốn tận dụng thời điểm thị trường khó khăn, cố gắng kết nối chủ đất “cắt lỗ” và khách hàng “bắt đáy”. Thế nhưng kết quả không như mong đợi, họ cay đắng nhận ra cơ hội thì ít mà cơ cực thì nhiều.

Môi giới rơi vào thế khó khi phục vụ nhu cầu "cắt lỗ" - "bắt đáy" của khách (hình minh họa)

“Làm môi giới thời này khó thật”, anh Cao Minh (Bình Dương) – môi giới phân khúc đất nền - chia sẻ sau thời gian trầy trật phục vụ nhu cầu “cắt lỗ - “bắt đáy” của khách hàng.

Anh Minh cho biết, thời gian qua tình hình thị trường trầm lắng, lượng khách hàng sụt giảm hẳn. Để có giao dịch, anh liên hệ với các khách hàng cũ thuyết phục họ tham khảo những mặt hàng giảm giá, cố gắng hỗ trợ họ thương lượng với chủ đất để có được mức giá tốt.

Tuy nhiên từ lý thuyết đến thực tế khác nhau rất xa. Anh Minh cảm thấy khó khăn từ khâu tìm người bán đến người mua.

Khó từ lúc tìm hàng, tìm khách

Về quá trình tìm hàng, nguồn hàng tồn đại trà thì nhiều nhưng những sản phẩm có khả năng bán được thì lại khá ít. Chọn được hàng đủ tốt rồi cũng khó thuyết phục được chủ đất vì số lượng môi giới quan tâm về sản phẩm này rất nhiều, cạnh tranh rất cao.

“Hàng tốt giá tốt ở thời điểm này môi giới nào chả muốn chiếm. Chủ đất tiếp nhiều môi giới quá nên cũng mất bình tĩnh, thiếu thiện chí làm việc. Chưa kể, họ dù đang rất kẹt hàng nhưng vẫn trong tâm lý sợ lỗ, không tin tưởng môi giới dù đã cung cấp mức giá phù hợp với thị trường đi kèm số liệu cụ thể”, anh Minh chia sẻ.

Kể cả khi đã thuyết phục được chủ đất giao đất cho mình rao bán thì quá trình làm việc vẫn rất khó khăn. Chủ đất liên tục liên lạc hỏi về tình hình tìm khách, việc trả lời sao cho hợp lý cũng vô cùng gian nan.

“Tôi hay nói là “đã trao đổi với mấy người rồi” để khách an tâm, nhưng cứ nói thế mà không dẫn ai đến xem đất thì khách sẽ phản ứng ngay. Mà giờ nói thật khách cũng không muốn nghe, lại trách móc mình thiếu năng lực. Không biết khách giục mỗi mình hay môi giới nào khách cùng làm khó như vậy”, anh Minh chia sẻ.

Nguồn hàng tốt khan hiếm khiến mức cạnh tranh giữa môi giới tăng cao (hình minh họa)

Trên thực tế, các bài đăng rao bán của anh Minh cũng nhận được nhiều sự quan tâm, nhưng đa phần những người liên lạc lại là…môi giới, ngỏ ý muốn giúp bán lô đất. Số khác cũng không có hy vọng khi họ hỏi rất kỹ về giá cả nhưng lại im lặng khi được mời đi xem đất. Anh Minh cho rằng những người này chỉ có nhu cầu khảo giá thị trường chứ không thực sự muốn mua ở thời điểm này.

Bên cạnh quảng cáo sản phẩm bằng các cách thông thường, anh Minh cũng liên hệ với các khách hàng cũ để giới thiệu hàng tốt nhưng kết quả cũng không thực sự khả quan.

“Khách mới thì giờ khó mời chào, gọi chưa nói xong họ đã cúp máy. Khách cũ ít ra họ cũng chịu nghe mình, hoặc có zalo rồi thì chỉ cần gửi tin nhắn hình ảnh là được. Nhưng khổ nỗi, họ bảo đễ xem đã xong không thấy phản hồi lại. Khách quen nên mình cũng ngại không muốn hối thúc nhiều”, anh Minh cho hay.

Khó cả lúc giao dịch

May mắn cho anh Minh vì trong số những người liên lạc cũng có người thực sự đồng ý đi xem đất. Quá trình trao đổi trước khi gặp mặt, vị khách nhiều lần “ngỏ ý” muốn môi giới hỗ trợ mình để có mức giá tốt nhất.

“Họ bảo mua bằng tiền mặt nên giá cao quá là không chốt được. Phải trao đổi lâu lắm tôi và khách mới thống nhất được mức giá phù hợp để thương lượng. Nhưng chuyện không chỉ dừng lại ở đó”, anh Minh cho biết.

Thời điểm gặp mặt tại vị trí lô đất, môi giới hơi bất ngờ khi khách đến cùng một nhóm người mà không thông báo trước. Người liên lạc với anh Minh giải thích đây là nhóm đầu tư của anh, muốn cùng nhau tham khảo vị trí lô đất trước khi chốt giao dịch.

“Nhóm người săm soi, chê đủ đường. Tôi và chủ đất lên tiếng giải thích nhưng họ ậm ừ chứ không thực sự đồng tình. Quá trình trao đổi về giá cũng diễn ra không thuận lợi, họ lấy đủ lí do để yêu cầu chủ đất giảm giá. Lô đất mua 1,2 tỉ đồng mà họ đòi giảm 400 - 500 triệu đồng, sao mà chủ chịu bán”, anh Minh chia sẻ.

Cuối cùng giữa chủ và khách không thống nhất được mức giá nên giao dịch không thành công. Sau mỗi cuộc giao dịch như vậy anh Minh lại bị chủ đất trách móc vì gây khó dễ, “ép giá” quá mức.

Hình minh họa

Tương tự tình cảnh của anh Minh, anh Thành (Hà Nội) cũng chia sẻ về việc khó tìm được tiếng nói chung giữa khách mua và chủ đất trong thời điểm hiện tại.

“Chủ đất đa số chỉ cắt lãi hoặc cắt lỗ nhẹ nhưng lại muốn bán nhanh trong khi khách hàng kỳ vọng giá giảm 30-50% thì mới xuống tiền. Kể cả thuyết phục xong lúc giao dịch họ lại đổi ý, rất khó xử”, anh Thành cho biết.

Tuy vậy vị môi giới vẫn giữ thái độ tích cực khi làm nghề, cho rằng lúc này là thời gian để hoàn thiện kiến thức và kỹ năng hành nghề. Anh Thành chia sẻ, đang học cách đàm phán với các khách muốn bán để giảm kỳ vọng về lợi nhuận, đảm bảo thoát được hàng nếu đang gặp áp lực về tài chính. Đối với khách mua, anh Thành cũng không tô vẽ viễn cảnh màu hồng để nhanh chóng chốt giao dịch, sẽ tìm phương án phù hợp với mỗi trường hợp.

“Tết sắp tới ai cũng muốn kiếm thêm ít tiền để lo cho gia đình, nhưng mình làm nghề lâu dài thì nên giữ uy tín để sau khi giao dịch thành công vẫn có thể duy trì liên lạc, mối quan hệ với khách”, anh Thành chia sẻ.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.