20/07/2022 2:24 PM
Lần đầu thực hiện giao dịch lớn như mua nhà sẽ khiến nhiều người lo lắng, bỡ ngỡ và không tránh khỏi thiếu sót, sai lầm. Vậy câu hỏi đặt ra là nên hay không nên tìm đến sự giúp đỡ của các môi giới bất động sản?

Hình minh họa.

Vai trò quan trọng của môi giới

Chị Thanh Tâm (Hà Tĩnh) vừa chuyển vào căn nhà mới sau thời gian tu sửa. Với số tiền bỏ ra là 3,5 tỷ đồng, chị rất ưng ý khi căn nhà mới mua quay hướng Đông Nam, tránh nắng, đón gió. Căn nhà nằm trong khu mới được cải tạo hạ tầng của thị trấn nên đường sá rộng rãi, ô tô dễ dàng lưu thông, rất thuận tiện với các cửa hàng bách hóa và quán café….

Để tìm được căn nhà này, chị Tâm đã nhờ đến sự giúp sức của em họ là một môi giới bất động sản tại khu vực.

Trước đó, chị và chồng bàn nhau tự tìm hiểu và chỉ làm việc với chủ nhà để tiết kiệm chi phí môi giới. Tuy nhiên khi đi xem trực tiếp thì mới nhận ra bao nhiêu khó khăn.

“Cả mình và chồng đều là dân văn phòng, chưa có kinh nghiệm mua bán bất động sản, chỉ biết tìm trên mạng mà thông tin nhiều quá đọc không nhớ hết. Khi đi xem nhà thì chủ nhà thấy mình bỡ ngỡ nên cứ chèo kéo, cười cợt, không biết câu nào đùa câu nào thật”, chị Tâm chia sẻ.

Cảm thấy việc tự tìm nhà quá khó khăn, chị Tâm đành phải tìm đến sự giúp đỡ của môi giới. May mắn cho chị, trong họ hàng nhà chồng có người làm nghề tư vấn bất động sản nên phần nào cảm thấy an tâm.

Sau khi trao đổi với vợ chồng chị Tâm về nhu cầu, mức giá, người này chỉ mất một tuần để tìm được những căn nhà phù hợp. Quá trình làm việc với chủ nhà cũng diễn ra thuận lợi khi người này nắm rõ các yếu tố cần thiết khi xem nhà như hướng nhà, vị trí, pháp lý,…

Sau gần 2 tuần, chị Tâm đã tìm được căn nhà ưng ý và đặt cọc, ký hợp đồng thành công. Sau hơn 3 tháng tu sửa, gia đình chị đã có được tổ ấm riêng.

Chia sẻ về trải nghiệm mua nhà lần đầu, chị Tâm cho hay thời gian đầu vô cùng căng thẳng vì giao dịch bạc tỷ mà mình thì biết quá ít thông tin. Việc tìm đến môi giới vừa tiết kiệm thời gian, vừa có người thay mình trao đổi, làm việc với chủ nhà, lo hết thủ tục pháp lý, mình chỉ cần đặt bút ký là xong.

Không phải môi giới nào cũng có tâm

Tuy nhiên, không phải ai cũng có trải nghiệm tốt với môi giới. Anh Tuấn (TP.HCM) cho hay, cách đây 2 tháng anh bắt đầu đi tìm mua chung cư. Vì không có quan hệ trong lĩnh vực này nên anh tìm nhà qua mạng.

Sau khi liên hệ một số nơi, anh tìm được một căn hộ khá hợp ý ở quận 8. Quá trình làm việc với môi giới anh thấy khá suôn sẻ khi người này còn trẻ nhưng rất biết cách nói chuyện.

Vấn đề bắt đầu phát sinh trong quá trình ký hợp đồng cọc. Trước đó, người này nói anh chỉ cần cọc 10-20 triệu đồng là có thể giữ nhà, nhưng khi ký hợp đồng thì một tư vấn khác yêu cầu anh phải cọc 50 triệu đồng. Không đồng tình với cách làm việc thiếu nhất quán của môi giới, anh Tuấn chỉ chấp nhận ký hợp đồng cọc với số tiền 20 triệu đồng như môi giới cũ đã cam kết. Trước thái độ kiên quyết của anh Tuấn, nhân viên sàn giao dịch vẫn chấp nhận ký hợp đồng cọc nhưng thể hiện thái độ không vui.

Hình minh họa.

Rắc rối chưa dừng lại ở đó khi anh Tuấn làm việc với chủ nhà. Căn nhà này hiện đang được thế chấp trong ngân hàng, phía chủ nhà đề nghị anh Tuấn cọc thêm 1 tỷ đồng để lấy giấy tờ nhà ra khỏi ngân hàng rồi cùng nhau đến chủ đầu tư làm hợp đồng chuyển nhượng thay vì ra công chứng để “tiết kiệm thời gian”.

Cho rằng phía môi giới không minh bạch khi cung cấp thiếu thông tin này cho mình, anh Tuấn từ chối ký hợp đồng, hẹn chủ nhà và môi giới sẽ làm việc vào ngày khác.

Thời gian này anh liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư dự án và mua được căn nhà tương tự với mức giá chênh lệch vài chục triệu so với căn được môi giới. Anh Tuấn lập tức bỏ cọc với căn cũ, cắt đứt liên lạc với môi giới.

Năm sai lầm nên tránh khi mua nhà

Anh Lê Sỹ Tuấn, một môi giới bất động sản, cho hay nhiều người lựa chọn có môi giới đồng hành trong lần đầu tiên mua nhà đất để được hỗ trợ về thủ tục, pháp lý cũng như các yếu tố liên quan đến bất động sản như vị trí, hướng nhà, phong thủy,…

“Các môi giới có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về bất động sản cho khách hàng. Nếu lo lắng các thông tin môi giới đưa ra thiếu minh bạch thì khách hàng có thể tự liên hệ với chủ nhà, chủ đầu tư dự án để xác minh hoặc đơn giản là tìm hiểu trên mạng”, anh Tuấn cho biết.

Anh Tuấn khuyên khách hàng nên tìm đến các môi giới thân quen hoặc có kinh nghiệm để được tư vẫn kỹ càng, đầy đủ.

“Các môi giới nóng lòng bán được hàng mà không quan tâm đến lợi ích của người mua sẽ đánh mất lòng tin của khách hàng, không bền vững trong nghề và sớm bị đào thải khỏi thị trường”, anh Tuấn chia sẻ.

Hình minh họa.

Anh Thế Chân, một môi giới lâu năm, chỉ ra những sai lầm khách hàng thường mắc phải trong lần đầu mua nhà:

Thứ nhất là đặt kỳ vọng quá cao. Khách hàng muốn tìm được căn nhà vừa đẹp, đầy đủ tiện ích nhưng lại có giá rẻ. Thường thì số lượng căn hộ này rất hiếm và sẽ sớm bán hết khi được tung ra thị trường. Do vậy, khách hàng chỉ có thể chọn 2 yếu tố: nếu đẹp và nhiều tiện ích thì giá sẽ cao; nếu đẹp giá thấp thì sẽ xa trung tâm, xa tiện ích; nếu vị trí tốt, nhiều tiện ích giá lại thấp thì căn hộ sẽ gặp vấn đề tiềm ẩn về phong thủy hoặc kiến trúc.

Thứ hai là chưa xác định rõ khả năng chi trả khi mua nhà. Đa phần khách hàng thường tìm nhà trước khi tính đến phương án chi trả. Môi giới khuyên người mua nên tìm ngân hàng, xác định khoản vay phù hợp với phương án chi trả sau đó tìm nhà theo khoảng tài chính cho phép.

Thứ ba là chưa chuẩn bị kế hoạch tài chính đầy đủ. Bên cạnh khoản đặt cọc và mua nhà, khách hàng còn phải chuẩn bị cả phí giấy tờ, thủ tục và chi phí tu sửa sau khi nhận nhà, tránh vỡ kế hoạch tài chính.

Thứ tư là khăng khăng làm việc với chủ nhà thay vì môi giới. Nếu làm việc với chủ nhà trong tâm thế lo lắng, bỡ ngỡ thì sẽ dễ bị người bán lấn át, chèn ép. Vậy nên khách hàng lần đầu nên có môi giới đi cùng để quá trình làm việc được suôn sẻ.

Thứ năm là thiếu quyết đoán. Đa phần mọi người lần đầu giao dịch số tiền lớn sẽ thường tham vấn nhiều bên. Tuy nhiên, càng hỏi thì càng phát sinh vấn đề, càng chần chừ thì sẽ mất đi cơ hội tốt. Nhiều trường hợp khách hàng mua phải giá cao trong thời điểm thị trường nóng sốt vì thiếu quyết đoán.

  • Mua căn hộ mới giá cao, hay mua căn hộ cũ?

    Mua căn hộ mới giá cao, hay mua căn hộ cũ?

    Nguồn cung khan hiếm, căn hộ chung cư ở các thành phố lớn như TP.HCM có giá bán ngày càng tăng cao, vượt mức chi trả của phần đông người lao động. Với số vốn tầm 2 tỉ đồng, nhiều người đang nghĩ đến phương án mua chung cư cũ đã có sổ hồng thay vì mua căn hộ mới giá cao ngất ngưởng

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.