Từ lá đơn và lời trình bày đẫm nước mắt
Bà Đoàn Thị Minh Loan trình bày: Đầu năm 2011 bà về Việt Nam với dự định mua một miếng đất tại dự án khu đô thị, để sau này gia đình trở về định cư, sinh sống. Qua giới thiệu, bà Loan được biết vợ chồng ông Nguyễn Văn Ninh và bà Trần Kiều Trang có một suất đất tại Dự án Thanh Hà A. Ông Ninh giới thiệu, ô đất này có nguồn gốc là của Sàn giao dịch bất động sản (Sàn BĐS) Cienco 507, được hiểu là nhà đầu tư thứ phát hợp pháp. Do tin tưởng việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng sẽ được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật nên bà Loan đồng ý mua. Ô Ninh cam kết, 6 tháng sau bà Loan sẽ có Hợp đồng góp vốn của chủ đầu tư. Hơn nữa, bà Trần Kiều Trang (vợ ông Ninh) là Phó Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Thương mại, nên bà Loan càng tin tưởng. Bà Loan không ngần ngại chuyển 10.272.900.000 đồng cho ông Ninh, trong đó Sàn BĐS Cienco 507 đa thu 1.358.400.000 đồng, còn 8.914.500.000 đồng vợ chồng ông Ninh, bà Trang vẫn chiếm giữ.
Thế nhưng, hơn một năm sau không thấy động tĩnh gì, nên năm 2012 bà Loan phải về nước 2 lần để tìm hiểu, gặp gỡ các bên có liên quan và luật sư mới biết sự thật, lô đất bà định mua không phải của Sàn BĐS Cienco 507, mà của cá nhân ông Nguyễn Trung Dũng, được giới thiệu là Giám đốc Sàn giao dịch này. Bà Loan cho rằng, việc ông Ninh giới thiệu nguồn gốc đất như trên và ông Nguyễn Trung Dũng, lấy danh nghĩa Sàn BĐS Cienco 507 kí giấy tờ cho bà là gian dối và giả mạo, nên đã gặp vợ chồng ông Ninh và ông Nguyễn Trung Dũng yêu cầu họ trả lại tiền, nếu họ có khó khăn, bà Loan sẵn sàng chia sẻ, không lấy liền một lúc. Thế nhưng, bà Loan rất bất ngờ khi vấp phải thái độ lật lọng của những người này, họ không trả tiền còn thách thức bà Loan đưa đến cơ quan pháp luật nào cũng bất chấp.
Đến nay, toàn bộ dự án vẫn chỉ thể hiện trên tấm bản đồ quy hoạch
“Chúng tôi sống ở nước ngoài lao động rất vất vả và khổ cực, từ sớm tới khuya, dầm mưa, dãi tuyết… nhiều khi quên cả bữa ăn, ốm đau bệnh tật không dám đi khám vì bận việc làm ăn. Chúng tôi xác định phải làm việc cật lực mới dành dụm được tiền để giúp đỡ người thân, đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế – xã hội của đất nước… Thế nhưng, cứ mang tiền về nước đầu tư lại bị lừa chiếm đoạt mất như tôi, thì hỏi còn ai muốn về quê đầu tư nữa? khi đồng tiền mồ hôi, nước mắt cực nhọc vô cùng mới có được lại không được bảo đảm quyền lợi như thế này! Trong khi đất nước luôn cần những bàn tay chung sức đóng góp xây dựng của cộng đồng bà con người Việt ở nước ngoài. Họ, những người vi phạm pháp luật này, là những “con sâu làm rầu nồi canh” ở Việt Nam, bà Loan nói.
Dự án Thanh Hà, sản phẩm chưa đủ điều kiện để giao dịch
Dự án Khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B và Khu đô thị Mỹ Hưng được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Tổng Công ty Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư, mục đích để hoàn vốn cho Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT). Tổng diện tích 2 khu Thanh Hà A và B gần 400ha đất, thuộc địa phận quận Hà Đông và huyện Thanh Oai. Dự án được khởi động từ năm 2008.
Tháng 4/2010, một số cá nhân của Công ty Xây dựng và Dịch vụ 1/5 lợi dụng sản phẩm tại Dự án Thanh Hà A để lừa đảo, với số tiền chiếm đoạt của các nạn nhân hàng trăm tỉ đồng. Vô hình trung, nhà đầu tư dự án không tránh khỏi bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng khó khăn khi triển khai dự án, đến nay vẫn chưa được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho xây dựng. Ngày 29/11/2013, UBND thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp về việc rà soát các dự án BT. Ngày 2/12/2013, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 166/TB-VP, thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) nằm trong 4 dự án phải dừng triển khai theo hình thức BT; giao cơ quan quản lí hợp đồng phối hợp với nhà đầu tư rà soát, thanh lí hợp đồng và đề xuất hướng xử lí tồn tại theo quy định.
Sau đó, các sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, nhà đầu tư… thống nhất đề xuất với UBND thành phố giải quyết theo hướng sử dụng các khu đô thị Thanh Hà A, B tiếp tục thực hiện đối ứng cho Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo phương án điểm dừng kĩ thuật tại Km 19+900, nằm trên địa bàn xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Mặc dù vậy, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin gì về việc UBND thành phố Hà Nội chấp thuận hướng giải quyết này. Trên thực tế, 2 dự án Thanh Hà A và B GPMB được hơn 70% và vẫn đang tiếp tục triển khai san lấp mặt bằng. Do đó, các sản phẩm tại Dự án Thanh Hà A từ đó đến nay chưa đủ điều kiện để đem ra giao dịch. (Còn nữa)
*Tiêu đề được đặt lại cho phù hợp với quan điểm CafeLand.
-
Cả tin bạn bè mà mất nhà bạc tỷ và chuốc thêm nhiều rắc rối là trường hợp của chị Tôn Nữ Khánh Trân (SN 1974, ngụ Q.Bình Thạnh). Chuyện của chị Trân thêm một lần nữa nhắc nhở mọi người cần kiểm chứng lại thông tin, những điều người khác nói trước khi hành động kẻo hối hận đã quá muộn...
-
Ngày 24-3-2009, bà Phan Thị Bạch Mai (ngụ ở 497/23B Sư Vạn Hạnh, P12Q10, TPHCM) ký hợp đồng (HĐ) mua bán căn hộ với Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng và khai thác Công Trình Giao Thông 584 (gọi tắt là Công ty 584, địa chỉ: 785/1 Lũy Bán Bích, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TPHCM).
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...