Bỏ cả tỉ đồng để mua căn hộ nhưng nhiều người đang nhận về toàn “trái đắng”. Tiền đã trao cho chủ đầu tư nhưng dự án lại ì ạch tiến độ, thậm chí không hẹn ngày bàn giao.

Dự án Kingsway Tower trơ trọi vì chủ đầu tư "mất liên lạc"

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn mạng xã hội liên tục xuất hiện hình ảnh của nhiều người dân cầm băng rôn đỏ rực để đòi nhà tại nhiều dự án căn hộ. Họ là những người đã bỏ toàn bộ vốn liếng tích lũy, vay mượn ngân hàng để mua căn nhà cho giấc mơ được an cư ở thành phố.

Thế nhưng, giấc mơ chính đáng của họ đang có nguy cơ tan vỡ. Tiền đã trao cho chủ đầu tư nhưng khách hàng chỉ nhận lại sự bức xúc, những giọt nước mắt cay đắng.

Mới đây, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án Vinaland Tower (hay Saigon South Plaza) do Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Việt Nam (gọi tắt là Vinaland) đã tụ tập căng băng rôn trước UBND quận 7 để phản đối những khuất tất tại dự án này.

Theo tìm hiểu, Saigon South Plaza được xây dựng trên khu đất có diện tích 4.748m2, gồm khối chung cư cao 23 tầng và hai tầng hầm. Dự án sẽ cung cấp khoảng 295 căn hộ và 400 lô thương mại. Ở thời điểm ra mắt năm 2017, dự án nhận được sự chú ý của nhiều khách hàng nhờ có vị trí khá đẹp khi nằm mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng nối dài, liền kề chợ Phước Long, kết nối trực tiếp với đô thị Phú Mỹ Hưng.

Chủ đầu tư Vinaland cam kết sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý 4/2018. Tuy nhiên, sau đó dự án liên tục bị gián đoạn thi công, cùng với đó là những lùm xùm liên quan đến nội bộ lãnh đạo của chủ đầu tư.

Hiện nay, dự án vẫn đang thi công ì ạch và được chủ đầu tư đổi tên thành Viva Plaza tiếp tục rao bán. Tuy nhiên nhiều khách hàng đã mua trước đó phản đối và tố chủ đầu tư đang có hành vi rao bán căn hộ của họ cho nhiều người.

Hằng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án Kingsway Tower (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng đang “khóc mếu” vì bỏ cả tỉ đồng để mua nhà nhưng dự án vẫn đang nằm bất động.

Dự án này do Công ty TNHH Siêu Thành làm chủ đầu tư khởi công năm 2018, dự kiến bàn giao nhà quý I/2019. Tuy nhiên đến nay, dù đã trễ hẹn gần 2 năm dự án vẫn chỉ là khối bê tông xám xịt.

Tại dự án Roxana Plaza nằm mặt tiền quốc lộ 13 thuộc phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, Bình Dương thời gian vừa qua cũng liên tục bị khách hàng kéo băng rôn đòi giao nhà.

Anh H, một khách hàng cho biết, đã mua căn hộ tại dự án này từ năm 2018 của Công ty cổ phần Naviland. Theo cam kết của chủ đầu tư, dự án sẽ được bàn giao nhà vào cuối tháng 12/2020 hoặc hạn chót là tháng 6/2021. Tuy nhiên, đến những thời hạn trên chủ đầu tư đã không bàn giao nhà bởi nguyên nhân từ mâu thuẫn nội bộ lãnh đạo.

“Tiền mua nhà là nhiều năm lao động tích lũy, vay mượn người thân và cả ngân hàng nữa. Bây giờ nhà không giao mà tháng nào cũng còng lưng trả nợ ngân hàng. Dịch bệnh khó khăn tôi chịu hết nổi”, anh H nói.

Động thái mới nhất, Naviland thông báo sẽ khởi công lại dự án Roxana Plaza vào đầu năm 2022 và bàn giao vào quý 4/2022. Tuy nhiên, khách hàng không đồng ý với phương án này mà yêu cầu Naviland phải hoàn thành dự án để bàn giao nhà ngay trong năm 2021.

Khách hàng căng băng rôn đòi chủ đầu tư giao nhà

Theo các chuyên gia bất động sản, những rủi ro mà người mua nhà hình thành trong tương lai gặp phải đã được dự báo trước. Quy định về Luật kinh doanh bất động sản cũng có những điều khoản để bảo vệ cho người mua nhưng trên thực tế không ít chủ đầu tư vẫn cố tình lách luật.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho biết, Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định dự án bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh mới được bán hàng.

Quy định này như một “tấm khiên” bảo vệ người mua trước tình trạng các chủ đầu tư vẽ dự án lung linh trên nền đất trống rồi huy động vốn mà không biết trước những rủi ro có thể xảy ra.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, mặc dù có quy định song trên thực tế từ năm 2015 đến nay không có một con số chính thức nào cho biết đã có bao nhiêu dự án được ngân hàng bảo lãnh và trong số này có bao nhiêu bảo lãnh đã được thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh?.

Nhiều chủ đầu tư vẫn quảng cáo với khách hàng, cam kết dự án đã có bảo lãnh ngân hàng song tất cả chỉ nằm “trên miệng” chứ người mua rất ít có khả năng kiểm chứng.

“Phải có một hợp đồng bảo lãnh song phương giữa người mua nhà và ngân hàng. Phải cầm được trong tay chứng nhận bảo lãnh từ ngân hàng thì người mua mới nên đóng tiền cho chủ đầu tư”, Tiến sĩ Hiếu nói.

Để tăng tính bảo vệ cho người mua, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư thay thế Thông tư 07/2015 và Thông tư 13/2017 quy định về bảo lãnh ngân hàng. Trong đó có nhiều nội dung mới tăng khả năng bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà.

Cụ thể, người mua sẽ chỉ đóng tiền theo tiến độ cho chủ đầu tư khi nhận được cam kết bảo lãnh từ ngân hàng.

Ngân hàng thương mại bảo lãnh cho dự án có trách nhiệm trong thời hạn 5 ngày làm việc từ ngày nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, ngân hàng sẽ căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai để phát hành cam kết bảo lãnh cho từng bên mua.

Trong đó phải nêu rõ ngân hàng chỉ bảo lãnh đối với số tiền ứng trước của bên mua trả cho chủ đầu tư sau thời điểm bên mua nhận được cam kết bảo lãnh, và gửi chủ đầu tư cam kết bảo lãnh để chủ đầu tư cung cấp cho bên mua.

Ngoài ra, ngân hàng phải có trách nhiệm phát hành cam kết bảo lãnh trong cả trường hợp chủ đầu tư gửi hợp đồng mua, thuê nhà ở chậm, miễn là ngân hàng nhận được trước khi hợp đồng mua bán nhà đến hạn bàn giao.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.