Dù đã có quy định pháp luật rõ ràng về cách quản lý, sử dụng khoản kinh phí bảo trì chung cư tuy nhiên trên thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng tuân thủ đúng quy định. Tại nhiều dự án, khoản tiền này là nguồn cơn của nhiều cuộc tranh chấp giữa cư dân, ban quản trị với chủ đầu tư dự án chung cư.

Mệt mỏi đòi phí bảo trì

Theo quy định tại Điều 108, Luật Nhà ở năm 2014, kinh phí bảo trì chung cư, chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích bán, cho thuê. Khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người thuê, mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán.

Khi chưa có ban quản trị chung cư, khoản tiền này được nộp vào một tài khoản riêng của chủ đầu tư và có báo cáo rõ ràng với cư dân. Khi ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải có trách nhiệm chuyển cho Ban quản trị gồm cả lãi suất để quản lý, sử dụng.

Mặc dù được quy định rõ ràng như vậy, song tại nhiều dự án khoản tiền bảo trì chung cư không được quản lý và sử dụng đúng mục đích, gây nên các cuộc tranh chấp.

Nhiều dự án chung cư không bàn giao kinh phí bảo trì dù đã vào ở nhiều năm

Tại dự án chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè), việc sửa chữa các hạng mục hư hỏng tại dự án đang gặp khó khăn do nguồn kinh phí bảo trì chung cư đang “kẹt” ở ngân hàng. Theo đại diện ban quản trị của chung cư, toàn bộ khoản tiền kinh phí bảo trì của dự án khoảng hơn 46 tỉ đồng đã bị ban quản trị nhiệm kỳ cũ chuyển sang tài khoản cá nhân.

Trong khi đó, tại dự án chung cư Moscow Tower (quận 12), cư dân phản ánh dù mới hoàn thiện đi vào hoạt động nhưng đã phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư. Trong đó, khoản kinh phí bảo trì chung cư khoảng 17 tỉ đồng đang bị chủ đầu tư chiếm giữ không bàn giao cho ban quản trị.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản từng cho biết, số tiền phí bảo trì trong một chung cư bình thường khoảng 10 tỷ, tại các chung cư cao cấp có khi lên đến hàng trăm tỉ đồng. Số tiền này, sau đó lại được giao cho chủ đầu tư và chủ đầu tư được quyền sử dụng một thời gian dài không ai quản lý. Đến khi phải giao lại cho ban quản trị chung cư thì nhiều doanh nghiệp lại không đáp ứng được, thậm chí có doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn thì cư dân phải lãnh hậu quả.

Chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện sai phạm

UBND TP.HCM mới đây đã có văn bản chỉ đạo khẩn nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng chung cư trên địa bàn, trong đó có nội dung chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư theo quy định.

Theo đó, chủ đầu tư các dự án chung cư được yêu cầu quản lý, bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định. Cụ thể, chủ đầu tư có trách nhiệm mở tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng để gửi có kỳ hạn đối với mỗi dự án để người mua nộp tiền vào.

Ban quản trị chung cư có trách nhiệm mở tài khoản để nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung do chủ đầu tư bàn giao; sử dụng kinh phí bảo trì phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch theo đúng quy định.

Sở Xây dựng được giao tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về nhà ở trên địa bàn. Trong đó, tăng cường thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu của tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra.

Công an TP.HCM được giao phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn TP để xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định; kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị.

UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức được giao tăng cường kiểm tra công tác quản lý, sử dụng chung cư, trong đó chú trọng đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chung cư.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.