07/02/2024 6:35 PM
Dư án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ được nghiên cứu đầu tư với chiều dài hơn 175km, tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 205.085 tỉ đồng (tương đương khoảng 8.57 tỉ USD).

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đang được nghiên cứu đầu tư

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa ký Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Hội đồng gồm 16 thành viên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ GTVT.

Hội đồng thẩm định nội bộ có trách nhiệm rà soát, thẩm định các nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM- Cần Thơ theo quy định pháp luật, báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT kết quả thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Theo nghiên cứu sơ bộ, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu tại Ga An Bình thuộc phường An Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cần Thơ thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.

Dự án có mục tiêu xây dựng hoàn thiện toàn tuyến có tổng chiều dài khoảng 175,2km theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1435mm, điện khí hóa. Trên tuyến dự kiến bố trí 19 ga và 3 depot (An Bình, Tân Kiên, Cần Thơ), 4 trạm bảo dưỡng, khám xe (Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy, Bình Minh), 3 trạm bảo dưỡng hạ tầng.

Tổng mức đầu tư của dự án theo tính toán sơ bộ vào khoảng 205.085 tỉ đồng (khoảng 8.57 tỉ USD).

Liên quan tới dự án này, mới đây một “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản là Tập đoàn CT Group đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thực hiện dự án theo phương thức PPP.

Để thực hiện dự án này, CT Group sẽ hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc để thành lập liên danh để nhận gói hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.

Những đối tác Trung Quốc mà CT Group nhắc đến gồm: Công ty TNHH Tập đoàn thiết kế đường sắt Trung Quốc (CRECG), Tổng công ty công trình quốc tế Tập đoàn xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), Cục 2 Đường sắt Trung Quốc (China Railway No.2 Group), Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South).

Theo đề xuất, tuyến đường sắt sẽ là đường đôi, dài 174 km, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, gồm 12 ga, chạy cả tàu khách và tàu hàng. Dự án đi qua 6 địa phương gồm TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Ngoài đường sắt, CT Group đề xuất sẽ thực hiện đầu tư 12 khu đô thị dọc tuyến theo hình thức TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), giúp rút ngắn thu hồi vốn từ 50 xuống 25 năm và tạo sự phát triển cho các tỉnh thành.

Tổng vốn đầu tư theo phương án tính toán của CT Group lên đến gần 10 tỉ USD.

Nếu dự án được chấp thuận, CT Group sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi trong nửa đầu năm 2024. Cam kết huy động tối đa các nguồn lực để hoàn thành dự án trước năm 2032, cụ thể là: chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án (2024 ), thiết kế chi tiết (2025), giải phóng mặt bằng (2025 -2026), triển khai thi công, đào tạo nhân lực, tổ chức vận hành (2027 -2032).

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.