Nhu cầu tiêu thụ được cải thị và giá thép tăng trở lại được kỳ vọng sẽ giúp lợi nhuận của Hòa Phát, Hoa Sen đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp của năm trước.

Nhu cầu phục hồi tại thị trường nội địa lẫn xuất khẩu

2023 là một năm khó khăn đối với ngành thép khi sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước sụt giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô cũng như thị trường bất động sản.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán SSI cho rằng thị trường nội địa đã có những dấu hiệu phục hồi đầu tiền vào cuối năm 2023 khi sản lượng tiêu thụ từ tháng 9 đến tháng 11 đã tăng 13% so với cùng kỳ sau khi giảm 20% trong 8 tháng đầu năm.

SSI kỳ vọng tổng sản lượng tiêu thụ thép sẽ phục hồi hơn 6% so với cùng kỳ trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa dự kiến đạt mức tăng trưởng gần 7%.

Đơn vị này cho rằng mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn.

Lượng thép xuất khẩu có thể duy trì tăng trưởng trong năm 2024

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi nhờ triển vọng nhu cầu tại các thị trường lớn tích cực.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,9% trong năm 2024. Nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ tăng 2,8% sau khi giảm 1,8% trong năm 2023. Trong đó, nhu cầu của Mỹ và châu Âu lần lượt tăng 5,8% và 1,6%.

Mặt khác, nhu cầu từ các nước ASEAN (trừ Việt Nam) dự kiến sẽ tăng tăng 5,2% trong năm 2024, cao hơn mức 3,8% trong năm 2023.

SSI kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sẽ cải thiện trong quý đầu tiên, do chênh lệch giữa giá thép ở Bắc Mỹ và châu Âu so với giá thép ở Việt Nam ngày càng gia tăng.

Ngoài ra, châu Âu kiểm soát chặt hơn việc nhập thép bán thành phẩm do Nga sản xuất trong năm 2024 cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này.

Giá thép đã chạm đáy

Theo SSI, sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ đạt 952 triệu tấn.

Giá thép có thể đã chạm đáy và cải thiện trong năm 2024

Tuy nhiên, nếu xét theo tháng, sản lượng sản xuất thép của quốc gia này gần như liên tục giảm từ mức đỉnh 95,7 triệu tấn trong tháng 3, xuống còn 76,1 triệu tấn trong tháng 11 do nhu cầu yếu và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.

Sản lượng sản xuất của Trung Quốc sụt giảm cũng khiến sản lượng toàn cầu giảm từ 165 triệu tấn trong tháng 3/2023 xuống còn 145,5 triệu tấn trong tháng 11/2023. Tồn kho thép cũng đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây, giúp giảm áp lực dư cung trên toàn cầu trong thời gian sắp tới.

Do đó, SSI dự báo giá thép có thể đã chạm đáy và sẽ phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, đơn vị này không kỳ vọng giá thép sẽ tăng mạnh vì nhu cầu chung vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu ở Trung Quốc do thị trường bất động sản chưa có nhiều khởi sắc.

Mặt khác, sự gia tăng giá thép so với chi phí nguyên liệu đầu vào có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc quay trở lại.

Lợi nhuận Hòa Phát, Hoa Sen có thể tăng trưởng cao trên nền thấp 2023

Trước những yếu tố bất lợi về thị trường, SSI cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép có thể đã chạm đáy trong năm 2023 và sẽ phục hồi trong 2-3 năm tới.

Theo đó, lợi nhuận của Hòa Phát, Hoa Sen sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện và biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp thép sẽ phục hồi mạnh trong năm nay so với mức nền thấp của năm 2023

SSI cũng dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận có thể cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận vẫn còn khả năng biến động.

Với Tập đoàn Hòa Phát (HPG), SSI kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi 80% trong năm 2024 nhờ cả sản lượng tiêu thụ và biên lợi nhuận gộp đều cải thiện.

Cụ thể, sản lượng tiêu thụ của nhà sản xuất này dự kiến sẽ tăng 11% trong năm 2024. Ngoài ra, việc tỷ trọng kênh xuất khẩu trong doanh thu tăng lên sẽ giúp Hòa Phát chuyển mức tăng giá nguyên liệu sang giá bán thép dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 dự kiến sẽ bắt đầu vận hành theo từng giai đoạn trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn sau năm 2024.

Với Tập đoàn Hoa Sen (HSG), lợi nhuận của doanh nghiệp này được SSI dự báo phục hồi mạnh trong năm 2024, với mức tăng hơn 20 lần so với mức nền thấp được thiết lập trong năm 2023 - mức thấp nhất kể từ năm 2006.

Tuy nhiên, rủi ro chính đối với các doanh nghiệp thép trong giai đoạn này là nhu cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và biên lợi nhuận thấp hơn dự kiến do chi phí đầu vào tăng hoặc giá thép sụt giảm.

Với mức lợi biên nhuận hiện tại đang ở mức thấp thì giá trị lợi nhuận tuyệt đối có thể có mức độ biến động khác mạnh theo biến động của giá bán và giá nguyên liệu đầu vào

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm