23/10/2023 2:42 PM
Thị trường bất động sản châu Á đã trải qua giai đoạn khó khăn khi hầu hết quốc gia đều có những vấn đề của riêng mình, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia đi ngược xu hướng, đạt được tăng trưởng bất chấp thị trường chung lao dốc.

Quốc gia đầu tiên phải kể tới chính là Singapore. Theo các chuyên gia, nhờ đường lối chính sách hợp lý, thị trường bất động sản Singapore đã có thể vượt qua được sự suy thoái của thị trường. Năm ngoái, giá bất động sản tư nhân tại Singapore đã tăng 8,6%, trong khi nhiều thị trường lân cận chứng kiến mức giảm.

Theo Knight Frank, giá nhà ở tại Singapore trong quý II/2023 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ nhanh thứ hai chỉ sau Dubai. Thành tích của Singapore còn đáng chú ý hơn khi 1/3 trong số 100 thành phố được Knight Frank theo dõi vẫn đang chứng kiến giá nhà sụt giảm.

Các biện pháp hạ nhiệt liên tiếp được thực hiện trong khoảng thời gian 14 năm đã ngăn chặn tình trạng đầu cơ quá mức tại Singapore, đảm bảo rằng tốc độ tăng giá không bao giờ vượt quá tầm kiểm soát.

Nicholas Mak, giám đốc nghiên cứu của cổng thông tin bất động sản MOGUL.sg, cho biết: “Nếu không có các biện pháp hạ nhiệt, giá cả sẽ biến động mạnh hơn nhiều, gây ra cả chu kỳ bùng nổ và suy thoái”.

Thị trường bất động sản thứ hai được nêu tên là Hàn Quốc. Vào thời điểm các văn phòng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự chuyển đổi hình thức làm việc sang làm việc từ xa do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quốc đã nổi lên như một hình mẫu cho nơi làm việc truyền thống.

Một cuộc khảo sát do Nicholas Bloom của Đại học Stanford thực hiện hồi đầu năm nay cho thấy người Hàn Quốc làm việc tại nhà trung bình chỉ 0,4 ngày một tuần, mức thấp nhất trong số 35 nền kinh tế được khảo sát.

Tỷ lệ lấp đầy văn phòng ở riêng thành phố Seoul vẫn cao nhất cùng với Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc, đạt mức “bình thường” (90% trở lên) vào giữa năm 2022, theo dữ liệu từ JLL.

Khối lượng đầu tư vào thị trường văn phòng Seoul ngày càng tăng. Theo dữ liệu từ MSCI, khối lượng giao dịch đạt 3,4 tỷ USD trong quý II/2023, cao hơn 15% so với mức trung bình trong quý II giai đoạn 2015-2019.

Sự sụt giảm mạnh về số lượng giao dịch văn phòng ở Mỹ, châu Âu và phần còn lại của châu Á trong quý II đồng nghĩa với việc Hàn Quốc là thị trường văn phòng được giao dịch sôi động thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Quốc gia đi ngược xu hướng cuối cùng là Nhật Bản. Có rất nhiều yếu tố khiến nền kinh tế Nhật Bản nói chung và thị trường bất động sản Nhật Bản nói riêng khác biệt so với phần còn lại.

Đầu tiên, Nhật Bản không phải Trung Quốc, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm một thị trường rộng lớn và có đủ thanh khoản ở châu Á mà không có những rủi ro kinh tế và địa chính trị liên quan tới Trung Quốc.

Ngoài ra, Nhật Bản đi ngược chính sách tiền tệ toàn cầu. Bất chấp lạm phát tăng và chi phí đi vay tăng mạnh ở hầu hết quốc gia khác, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn giữ vững chính sách cực kỳ lỏng lẻo của mình.

Lãi suất siêu thấp và tỷ lệ cho vay trên giá trị cao hơn bù đắp cho việc lợi suất cho thuê bất động sản thương mại thấp hơn, cho phép các nhà đầu tư tạo ra lợi nhuận dương trên tiền mặt.

Hơn nữa, Nhật Bản là một quốc gia ổn định và có thể dự đoán được, một điều hiếm thấy ngày nay. John Howald, người đứng đầu bộ phận vốn quốc tế tại Colliers, cho biết: “Nhật Bản là nơi để vượt qua cơn bão, cũng như thị trường đầu tư thực sự có chiều sâu và có tính thanh khoản”.

Những nỗ lực định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc đang mang lại lợi ích cho Nhật Bản. Chẳng hạn, vào tháng 8, ESR, công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Á, đã bắt đầu xây dựng khu vực dự kiến sẽ là khu hậu cần lớn nhất ở Nhật Bản.

Thực tế, vẫn có một số rủi ro xuất hiện tại những thị trường này. Việc BOJ đột ngột thắt chặt chính sách có thể làm tâm lý nhà đầu tư suy yếu. Trong khi đó, thị trường nhà ở Singapore đang chậm lại đáng kể, còn sự cạnh tranh trên thị trường văn phòng cao cấp ở Seoul rất khốc liệt.

Tuy nhiên, đây là những rủi ro không đáng kể so với những mối đe dọa lớn hơn nhiều mà những thị trường khác đang phải đối mặt. Do đó, đà phát triển của cả 3 thị trường này vẫn còn có thể phát huy trong một thời gian nữa.

Anh Nguyễn (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.