16/11/2022 9:11 PM
Đồng tiền yếu hơn và lãi suất thấp đang thu hút các nhà đầu tư bất động sản châu Á - Thái Bình Dương đến Nhật Bản, song các yếu tố tương tự lại không giúp thị trường bất động sản Trung Quốc thu hút giới đầu tư, theo các nhà phân tích của MSCI Real Assets.

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều giữ lãi suất ở mức tương đối thấp, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất. Cả hai quốc gia châu Á đều coi giá trị đồng tiền yếu đi là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư tổ chức xuyên biên giới.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã mắc kẹt vào lập trường tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo trong thời gian gần đây, với giá trị đồng yên có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm so với USD. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm so với đồng USD sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất trong tháng 8 xuống 3,65%.

Ben Chow, trưởng bộ phận nghiên cứu bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại MSCI cho biết: “Nhật Bản là thị trường nổi bật hơn tất cả thị trường khác, với chi phí đi vay thấp kết hợp với đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm. Hầu như mọi khách hàng mà tôi đã nói chuyện trong hai tháng qua đều nhắm tới thị trường Nhật Bản”.

Q Investment Partners (QIP) có trụ sở tại Singapore là một trong những nhà đầu tư tổ chức đã hoạt động tích cực tại Nhật Bản trong những tháng gần đây. Theo Peter Young, Giám đốc điều hành QIP, với số vốn 40 triệu USD được huy động chủ yếu từ các nhà đầu tư ở Singapore và Hong Kong, công ty cổ phần tư nhân đã mua lại ba tài sản đa gia đình tại các thành phố Osaka và Nagoya của Nhật Bản. Tài sản bao gồm 207 căn hộ và có tỷ lệ lấp đầy khoảng 90% tính đến tháng 6.

“Chúng tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội ở Nhật Bản. Khoản đầu tư 40 triệu USD là bước khởi đầu và chúng tôi dự định sẽ tăng lên 100 triệu USD. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một danh mục đầu tư thực sự tập trung vào 4 thành phố lớn tại Nhật Bản là Tokyo, Nagoya, Fukuoka và Osaka”, ông Peter Young chia sẻ.

Công ty tư vấn bất động sản CBRE cũng cho biết Nhật Bản hiện được coi là “thị trường bất động sản số một” cho các nhà đầu tư. “Nếu sử dụng hoạt động kinh doanh của thị trường vốn CBRE tại Nhật Bản thì hiện tại là thời điểm bận rộn nhất của chúng tôi. Chúng tôi bận rộn với các loại tài sản trong phân khúc bán lẻ, khách sạn, văn phòng và công nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng những điều kiện giao dịch thuận lợi sẽ tiếp tục diễn ra”, Crystal Palar, Giám đốc điều hành CBRE khu vực châu Á cho biết.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết thị trường bất động sản trị giá 2.000 tỷ USD của Trung Quốc vẫn “trong tình trạng ảm đạm”. “Trung Quốc là một thị trường có rất nhiều tài sản có thể tìm được, nhưng có rất ít nhà đầu tư tham gia. Các nhà đầu tư từ Bắc Mỹ và châu Âu dường như đang tránh xa thị trường Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Thậm chí, cả những nhà đầu tư từ Singapore và Hong Kong, vốn hoạt động nhộn nhịp tại Trung Quốc, cũng đang chậm lại. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời được thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ đi về đâu”, Ben Chow của MSCI cho biết.

James Cameron, người đứng đầu bộ phận bất động sản thương mại toàn cầu tại Standard Chartered, cho biết lý do chính khiến các nhà đầu tư thận trọng là cuộc khủng hoảng bất động sản nhà ở đang tồi tệ hơn ở nền kinh tế số một châu Á.

“Với Trung Quốc hiện tại, chúng tôi đang xem xét qua hai lăng kính khác nhau. Thị trường nhà ở Trung Quốc đang trải qua nhiều sóng gió và dần được định hình lại, loại bỏ việc lạm dụng đòn bẩy. Trong khi đó, thị trường bất động sản thương mại vẫn có những nét tích cực và chúng tôi vẫn thấy có một số nhà đầu tư rót vốn vào thị trường này”, ông Cameron chia sẻ.

Sự lao dốc của thị trường bất động sản Trung Quốc xảy ra sau khi Bắc Kinh đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” vào tháng 8/2020 để ngăn chặn rủi ro hệ thống từ các nhà phát triển bất động sản vay nợ quá mức. Điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng thanh khoản, khiến nhiều công ty bất động sản vỡ nợ và các dự án bị đình trệ.

Anh Nguyễn (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.