Theo các nhà phân tích, sự sụt giảm giá trị các giao dịch bất động sản thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương có thể kéo dài tới năm 2023 sau khi chứng kiến giá trị khối lượng giao dịch trong quý III giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm.

Trong quý III, giá trị giao dịch bất động sản thương mại trong khu vực đã giảm khoảng 40% xuống còn 33 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2012, theo MSCI. Công ty nghiên cứu đầu tư cho biết sự sụt giảm có thể phản ánh chi phí tiền tệ ngày càng tăng khi các cơ quan tiền tệ trên toàn cầu thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát.

Tỷ lệ các giao dịch được công bố nhưng không thể hoàn thành đã tăng lên 3,5% trong quý III, cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn từ 1% đến 1,5%.

Benjamin Chow, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu bất động sản châu Á tại MSCI, cho biết: “Những thay đổi trong môi trường kinh tế vĩ mô hiện đang tác động mạnh đến thị trường bất động sản thương mại. Khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch đang giảm dần. Đây là một tín hiệu tiêu cực cho các quý sắp tới”.

Một trong những thương vụ đình đám nhất đã thất bại là việc công ty quản lý tài sản Hàn Quốc Mirae Asset Global Investments mua Trung tâm Tài chính Quốc tế Seoul trị giá 3 tỷ USD từ Brookfield Asset Management.

Chow cho biết: “Chúng tôi cũng đã thấy một số thỏa thuận được đàm phán trong suốt năm nay có giá cuối cùng được điều chỉnh giảm so với giá ban đầu, mức giá được thống nhất giữa các bên kể từ khi bắt đầu thỏa thuận”.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đầu tháng này đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 4 liên tiếp, với nhiều khả năng sẽ tăng thêm trong thời gian sắp tới. Các thị trường phát triển khác như khu vực Eurozone, Anh, Úc và Canada cũng tăng giá vốn.

“Tôi cho rằng khối lượng giao dịch sẽ không nhiều, ít nhất là vào đầu năm tới. Tôi nghĩ rằng yếu tố quyết định lớn nhất về cách đầu tư phát triển sẽ là kỳ vọng về lãi suất. Hiện tại, thị trường đang bị đóng băng đối với nhiều nền kinh tế lớn vì người bán đương nhiên hy vọng rằng môi trường lãi suất cao sẽ chỉ là nhất thời, trong khi người mua không sẵn sàng chi trả nhiều tiền ở thời điểm hiện tại”, Benjamin Chow nói thêm.

Henry Chin, người đứng đầu bộ phận lãnh đạo tư duy đầu tư toàn cầu và trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại CBRE, cũng dự đoán thị trường bất động sản thương mại trong khu vực nửa đầu năm 2023 sẽ vẫn ảm đạm.

“Các nhà đầu tư đang thận trọng hơn để đối phó với những thay đổi của nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi tin rằng hoạt động giao dịch sẽ tăng lên trong nửa cuối năm tới”, ông Henry Chin chia sẻ.

Sự sụt giảm thậm chí có thể kéo dài sang cả năm tới, theo John Howald, giám đốc điều hành và người đứng đầu thị trường vốn quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Colliers nhận định.

Ông nói: “12 tháng tới sẽ rất khó khăn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt đối với các thị trường cốt lõi như Úc, Hong Kong, Hàn Quốc và Singapore. Dù vẫn phải theo dõi thêm, nhưng những gì chúng tôi thấy ở hiện tại đó là 2023 sẽ là một năm thách thức đối với bất động sản thương mại trên khắp châu Á - Thái Bình Dương. Xu hướng khối lượng giao dịch sụt giảm có thể sẽ tiếp tục trong 12 đến 18 tháng tới nếu không có sự đảo ngược chính sách lớn của ngân hàng trung ương”.

Christine Li, trưởng bộ phận nghiên cứu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank cho biết các nhà đầu tư sẽ vẫn đứng ngoài cuộc và chuyển sang các giao dịch có quy mô nhỏ hơn trong ngắn hạn. Bà dự đoán thêm: “Tuy nhiên, bất động sản có tính chu kỳ và hoạt động có thể sẽ tăng lên vào cuối năm 2023”.

Ông Dominic Brown, trưởng bộ phận phân tích khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Cushman & Wakefield lại cho biết các yếu tố cơ bản của phân khúc bất động sản thương mại vẫn vững chắc bất chấp sự biến động hiện tại và về lâu dài. Ngoài ra, bất động sản thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương cũng sẵn sàng hưởng lợi từ việc đồng USD tăng mạnh.

Ông nói: “Trong năm tới, ở cấp độ khu vực, nhu cầu văn phòng được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức tích cực, mặc dù mức tăng trưởng giá thuê khiêm tốn. Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục phát triển khi hoạt động sản xuất mở rộng khắp khu vực và hoạt động bán lẻ cũng đã chứng tỏ khả năng phục hồi của mình trước đại dịch”.

Anh Nguyễn (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Sau khi trải qua năm 2023 đầy thử thách với lãi suất cao, sự phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc đại lục và căng thẳng địa chính trị đè nặng lên hoạt động cho thuê và đầu tư, thị trường bất động sản Châu Á Thái Bình Dương đã sẵn sàng cho nửa cuối n...

  • Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Ngành bất động sản châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức đa dạng khi tình hình kinh tế và địa chính trị bấp bênh cũng như mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, triển vọng của thị trường này lại vượt trội so với phần còn l...

  • Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Theo báo cáo thị trường của công ty tư vấn xây dựng toàn cầu Linesight công bố vào ngày 21/03, tình trạng thiếu lao động lành nghề và lãi suất tăng trong thời gian dài tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của ngành xây dựng khu vực vào năm 2...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.