11/02/2024 10:03 AM
Nhu cầu thép suy yếu trong khi giá nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất tăng cao, tín dụng thắt chặt, tỉ giá và lãi suất tăng mạnh đang khiến cho hàng loạt doanh nghiệp thép phải chật vật xoay xở, tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Các doanh nghiệp ngành thép đang trải qua những khó khăn chưa từng thấy

“Ngu gì không làm thép”

Còn nhớ cách đây 7 năm, vào tháng 9.2016, Tập đoàn Hoa Sen đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường với khán phòng không còn một chỗ trống. Nội dung chính của đại hội khi đó là lấy ý kiến cổ đông về dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với vốn đầu tư lên đến 10 tỉ USD.

Tại đại hội này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, từng có câu nói gây xôn xao dư luận: "Nhìn Hòa Phát quý vừa rồi (quý 2.2016) lãi đến 2.000 tỉ đồng, 80% là từ thép, thì ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư".

Thế nhưng, dự án Cà Ná của Hoa Sen đã không thể được thực hiện. Cuối năm 2016, dự án này được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035, nhưng sau đó bị loại bỏ.

Một năm sau đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tạm dừng dự án để tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, đồng thời làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị. Đến tháng 7.2020, Hoa Sen đã chính thức rút khỏi dự án, sau khi chuyển nhượng 100% vốn góp/cổ phần tại 2 công ty con quản lý dự án Cà Ná.

Nhìn vào diễn biến của ngành thép trong năm 2023, có thể nói rằng "may mà Hoa Sen không làm thép", bởi ngành thép ở cả trong nước và thế giới đều đang trải qua những khó khăn chưa từng thấy. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất, nhân sự.

Nhu cầu thép của Việt Nam phụ thuộc vào triển vọng được cải thiện của thị trường bất động sản dân dụng

Gần đây nhất, US Steel (thành lập năm 1901) - một trong những tập đoàn lớn đầu tiên và là biểu tượng sức mạnh của nền công nghiệp Mỹ - đã đồng ý để Nippon Steel của Nhật Bản mua lại với giá 14,1 tỉ USD. Thương vụ này đánh dấu bước thụt lùi lớn trong hành trình đi xuống đã kéo dài nhiều năm của US Steel.

Có thời điểm, số lượng nhân công của hãng thép 122 năm tuổi này lên tới 340.000 người (năm 1943), lượng thép sản xuất được trong một năm đạt 35,8 triệu tấn. Song, đó là quá khứ. Còn hiện tại, US Steel chỉ xuất xưởng khoảng 11 triệu tấn thép và có chưa đến 15.000 lao động.

Tại Việt Nam, 7 năm sau câu nói “ngu gì không làm thép” của Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ, thép vẫn là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, chiếm tới 95% doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát. Tuy nhiên, thị trường hiện tại không còn thuận lợi như trước khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép ở Việt Nam ảm đạm kéo dài, giá bán giảm mạnh.

Từ mức lãi khủng 10.350 tỉ đồng đạt được trong quý 3.2021, kết quả kinh doanh của “anh cả” ngành thép Hòa Phát dần dần đi xuống khi nhu cầu thị trường thép lao dốc. Tới quý 3 và 4.2022, doanh nghiệp này lỗ lần lượt 1.786 tỉ đồng và gần 2.000 tỉ đồng.

Sang năm 2023, Hòa Phát vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh so với cùng kỳ, chủ yếu do khó khăn của thị trường bất động sản, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến nhu cầu thu hẹp.

Tuy nhiên, lợi nhuận của "vua thép" đã bắt đầu tăng trở lại sau giai đoạn khó khăn nhất vào quý cuối năm trước. Lũy kế 9 tháng của năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 85.430 tỉ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.830 tỉ đồng, giảm 63% và tương đương 48% kế hoạch năm. Đây cũng là mức lợi nhuận 9 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

Khó khăn của Hòa Phát cũng phản ánh bức tranh chung của ngành này trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, hàng loạt công trình phải ngừng thi công dẫn đến tiêu thụ các mặt hàng thép chậm, hàng sản xuất ra chất đầy trong kho. Cùng với đó, nhu cầu tại các thị trường như EU, Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao.

Đặt trong bối cảnh vĩ mô nhiều bất lợi cùng với khó khăn của toàn ngành, nhiều doanh nghiệp thép khác cũng lao đao. Thép Nam Kim và Hoa Sen ghi nhận mức giảm lần lượt 62% và 89% về lợi nhuận so với cùng kỳ 9 tháng năm 2022, xuống còn vỏn vẹn 110 tỉ đồng và 28 tỉ đồng. Trong khi đó, cùng là các doanh nghiệp có quy mô và thị phần lớn nhưng VNSteel, Pomina hay SMC lại chưa thể thoát cảnh thua lỗ.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm.

Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với giá giảm nhanh để cạnh tranh. Giá thép đã về đáy thấp nhất 3 năm qua cùng với diễn biến ảm đạm của thị trường bất động sản, dự kiến ngành thép sẽ mất một thời gian dài nữa để hồi phục.

Doanh nghiệp xoay xở vượt khó

Dù khó khăn hiện tại nhưng với kế hoạch lâu dài, các doanh nghiệp thép tại Việt Nam vẫn miệt mài mở rộng đầu tư, kỳ vọng bùng nổ sau khi thị trường khởi sắc.

Đầu tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đã công bố thông tin đáng chú ý về một startup mà nhà sản xuất thép này mở ra cách đây 2 năm. Theo đó, lô hàng container đầu tiên với số lượng 100 chiếc loại 20 feet đã được Hòa Phát bàn giao cho Công ty TNHH New Way Lines.

Như vậy, sau 2 năm đầu tư, nhà máy sản xuất vỏ container tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tổng công suất 500.000 TEU/năm, giai đoạn 1 là 200.000 TEU/năm) đã có những sản phẩm và khách hàng đầu tiên trong bối cảnh thị trường xây dựng vẫn còn khá ảm đạm.

Tập đoàn Hòa Phát lấn sân sang lĩnh vực sản xuất container

Doanh nghiệp này cho biết, nguyên liệu chính cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép cuộn cán nóng HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết - sản phẩm của khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất.

Với công suất 500.000 TEU/năm, nhà máy sản xuất container Hòa Phát có thể tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm. Đây là đầu ra tốt cho khu liên hợp gang thép Dung Quất hiện tại và Dung Quất 2 dự kiến sẽ xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý 1.2025. Như vậy, có thể nói container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát.

Bên cạnh việc lấn sân sang mảng logistics, bất động sản cũng là một hướng đi trong chiến lược đa ngành của Hòa Phát, bởi "không ai có thể làm thép mãi được".

Trên thực tế, doanh nghiệp này đã tham gia vào mảng bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là khu công nghiệp và đô thị. Kế hoạch trong 10 năm tới, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh phát triển đến 10 khu công nghiệp và đầu tư các khu đô thị quy mô 300-500 ha.

Mới đây, doanh nghiệp của tỉ phú Trần Đình Long đã có đề xuất phương án bố trí mặt bằng quy hoạch cảng Bãi Gốc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Theo quy hoạch tổng thể, khu cảng này có chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu hình thành và phát triển khu công nghiệp Bãi Gốc, liên hiệp lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng hoặc khí.

Phương án bố trí mặt bằng quy hoạch cảng Bãi Gốc gồm bến cảng, đê chắn sóng, nhà máy thép… Việc bố trí mặt bằng khu vực cảng được phân chia riêng biệt cho các khu chức năng: cảng dầu, cảng phục vụ nhà máy thép, bến cảng tổng hợp, bến công vụ.

Động thái này của Hòa Phát nằm trong kế hoạch đầu tư khoảng 120.000 tỉ đồng tại Phú Yên, liên quan đến 4 dự án thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên. Cảng Bãi Gốc là 1 trong 4 dự án đó, còn lại là Khu công nghiệp Hòa Tâm, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và dự án khu thương mại - dịch vụ.

Bất động sản cũng là lĩnh vực mà Tập đoàn Hoa Sen nhắm tới khi thị trường thép gặp nhiều khó khăn. Cuối tháng 12.2023, doanh nghiệp này đã thông qua chủ trương góp 40% vốn để lập công ty địa ốc, có nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản 1.000 - 3.000 tỉ đồng để phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại, nhà ở.

Trước đây, Hoa Sen cũng từng có kế hoạch kinh doanh bất động sản bên cạnh mảng kinh doanh truyền thống là tôn thép nhưng chưa có kết quả.

Năm 2009, với định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 4 dự án chung cư, văn phòng tại TP. HCM. Hai năm sau đó, tập đoàn này tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Năm 2016, Hoa Sen trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn. Đến nay, 3 công ty đã giải thể, chỉ còn Hoa Sen Yên Bái hoạt động.

Chọn con đường khác với Hoa Sen hay Hòa Phát, Thép Pomina vẫn đợi sự hồi phục của ngành thép để tạo nên cú đột phá và lật ngược tình thế.

Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội cổ đông gần đây, Chủ tịch HĐQT Thép Pomina Đỗ Duy Thái đánh giá, đầu năm 2024, thị trường thép có thể khởi sắc nhờ đầu tư công. Tuy nhiên, tiêu thụ tăng nhiều lắm chỉ từ 15-20% vì nhu cầu thép ở Việt Nam chủ yếu đến từ bất động sản.

Để vượt qua khó khăn, Pomina lên kế hoạch tái cấu trúc chưa từng có. Ban lãnh đạo Pomina cho biết khả năng hoạt động liên tục sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo dòng tiền trong tương lai và sự hỗ trợ về mặt tài chính của ngân hàng cũng như nhà đầu tư chiến lược.

Trước đó, doanh nghiệp này đã lên kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho hãng thép Nhật Bản là Nansei Steel.

Bên cạnh phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Pomina còn dự tính chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH Pomina 3, đồng thời vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Với lượng tiền thu về, doanh nghiệp này sẽ khôi phục sản xuất lò điện từ quý 4.2023 và lò cao từ quý 2.2024, từ đó cải thiện kết quả kinh doanh và dòng tiền.

Các chuyên gia đánh giá, nếu trụ vững trong khủng hoảng, Pomina sẽ có cơ hội tái cơ cấu từ quản trị cho đến thị trường, mặt hàng... đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả và phục hồi đà tăng trưởng với nền tảng công nghệ hiện đại hiện có.

Theo VSA, giá thép đã về đáy thấp nhất 3 năm qua cùng với diễn biến ảm đạm của thị trường bất động sản, dự kiến ngành thép sẽ mất một thời gian dài nữa để hồi phục.
Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.