Hòa Phát nợ ngân hàng hơn 65.000 tỉ đồng
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4.2023 với nhiều kết quả tích cực sau giai đoạn khó khăn chung của ngành thép.
Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Hòa Phát đạt 187.783 tỉ đồng (tương đương 7,7 tỉ USD), tăng thêm khoảng 17.700 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.
Nếu so với đỉnh lịch sử 207.500 tỉ đồng vào giữa năm 2022, quy mô tài sản của doanh nghiệp này hiện tại còn kém khoảng 10%.
Trong đó, tài sản cố định chiếm tỉ trọng hơn 38%, tương ứng với giá trị 72.000 tỉ đồng và là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Hòa Phát. Hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn là những khoản mục chiếm tỉ trọng lớn thứ 2 và thứ 3 trong cơ cấu tài sản của nhà sản xuất thép này.
So với ngày đầu năm 2023, hàng tồn kho tăng nhẹ lên 34.500 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí xây dựng dở dang tăng mạnh thêm khoảng 13.000 tỉ đồng lên hơn 26.000 tỉ đồng, chủ yếu do tập đoàn đầu tư mở rộng dự án Dung Quất giai đoạn 2.
Bên cạnh đó, tại ngày 31.12, Hòa Phát có đến hơn 22.000 tỉ tiền gửi ngân hàng (ngắn hạn), giảm 4.000 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu ngành thép còn có gần 3.800 tỉ tiền mặt và 8.500 tỉ tương đương tiền.
Lượng tiền gửi lớn giúp doanh nghiệp của tỉ phú Trần Đình Long "bỏ túi" những khoản lãi không nhỏ qua đó bù đắp phần nào chi phí lãi vay phải gánh.
Trong quý 4.2023, Hòa Phát nhận được 392 tỉ đồng lãi tiền gửi, giảm gần 15% so với quý trước và thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lãi tiền gửi thấp nhất mà doanh nghiệp này nhận được trong một quý ở 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng xuống thấp kỷ lục.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hòa Phát tăng thêm hơn 10.000 tỉ đồng trong năm nay 2023, lên mức 84.964 tỉ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 65.000 tỉ đồng, tăng gần 7.400 tỉ đồng so với cuối quý 3 trước đó và là mức cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
Trong đó, vay ngắn hạn là gần 55.000 tỉ đồng, chiếm 85% tổng nợ vay và còn lại là hơn 10.300 tỉ đồng vay dài hạn.
Nợ vay lớn khiến Hòa Phát phải gánh chi phí lãi vay rất lớn lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỉ đồng mỗi quý. Trong quý 4.2023, doanh nghiệp này chịu lãi vay 711 tỉ đồng, giảm 145 tỉ đồng so với quý 3 trước đó.
Tính chung cả năm 2023 vừa qua, chi phí lãi vay của Hòa Phát lên đến gần 3.600 tỉ đồng, tăng hơn 16% so với năm 2022 và là mức cao nhất kể từ khi hoạt động. Dù giảm liên tiếp trong 2 quý cuối năm nhưng lãi vay tăng cao trong nửa đầu năm đã kéo chi phí lãi vay cả năm 2023 lên cao kỷ lục. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải trả gần 10 tỉ đồng tiền lãi vay.
Lãi hơn 6.800 tỉ đồng năm 2023
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng của Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức thấp 3,74% khiến cho ngành thép tiếp tục trầm lắng và chưa có cải thiện đáng kể về nhu cầu tiêu thụ.
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát năm 2023. Nguồn: HPG
Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2023 của Hòa Phát đạt lần lượt 120.000 và 6.800 tỉ đồng, giảm tương ứng 16% và 19% so với năm trước. Đây cũng là mức lãi thấp với doanh nghiệp này từ năm 2017 đến nay.
Hiện tại, nhà sản xuất thép này cho rằng thời điểm khó khăn nhất đã qua và bắt đầu bước vào chu kỳ khôi phục khi lợi nhuận 2023 được ghi nhận cải thiện qua từng quý.
Năm 2023, nhóm thép vẫn tiếp tục là trụ cột của Hòa Phát khi đóng góp lần lượt 94% và 92% cho tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Nông nghiệp đứng thứ hai về doanh thu với 5% tỉ trọng. Trong khi đó, mảng bất động sản đóng góp lợi nhuận cao thứ hai cho doanh nghiệp này với 5% tỉ trọng lợi nhuận sau thuế.
Biểu đồ 3 năm diễn biến kết quả kinh doanh của Hòa Phát từ 2021-2023
Cũng trong năm ngoái, hoạt động của Hòa Phát có một số điểm sáng như cung cấp vỏ container ra thị trường từ đầu tháng 8. Doanh nghiệp này cũng đã đưa bến đầu tiên của cảng tổng hợp container tại Dung Quất (Quảng Ngãi) đi vào hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu bốc xếp hàng hóa của các doanh nghiệp tại khu kinh tế Dung Quất và các vùng lân cận.
Tập đoàn này cho biết thời gian tới, thị trường có khởi sắc nhưng chưa rõ nét do kinh tế trong và ngoài nước còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hòa Phát ưu tiên quản trị tốt dòng tiền, hàng tồn kho, sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường.
Đồng thời, sẽ bám sát tiến độ đầu tư các dự án lớn, nhất là Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2. Hiện nay, dự án này đã đạt 45% tiến độ, đúng kế hoạch đề ra.
-
Chủ tịch Hòa Phát báo tin vui cho cổ đông sau chuỗi ngày “bơi” trong vòng xoáy biến động
Giữa cơn lốc xoáy biến động của năm 2022, Hòa Phát lần đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ sâu liên tiếp trong 2 quý cuối năm. Sang năm 2023, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đã có dấu hiệu khởi sắc khi cả 4 quý đều có lợi nhuận dương và tăng trưởng đều qua mỗi quý.
-
Các đơn hàng thép cuộn cán nóng HRC đặt trước của Hòa Phát trong quý 4/2023 đạt 100% công suất toàn hệ thống sau khi nhà sản xuất này đóng cửa 1 lò cao ở Hải Dương.
-
10 tháng đầu năm 2023, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 385.000 tấn thép chất lượng cao. Đây là các loại thép nguyên liệu phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo như rút dây, làm lõi que hàn, đinh ốc vít, thép dự ứng lực, tanh lốp ô tô.
-
Bất ngờ với dự báo lợi nhuận của các đại gia ngành thép trong quý 4/2024
MBS cho rằng xuất khẩu thép sẽ gặp nhiều bất, tuy nhiên các doanh nghiệp thép sẽ tăng trưởng đáng kể, hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa tăng trưởng mạnh mẽ khi cuối năm là đợt cao điểm đẩy nhanh các dự án bất động sản và đầu tư công....
-
Hoa Sen chốt ngày họp ĐHĐCĐ, hé lộ kế hoạch mua lại cổ phiếu từ cổ đông
Một trong những nội dung dự kiến được HĐQT Tập đoàn Hoa Sen trình cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tới đây là kế hoạch mua lại cổ phiếu từ cổ đông hiện hữu.
-
Sắp đến Noel, một cổ phiếu thép dựng hình “cây thông” trên bảng điện tử
Cổ phiếu Công ty CP Vicasa - Vnsteel (Mã: VCA) tạo mô hình “cây thông” khi từng tăng sốc 107% lên mốc 17.600 đồng/cp trong phiên 12/12, nhưng ngay sau đó giảm sàn 4 phiên liên tiếp.