Nhằm thực hiện mục tiêu tăng tỷ trọng tiêu thụ nội địa, Tôn Đông Á dự kiến đầu tư 7.000 tỷ đồng để xây dựng nhà máy mới, tăng công suất lên 2 triệu tấn/năm. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng sang các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp để tăng hiệu quả hoạt động, kinh doanh.

Dự kiến rót 7.000 tỷ xây nhà máy mới

Mới đây, Công ty CP Tôn Đông Á (TDA) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 để thông qua mục tiêu sản lượng 760.000 tấn với doanh thu ước đạt từ 17.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 200 tỷ đồng, tăng 172% so với kết quả đạt được trong năm vừa rồi.

Để đạt được mục tiêu lợi nhuận trên, công ty lên kế hoạch duy trì mở rộng và tăng trưởng thị phần tôn mạ trong nước lên 50% và 50% đến từ xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng dự kiến gia nhập vào thị trường tôn mạ chất lượng cao phục vụ cho các công trình xây dựng và tôn mạ chất lượng cao dùng trong sản xuất thiết bị gia dụng.

Tôn Đông Á dự kiến rót 7.000 tỷ đồng cho nhà máy mới, nâng công suất lên 2 triệu tấn/năm

Lãnh đạo Tôn Đông Á cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng sản xuất của công ty đạt hơn 50% so với kế hoạch cả năm; lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm đạt 150 tỷ đồng. Trong đó, trung bình cơ cấu thị trường nội địa chiếm 45%, còn lại 55% đến từ thị trường xuất khẩu.

“Việc giữ tỷ lệ cân bằng giữa thị trường xuất khẩu và nội địa giúp công ty chủ động ứng phó, xoay chuyển, giữ thế đứng vững trên hai chân. Nếu thị trường có những tác động xấu chúng tôi vẫn chủ động ứng phó kịp thời do không quá lệ thuộc vào thị trường nào”, lãnh đạo Tôn Đông Á nhấn mạnh.

Hiện nay, Tôn Đông Á là một trong những doanh nghiệp sản xuất thép lá mạ tại Việt Nam với sản lượng bán hàng năm 2022 là hơn 730.000 tấn, chiếm hơn 17% thị phần và đứng thứ 2 toàn ngành chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen. Kết quả này có nhiều cả thiện so với năm 2021 khi Tôn Đông Á chỉ đứng thứ 3 về thị phần, sau Hoa Sen và Nam Kim.

Đối với thị trường xuất khẩu, công ty tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và các thị trường xuất khẩu truyền thống. Đồng thời linh hoạt điều chỉnh tỷ trọng bán hàng kênh xuất khẩu chiếm từ 40-50%.

Thời gian qua, Tôn Đông Á đã liên tục đầu tư rót vốn hàng trăm triệu USD nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Trong kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ cung ứng sản phẩm vào phân khúc thị trường tôn mạ cho ngành chế tạo thiết bị gia dụng vốn đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe cho đối tác LG và Samsung...

Năm nay, Tôn Đông Á dự kiến chi 7.000 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy số 3 công suất 1,2 triệu tấn/năm, với sản phẩm chủ yếu là thép lá mạ cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng, ô tô. Theo đó, công ty có thể đạt tổng công suất của cả 3 nhà máy là 2 triệu tấn/năm.

Hiện Tôn Đông Á có hai nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Đồng An 2 thuộc tỉnh Bình Dương với tổng công suất 850.000 tấn/năm.

Cụ thể, dự án trên được chia làm 3 giai đoạn và triển khai từ 6 đến 8 năm kể từ thời điểm được duyệt Giấy phép đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến triển khai trong 2 năm với công suất khoảng 350.000 tấn/năm.

“Lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp?

Thị trường tôn thép đang có sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp trong nước, nhập khẩu và tiềm ẩn những biến động từ các thị trường xuất khẩu. Cụ thể, các chính sách thương mại tại các thị trường châu Âu và cạnh tranh từ các nước sản xuất thép lớn như Trung Quốc, Ấn Độ đang đặt ra thách thức hơn với các nhà sản xuất tôn mạ của Việt Nam.

Á quân ngành tôn mạ lên kế hoạch lấn san sang lĩnh vực địa ốc, nông nghiệp

Năm 2023, bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi, Tôn Đông Á sẽ tìm kiếm, mở rộng sang các lĩnh vực mới, phù hợp với năng lực hoạt động của công ty nhằm đa dạng hóa ngành nghề, tạo thêm nguồn thu bên cạnh các sản phẩm thép. Trong đó, địa ốc và nông nghiệp là 2 lĩnh vực được doanh nghiệp tôn mạ này nhắm đến.

Lãnh đạo Tôn Đông Á cho biết, công ty sẽ triển khai kế hoạch nghiên cứu vào các lĩnh vực trên thông qua hình thức góp vốn đầu tư trực tiếp hoặc thành lập công ty mới với tỷ lệ vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài để mở rộng quy mô, tăng hiệu quả hoạt động của công ty.

Chia cổ tức tối đa 30% và kế hoạch lên UpCOM

Về kế hoạch cổ tức, Tôn Đông Á dự kiến chia với tỷ lệ 10% bằng tiền hoặc cổ phiếu cho năm 2022. Cho năm nay, tỷ lệ dự kiến tối đa ở mức 30% bằng tiền hoặc cổ phiếu.

Năm nay, công ty sẽ phát hành tối đa 5% số cổ phiếu đang lưu hành cho các cán bộ nhân viên (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm và dự kiến thực hiện trong năm nay hoặc năm sau.

Từ tháng 4/2023 đến nay, Tôn Đông Á đã bắt đầu thực hiện hồ sơ và thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu GDA tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trên sàn UpCOM sau khi thay đổi phương án niêm yết. Thời gian dự kiến giao dịch trong năm 2023.

Trước đó, doanh nghiệp này bất ngờ rút hồ sơ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vì thua lỗ kỷ lục hàng trăm tỷ đồng trong năm 2022, không đảm bảo điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.