08/04/2023 10:06 AM
Trong khi khoản đầu tư trái phiếu và cho vay còn bỏ ngỏ về tính hiệu quả thì Tôn Đông Á vẫn đang đứng trước khoản vay nợ ngân hàng 5.300 tỉ đồng với lãi suất từ 4,8% đến 8,6%/năm.

Đầu tư trái phiếu

Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 được công bố mới đây, Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu đạt 21.614 tỉ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ và lỗ ròng 276 tỉ đồng trong khi năm trước lãi đến 1.210 tỉ đồng.

Cũng trong năm vừa qua, Tôn Đông Á sản xuất gần 766.000 tấn tôn mạ và bán ra 736.000 tấn, chiếm 17,6% thị phần và đứng thứ 2 ngành tôn mạ, chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG). Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng tiêu thụ của doanh nghiệp này giảm gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn giữ vị trí thứ 2 về thị phần.

Năm 2022, Tôn Đông Á ghi nhận lỗ ròng 276 tỉ đồng trong khi năm trước lãi đến 1.210 tỉ đồng

Lãnh đạo Tôn Đông Á cho biết, trong năm 2022 giá nguyên vật liệu chính thép biến động giảm liên tục, tình hình biến động kinh tế thế giới đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng đáng kể. Ngoài ra, biến động tỉ giá và lãi suất ngân hàng tăng cao so với năm trước là nguyên nhân khiến công ty có kết quả lỗ.

Bên cạnh kết quả kinh doanh sụt giảm, tài sản của á quân ngành tôn mạ cũng đang đặt ra nhiều vấn đề khác cần quan tâm.

Tại thời điểm đầu năm 2022, Tôn Đông Á đang gửi 1.215 tỉ đồng tại các ngân hàng thương mại theo kỳ hạn gốc trên 3 tháng và dưới 12 tháng, với lãi suất dao động từ 6,3% tới 12%/năm. Bên cạnh đó, số tiền đầu tư trái phiếu ở mức gần 410 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tới cuối năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận tiền gửi ngân hàng giảm sâu xuống mức 338 tỉ đồng, tương đương giảm 72% so với đầu kỳ. Trong khi đó, số tiền đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn lại tăng gấp đôi con số ghi nhận đầu năm, lên mức 824 tỉ đồng. Ngoài ra, trái phiếu dài hạn giảm 169 tỉ đồng, còn 30 tỉ đồng tại ngày 31/12/2022.

Theo thuyết minh trong báo cáo tài chính kiểm toán, đây là trái phiếu được phát hành bởi các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo và được cam kết mua lại bởi đại lý phân phối với lãi suất từ 6,15% đến 13%/năm.

Phía Tôn Đông Á cho biết đã sử dụng một phần tiền gửi có kỳ hạn và trái phiếu nêu trên để bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng.

Vay nợ ngân hàng 5.300 tỉ đồng

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng giá trị nợ vay của Tôn Đông Á là 5.300 tỉ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 5.266 tỉ đồng, chiếm 99,3% tổng nợ vay và còn lại là hơn 35 tỉ đồng vay dài hạn. Trong năm, công ty phải chi ra hơn 248 tỉ đồng cho khoản mục chi phí lãi vay.

Tôn Đông Á đang nợ 5,228 tỉ đồng tại ngày 31.12.2022 với lãi suất từ 4,8% đến 8,6%/năm

Về khoản vay ngắn hạn, Tôn Đông Á đang nợ 5,228 tỉ đồng tại ngày 31.12.2022 với lãi suất từ 4,8% đến 8,6%/năm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Đông Sài Gòn (Vietinbank DSG) đang là chủ nợ lớn nhất với giá trị cho vay 2.363 tỉ đồng, trong đó có khoản vay 25 tỉ đồng sẽ đến hạn thanh toán vào ngày 13/4/2023.

Đứng thứ hai là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tân Bình với giá trị gần 1.705 tỉ đồng. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Nam Bình Dương và Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC lần lượt đứng thứ ba và thứ tư với giá trị cho vay ngắn hạn tương ứng 914 tỉ đồng và 245 tỉ đồng.

Tất cả các khoản vay trên đều được đảm bảo bằng hàng tồn kho, máy móc thiết bị, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và trái phiếu thuộc sở hữu của công ty.

Hoãn lên sàn HoSE, tính đường sang UPCoM

Với kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2022, kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE của Tôn Đông Á từng đề ra với các nhà đầu tư không thể thực hiện.

Được biết, trong tháng 4/2023, Tôn Đông Á sẽ tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua việc dừng kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch TP.HCM (HoSE) và chuyển sang thực hiện đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Giải trình tới các cổ đông về lý do lên sàn UPCoM, ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch HĐQT Tôn Đông Á, cho biết nền kinh tế trong nước năm 2022 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu áp lực lớn từ biến động khó lường của kinh tế thế giới, dẫn đến kết quả kinh doanh toàn ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng không được khả quan.

"Công ty chưa đáp ứng được các điều kiện niêm yết cổ phiếu theo quy định tại điểm a và điểm c Khoản 1 Điều 109 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP", lãnh đạo Tôn Đông Á cho biết.

Trước đó, HoSE nhận hồ sơ niêm yết 114,7 triệu cổ phiếu của Tôn Đông Á với mã chứng khoán GDA từ tháng 4/2022 sau khi thực hiện IPO thành công. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, công ty đã trình và được cổ đông thông qua phương án niêm yết cổ phiếu ngay trong năm 2022.

Tuy nhiên, với khoản lỗ sau thuế 276,5 tỉ đồng trong năm 2022, Tôn Đông Á không đáp ứng điều kiện niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Do đó, sàn UPCoM là phương án được trình trong đợt lấy ý kiến cổ đông lần này.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.