Băng rôn đòi quỹ bảo trì được cư dân treo khắp dự án.
Ngày 13/5, Toà án nhân dân quận Cầu Giấy đã có thông báo thụ lý vụ án dân sự liên quan đến quỹ bảo trì của toà nhà CT1 Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội).
Theo đơn khởi kiện, Ban quản trị toà nhà CT1 Vân Canh yêu cầu toà án buộc Công ty cổ phần bất động sản AZ phải bàn giao ngay toàn bộ số tiền bảo trì nhà chung cư cho Ban quản trị, với số tiền tạm tính đến ngày 31/3/2021 là hơn 9,4 tỉ đồng.
Trong đó, số tiền kinh phí bảo trì là 7,8 tỉ đồng, số tiền lãi từ khi Công ty AZ thu tiền phí bảo trì đến khi thành lập Ban quản trị lần đầu là 47 triệu đồng, số tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ là 1,635 tỉ đồng.
Ngoài ra, Ban quản trị toà nhà yêu cầu chủ đầu tư phải trả số tiền lãi chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự từ ngày 1/4/2021 cho đến khi bàn giao hết toàn bộ kinh phí bảo trì và tiền lãi.
Trong trường hợp Công ty AZ không thực hiện bàn giao ngay hoặc bàn giao không đầy đủ toàn bộ số tiền trên thì Ban quản trị có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tiến hành kê biên các tài sản, phong toả các tài khoản, nguồn thu hợp pháp của công ty này để đảm bảo cưỡng chế thi hành án.
Theo thông báo của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, Công ty AZ phải nộp cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của ban quản trị tòa nhà và các tài liệu, chứng cứ kèm theo yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập.
Hết thời hạn này, phía Công ty AZ không nộp các văn bản yêu cầu, phía tòa án sẽ căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Được biết, chung cư CT1 Vân Canh đã đi vào hoạt động được 5 năm. Tính đến ngày 15/5/2020, đã có 499 chủ sở hữu căn hộ nộp tiền kinh phí bảo trì cho chủ đầu tư. Tổng số tiền phí bảo trì Công ty AZ đã thu tính đế ngày 21/1/2021 là hơn 8,6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao lại quỹ bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở 2014, mặc dù Ban quản trị toà nhà đã được thành lập từ tháng 4/2019.
Quỹ bảo trì bị chủ đầu tư chiếm dụng suốt 5 năm.
Anh Nguyễn Xuân Sang, Phó Ban quản trị toà nhà cho biết, suốt 5 năm qua, mặc dù đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ bàn giao quỹ bảo trì nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì, không có động thái thực hiện.
Ngoài việc “om” quỹ bảo trì nhiều năm, theo tài liệu anh Sang cung cấp, toà nhà CT1 Vân Canh còn tồn tại nhiều bất cập khác như không hoàn thiện, nghiệm thu hệ thống PCCC.
Đặc biệt, hệ thống PCCC tại nhà xe tầng 1 hai toà A2, B2 chưa được thi công và nghiệm thu theo giấy chứng nhận thẩm duyệt từ tháng 8/2018 gây nguy cơ cháy nổ cao, đe doạ nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản người dân.
Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì khiến cho hệ thống PCCC không được bảo dưỡng định kỳ dẫn đến các hiện tượng chuông báo động giả, hệ thống báo cháy không kết nối liên động với thang máy, bơm chữa cháy bị lỗi áp lực nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý cư dân.
Mặt khác, do hai toà nhà không có tầng hầm, chủ đầu tư cũng không bố trí đủ chỗ để xe nên cư dân để kín xe tại tầng 1 và xung quanh toà nhà. Điều này cản trở công tác PCCC cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cư dân và toà nhà.
Tại văn bản phúc đáp kiến nghị của Ban quản trị ngày 28/8/2020, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (Công an TP. Hà Nội) cũng xác định, hệ thống PCCC tại toà nhà CT1-A2 và CT1-B2 có hoạt động nhưng chưa đảm bảo theo quy định.
Ngoài ra, tại đường giao thông nội bộ, chủ đầu tư bố trí nhiều phương tiện ô tô, xe máy không đảm bảo cho xe chữa cháy hoạt động.
Đặc biệt, tại tầng 1 toà CT1, dù chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa vào hoạt động.
Một vấn đề nữa cũng khiến cư dân tại đây vô cùng bức xúc là dù đã bàn giao căn hộ cho người dân vào sử dụng từ tháng 6/2016 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân theo đúng cam kết trong hợp đồng mua bán.
Về chất lượng công trình, do không được bảo trì thường xuyên nên hiện nay công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, bị mối phá huỷ từ tầng 1 đến tầng 5 của cả 2 toà nhà; phòng kỹ thuật chứa bộ máy vận hành thang máy bị dột, ngấm nước mưa ẩm thấp gây chập cháy bo mạch điều khiển vận hành thang.
Trạm biến áp đã hơn 4 năm không được bảo dưỡng kiểm tra do chủ đầu tư không bàn giao cho điện lực mà vẫn ký hợp đồng mua điện rồi bán lẻ lại cho các hộ dân.
Đáng chú ý, công trình đã được đưa vào sử dụng nhưng cư dân chưa nhận được văn bản chấp thuận đưa công trình vào sử dụng của cơ quan quản lý nhà nước.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 30 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó sửa đổi bổ sung Điều 37 thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Nghị định 30 quy định, trong trường hợp chủ đầu tư không còn tiền, hoặc còn tiền nhưng không đủ để bàn giao thì UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư và số tiền trong tài khoản này. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan cho UBND cấp tỉnh. Căn cứ vào thông tin do tổ chức tín dụng cung cấp, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư để chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Quyết định cưỡng chế này được gửi đến Sở Xây dựng, chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản để thực hiện. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cưỡng chế, tổ chức tín dụng có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư sang tài khoản của Ban quản trị nhà chung cư theo đúng số tiền ghi trong Quyết định cưỡng chế. Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền, tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo đến UBND cấp tỉnh, Sở Xây dựng, chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư biết. Nghị định cũng quy định thủ tục cưỡng chế kê biên tài sản của chủ đầu tư đối với trường hợp không có kinh phí để bàn giao. Cụ thể, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối với cơ quan công an và cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể diện tích nhà, đất của chủ đầu tư tại dự án nơi có nhà chung cư hoặc tại dự án khác để thực hiện việc kê biên và tổ chức bán đấu giá, thu hồi kinh phí bảo trì. Trường hợp chủ đầu tư không có diện tích nhà, đất hoặc có diện tích nhà, đất để kê biên nhưng không đủ giá trị để bán thu hồi kinh phí bảo trì thì thực hiện xác định tài sản khác của chủ đầu tư để bán đấu giá thu hồi đủ kinh phí chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư. UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện kê biên diện tích nhà, đất hoặc tài sản khác có giá trị tương đương với số kinh phí bảo trì phải thu hồi để bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế, bán đấu giá tài sản này. Trên cơ sở diện tích nhà, đất hoặc tài sản khác của chủ đầu tư đã được xác định theo quy định nêu trên, trong thời hạn 10 ngày, Sở Xây dựng phải có văn bản báo cáo UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản của chủ đầu tư để bán đấu giá thu hồi kinh phí bảo trì nhà chung cư. Việc bàn giao kinh phí bảo trì sau khi bán đấu giá tài sản phải lập thành biên bản có chữ ký xác nhận của các bên có liên quan. Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số kinh phí bảo trì phải bàn giao và chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế bán đấu giá tài sản thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán đấu giá tài sản, Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với tổ chức bán đấu giá tài sản làm thủ tục trả lại phần giá trị chênh lệch cho chủ đầu tư có tài sản bị kê biên bán đấu giá. Trong quá trình cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. |
-
Hòa Bình Green City: Cuộc chiến quỹ bảo trì vẫn chưa đi đến hồi kết
Mới đây, văn phòng UBND TP Hà Nội một lần nữa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn liên quan đến quỹ bảo trì, sổ hồng tại chung cư Hoà Bình Green City.
-
Cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì nhưng tài khoản của chủ đầu tư không đủ tiền
Thông tin này được lãnh đạo thành phố Hà Nội đưa ra tại buổi HĐND thành phố tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai mới đây về câu chuyện tranh chấp quỹ bảo trì tại Tòa nhà AZ Sky phường Định Công.
-
Bị tố làm khó cư dân, Vạn Phúc Group lên tiếng
Van Phuc Group vừa chính thức lên tiếng về vụ việc một người đàn ông ngoại quốc đăng tải video clip lên mạng xã hội tố tập đoàn này làm khó dễ cư dân khu đô thị Vạn Phúc. Những video này nhận được sự tương tác lớn từ cộng đồng mạng với nhiều ý kiến t...
-
Chặn “ngòi nổ” của nhiều cuộc chiến tại chung cư
Dù đã có quy định pháp luật rõ ràng về cách quản lý, sử dụng khoản kinh phí bảo trì chung cư tuy nhiên trên thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng tuân thủ đúng quy định. Tại nhiều dự án, khoản tiền này là nguồn cơn của nhiều cuộc tranh chấp giữa cư ...