23/05/2021 8:12 AM
Mới đây, văn phòng UBND TP Hà Nội một lần nữa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn liên quan đến quỹ bảo trì, sổ hồng tại chung cư Hoà Bình Green City.

Nhiều năm mòn mỏi "cầu cứu" chính quyền, đến nay cư dân tại Hòa Bình Green City vẫn chưa đòi được quỹ bảo trì.

Theo văn bản của văn phòng UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Tài nguyên và môi trường (TN&MT), Cục Thuế TP, UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, quy định. Đề xuất báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.

Theo tìm hiểu của PV, liên quan đến kinh phí bảo trì của chung cư Hòa Bình Green City, UBND quận hai Bà Trưng trước đó đã có báo cáo gửi UBND thành phố. Cụ thể, ban quản trị chung cư đã nhiều lần yêu cầu, UBND quận và UBND phường Vĩnh Tuy đã nhiều lần họp hướng dẫn, đôn đốc nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao số tiền khoảng 40 tỷ đồng cho ban quản lý.

Ngày 27/3/2020, UBND TP đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính xử phạt chủ đầu tư về hành vi vi phạm không bàn giao quỹ bảo trì theo quy định.

Tuy nhiên, ngay sau đó chủ đầu tư có khiếu nại lên UBND TP, UBND TP đã giải quyết và có quyết định giải quyết khiếu nại ngày 14/1/2021 giao Sở Xây dựng chủ trì yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì cho BQT và thực hiện quyết định xử phạt hành chính UBND TP đã ban hành trước đó.

Nhiều lần căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, song cư dân tại Hòa Bình Green City chưa biết đến bao giờ mới "đòi" được tiền.

Có thể nói, câu chuyện quỹ bảo trì chung cư đang gây nên "tranh chấp" dai dẳng ở các chung cư. Theo số liệu của Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn thành phố hiện có 833 chung cư thương mại hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 399 dự án, chưa đầy 50% số lượng chung cư được chủ đầu tư bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Đặng Văn Cường –Trưởng VPLS Chính pháp cho rằng, để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định xử phạt chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì hoặc không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định thì chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính, bị cưỡng chế bàn giao theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này.

Cụ thể, trường hợp trong tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì không còn đủ hoặc không còn kinh phí để bàn giao thì UBND cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp thông tin về tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư và số tiền trong tài khoản này. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của UBND cấp tỉnh, tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan cho UBND cấp tỉnh.

Căn cứ vào thông tin do tổ chức tín dụng cung cấp, UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư để chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Quyết định cưỡng chế này được gửi đến Sở Xây dựng, chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản để thực hiện.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cưỡng chế, tổ chức tín dụng có trách nhiệm chuyển tiền từ tài khoản kinh doanh của chủ đầu tư sang tài khoản của Ban quản trị nhà chung cư theo đúng số tiền ghi trong Quyết định cưỡng chế.

Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền, tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo đến UBND cấp tỉnh, Sở Xây dựng, chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư biết.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, quy định cưỡng chế buộc chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì đã có. Tuy nhiên, để quy định pháp luật đi vào thực tế đời sống vẫn còn mất một thời gian nữa. Cư dân tại các chung cư đang bị chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì cần tìm hiểu, nắm rõ quy định mới và kiến nghị lên UBND tỉnh/thành phố đề nghị cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì theo đúng quy định.

Diệu Hoa (enternews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.