CafeLand - Hồng Kông và Singapore, hai trung tâm tài chính luôn cạnh tranh gay gắt ở châu Á, dù có thị trường nhà ở rất khác nhau, nhưng có một điểm chung là rất nhiều lựa chọn về co-living (nhà ở chia sẻ không gian tiện ích dùng chung).

Năm ngoái, một nghiên cứu của Knight Frank đã xếp Hồng Kông ở vị trí thứ tư và Singapore đứng thứ chín trong số 20 thành phố tại châu Á - Thái Bình Dương có khả năng tăng trưởng trong phân khúc co-living. Nghiên cứu dựa trên các đặc điểm như khả năng chi trả cho nhà ở, mật độ các trường đại học, các thương vụ đầu tư mạo hiểm và chất lượng cuộc sống.

Các nhà phân tích và đơn vị vận hành cho biết cả hai thị trường đều “hoạt động tốt” và “tương đối thành công”, với tỷ lệ lấp đầy từ 80% đến 90% ở Hồng Kông và hơn 90% ở Singapore. Những con số này đạt được bất chấp việc đại dịch đã tác động nặng nề nền kinh tế toàn cầu và gây ra thất nghiệp trên diện rộng. Vào đỉnh điểm của làn sóng dịch bệnh đầu tiên ở Hồng Kông trong quý 01/2020, các đơn vị vận hành dự án co-living cho biết họ phải giảm giá từ 15% đến 50% để giữ chân khách thuê.

Bùng nổ không gian co-living tại Hồng Kông và Singapore

Một số đơn vị vận hành như Weave Living đã quyết định ngăn chặn tác động của đại dịch bằng cách không nhận thêm khách thuê mới ở Hồng Kông từ tháng Ba đến tháng Năm vì sự an toàn của khách thuê và nhân viên.

Aaron Lee, nhà sáng lập của Dash Living chuyên vận hành các dự án co-living tại Hồng Kông và Singapore, phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy cả hai thị trường đều có khả năng phục hồi ở phân khúc co-living do lưu trú là một nhu cầu thiết yếu, và các dịch vụ co-living của chúng tôi cũng như toàn phân khúc này nói chung, đều đầy tính hấp dẫn và cạnh tranh”.

Được thành lập tại Hồng Kông vào năm 2014, Dash Living lần đầu tiên vận hành các căn hộ dịch vụ và một khách sạn trước khi đầu tư vào các dự án co-living trong thành phố. Doanh nghiệp này đã mở rộng kinh doanh sang Singapore vào tháng Giêng và hiện có hơn 1.000 đơn vị nhà ở dạng co-living tại hai thành phố với tỷ lệ lấp đầy đạt 90%.

Bùng nổ không gian co-living tại Hồng Kông và Singapore

Desmond Sim, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Singapore và Đông Nam Á của CBRE cho biết: “Nhu cầu về không gian sống trong nội đô, đặc biệt là từ những người lao động trẻ tuổi, cũng như nền kinh tế chia sẽ đang phát triển mạnh mẽ (nền kinh tế trong đó mọi người thường làm việc trong những vị trí tạm thời và linh hoạt, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian), là những lý do chính khiến thị trường co-living tương đối thành công”.

Mặc dù thị trường nhà ở của cả Singapore và Hồng Kông có sự khác biệt lớn, song phân khúc co-living của họ lại đang cùng phát triển mạnh mẽ. Trong khi 90% người Singapore sở hữu nhà so với chỉ 50% ở Hồng Kông, thành công của các dự án co-living ở Singapore còn đáng ngạc nhiên hơn, Sim cho biết.

Tiêu chuẩn nhà ở tại hai thành phố cũng khác nhau. Cơ quan Đổi mới Đô thị của Hồng Kông quy định rằng kích thước nhà tối thiểu tại đây phải là 300 feet vuông (27,9 mét vuông), trong khi kích thước trung bình của các ngôi nhà thuộc sở hữu tư nhân của Singapore phải lớn hơn ba lần là 915 feet vuông.

Bùng nổ không gian co-living tại Hồng Kông và Singapore

Nhưng hai thị trường cũng có những điểm tương đồng. Cả Hồng Kông và Singapore đều nằm trong số những thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới, lần lượt xếp thứ nhất và thứ ba theo báo cáo của CBRE được công bố vào tháng Tư. Cả hai thành phố đều có một lượng lớn người nước ngoài sinh sống và các trường đại học của họ đều nằm trong số những trường tốt nhất trong khu vực, thu hút một lượng lớn sinh viên quốc tế.

Trong bối cảnh này, các công ty hoạt động trong lĩnh vực co-living của Hồng Kông đang để mắt đến thị trường Singapore.

Sachin Doshi, người sáng lập và Giám đốc điều hành tập đoàn Weave Living, nói rằng công ty sẽ mở rộng sang Singapore vào năm tới và đang tìm cách mua lại 5 đến 6 bất động sản từ một đối tác địa phương.

“Ở Hồng Kông, chúng tôi có tỷ lệ khách thuê địa phương và người nước ngoài là 50-50, nhưng ở Singapore, chúng tôi kỳ vọng có thể đạt tỷ lệ người nước ngoài cao hơn là 70%”, Doshi nói, giải thích điều này là do tỷ lệ sở hữu nhà tại Singapore cao hơn.

“Nói chung, các động lực phát triển phân khúc co-living của cả Singapore và Hồng Kông là tương tự nhau - cả hai đều là những thành phố có giá nhà đắt đỏ nhưng lại sở hữu lực lượng lao động hấp dẫn”, Doshi nói.

Công ty này đã khai trương dự án Weave on Anchor – bất động sản dạng co-living thứ ba của mình tại Hồng Kông. Bất động sản này rộng 35.000 feet vuông, nằm ở Tai Kok Tsui, Kowloon. Đây cũng là dự án có diện tích lớn nhất của công ty, với 193 đơn vị nhà ở riêng.

  • Tương lai nào đang chờ đón thị trường bất động sản Hồng Kông?

    Tương lai nào đang chờ đón thị trường bất động sản Hồng Kông?

    CafeLand - Sau khi liên tục trải qua các cuộc biểu tình, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hay đại dịch Covid-19, sức hấp dẫn của thị trường Hồng Kông đã giảm xuống trong mắt các nhà đầu tư. Gương như, những ngày tháng tươi đẹp của thị trường bất động sản Hồng Kông dường như đã qua.

Lam Vy (SMCP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.