Xu hướng chuyển đổi sang làm việc từ xa do đại dịch khiến nhiều người phải rời khỏi văn phòng và biến các không gian trong nhà thành phòng làm việc tại gia. Đây là động lực đang thúc đẩy các co-living (không gian sống chung) tại châu Á phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Khách hàng mục tiêu của các co-living là thế hệ millennials và thế hệ Z, với thiết kế hiện đại và màu sắc tươi sáng. Co-living phục vụ khách hàng lưu trú trong thời gian ngắn từ vài tuần đến vài tháng, rất phù hợp với lao động trẻ và khách công vụ thích sự linh hoạt so với hợp đồng thuê dài hạn truyền thống. Co-living nhận được sự yêu thích đặc biệt của dân du mục kỹ thuật số (digital nomad) – những người thường xuyên gắn với chủ nghĩa xê dịch. Trong bối cảnh các doanh nghiệp phải thu hút nhân tài xuyên biên giới do thiếu hụt lao động vì dịch bệnh, co-living có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển do nắm bắt tốt nhu cầu gia tăng về các không gian vừa ở vừa làm việc.

Các co-living thường có kết nối internet tốt hơn so với các khu tập thể hay chung cư truyền thống, khiến chúng phù hợp hơn với công việc từ xa. Bên cạnh đó, co-living cung cấp nhiều tiện ích chung như nhà bếp, phòng giải trí, và phòng tập thể thao. Trái ngược với khách sạn hoặc căn hộ cho thuê, việc giao lưu và tương tác với các cư dân sống trong cùng co-living vô cùng dễ dàng. Các nhà điều hành cũng thường tổ chức các sự kiện để khuyến khích và tạo cầu nối cho cư dân hòa nhập tốt hơn.

Ascott, một nhánh của nhà phát triển bất động sản hàng đầu Singapore là CapitaLand đặt mục tiêu mở ra 150 co-living với 30.000 căn dưới thương hiệu lyf tại châu Á vào năm 2030, một số dự án đang được phát triển tại TP. HCM và Đà Nẵng.

Kevin Goh, Giám đốc điều hành của CapitaLand Investment cho biết: “Đại dịch đã thúc đẩy một cách sống và làm việc mới. Chúng tôi nhận thấy nhiều du mục kỹ thuật số và những người đang khởi nghiệp thích làm việc từ xa, yêu cầu các trải nghiệm mới lạ và cơ hội kết nối”.

Thị trường co-living tại châu Á cũng đang thu hút sự quan tâm từ các thương hiệu bên ngoài khu vực. Hmlet, đơn vị quản lý co-living tại Singapore, đã hợp nhất với Habyt, một nhà điều hành co-living khác tại châu Âu. Hmlet hiện có hơn 1.200 đơn vị nhà theo mô hình co-living tại Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản, và đang muốn tăng gần gấp đôi con số này lên 2.300 ở châu Á - Thái Bình Dương vào cuối năm nay.

Việc nới lỏng các hạn chế đi lại xuyên biên giới gần đây cũng đem lại thuận lợi cho các công ty co-living.

Giám đốc điều hành Hmlet, Giselle Makarachvili cho biết: “Khách hàng mục tiêu của chúng tôi là những người nước ngoài không thường trú tại quốc gia sở tại. Chúng tôi vui mừng chào đón họ trở lại khi các biên giới dần mở cửa”.

Hợp đồng linh hoạt và giá cả tương đối phải chăng là một trong những yếu tố mang lại sức hút cho co-living, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Trista, một sinh viên đến từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đang ở tại một khu co-living mang thương hiệu lyf ở trung tâm Singapore trong 7 tháng qua. Việc chia sẻ một căn hộ với ba người khác giúp Trista giảm chi phí hàng tháng xuống còn 1.250 đô la Singapore (khoảng 900 đô la). Đây là một món hời đặc biệt tại một khu vực mà giá thuê đang tăng chóng mặt.

Các nhà điều hành co-living giảm thiểu chi phí thông qua các bước như xử lý thủ tục giấy tờ qua ứng dụng, thanh toán không dùng tiền mặt và dọn dẹp phòng chỉ từ ba ngày đến mỗi tuần một lần.

Bởi vì co-living không yêu cầu đặt cọc hoặc hoa hồng môi giới, trái ngược với cho thuê truyền thống, chúng là lựa chọn lưu trú tạm thời hoàn hảo cho những người mới chuyển đến một khu vực mới và vẫn chưa định cư. Chúng cũng là “thuốc thử” để xem người mới đến có phù hợp với một thành phố nào đó hay không trước khi quyết định chuyển đến sống lâu dài.

Desmond Sim, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn bất động sản Singapore Edmund Tie, cho biết sự phát triển của co-living mang dấu ấn thế hệ.

“Thế hệ mới, từ millennials trở đi, họ không thích vay thế chấp. Nhiều người sẽ được thừa kế nhà tại ngoại ô từ cha mẹ hoặc ông bà, nhưng lại chọn co-living để sống trong thành phố”.

Co-living thu hút sự quan tâm mạnh mẽ hơn vào cuối năm 2020, sau khi toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Thị trường hiện nay đang được thúc đẩy bởi hàng loạt yếu tố như làm việc từ xa, giá thuê nhà tại các thành phố lớn tăng lên, và thế hệ millennials đang không muốn bị ràng buộc cuộc sống tại một nơi cố định hoặc với khoản vay mua nhà.

Tuy nhiên, sự mới mẻ của lĩnh vực này đang làm nảy sinh một số thách thức. Trong đó, việc ký kết hợp đồng giữa nhà điều hành co-living với chủ đầu tư đôi khi khó khăn do chủ đầu tư chưa thực sự hiểu về mô hình co-living. Điều này rất khác so với mô hình khách sạn vốn đã quá quen thuộc tại châu Á.

Thêm vào đó, thị trường còn nhiều dư địa cho những người chơi mới tham gia, đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận trong tương lai có thể thấp. Nhưng ở chiều ngược lại, đây có thể là cơ hội cho nhiều người chơi muốn đi tiên phong, tích lũy kinh nghiệm cần thết, và xây dựng thương hiệu và sản phẩm của chính mình.

  • Co-living chinh phục giới trẻ châu Á

    Co-living chinh phục giới trẻ châu Á

    Co-living là một cách thức mới để chia sẻ không gian sống với những người khác. Xu hướng này đang trở nên phổ biến ở nhiều thị trường châu Á, đặc biệt là khi khả năng chi trả cho nhà ở ngày càng trở thành một mối quan tâm lớn với nhiều người trẻ.

Lam Vy (Asia Nikkei)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Bất động sản châu Á trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024

    Sau khi trải qua năm 2023 đầy thử thách với lãi suất cao, sự phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc đại lục và căng thẳng địa chính trị đè nặng lên hoạt động cho thuê và đầu tư, thị trường bất động sản Châu Á Thái Bình Dương đã sẵn sàng cho nửa cuối n...

  • Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Bất động sản châu Á đang ở đâu?

    Ngành bất động sản châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức đa dạng khi tình hình kinh tế và địa chính trị bấp bênh cũng như mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, triển vọng của thị trường này lại vượt trội so với phần còn l...

  • Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Ngành xây dựng châu Á tiếp tục gặp khó do thiếu lao động và lãi suất cao

    Theo báo cáo thị trường của công ty tư vấn xây dựng toàn cầu Linesight công bố vào ngày 21/03, tình trạng thiếu lao động lành nghề và lãi suất tăng trong thời gian dài tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của ngành xây dựng khu vực vào năm 2...

 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.