22/05/2023 7:39 AM
Tập đoàn China Evergrande Group cho biết họ đã nhận được thông báo thi hành từ tòa án liên quan đến thủ tục tố tụng trọng tài thương mại đối với đơn vị của họ và giám đốc điều hành của Trung tâm đầu tư Hexin Hengju (Thâm Quyến).

Tập đoàn bất động sản China Evergrande mới đây đã cho biết thông báo thực thi yêu cầu họ phải bồi thường khoảng 770 triệu nhân dân tệ (111,40 triệu USD) cho nguyên đơn, cùng với các khoản thanh toán bắt buộc khác.

Quá trình tố tụng liên quan đến các giao dịch được ký kết bởi nguyên đơn, đơn vị của China Evergrande là Guangzhou Kailong Real Estate và giám đốc điều hành Hui Ka Yan trong khoảng thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2020.

Theo các thỏa thuận, nguyên đơn đã bơm 5 tỷ nhân dân tệ vào Hengda Real Estate, một đơn vị khác của China Evergrande, để mua 1,6% cổ phần. Các thỏa thuận sau đó đã thất bại do một số nghĩa vụ không được thực hiện.

Thông báo của tòa án yêu cầu đơn vị Guangzhou Kailong và ông Hui Ka Yan phải trả số tiền bổ sung cho khoản cổ tức chưa thanh toán từ Hengda Real Estate cho năm 2020 là khoảng 204 triệu nhân dân tệ và bồi thường thiệt hại khoảng 51,53 triệu nhân dân tệ cho nguyên đơn.

Thông báo cũng yêu cầu ông Hui Ka Yan và công ty mua lại cổ phần tại Hengda Real Estate do nguyên đơn nắm giữ với giá 5 tỷ nhân dân tệ.

Trước đó, ngày 25/4, China Evergrande cũng cho biết đang phải đối mặt với 1.317 vụ kiện với tổng số tiền yêu cầu bồi thường khoảng 312,4 tỷ Nhân dân tệ (45,1 tỷ USD). Nhiều vụ kiện đến từ các nhà xây dựng và nhà cung cấp vật liệu yêu cầu thanh toán.

Evergrande cũng tiết lộ rằng tính đến cuối tháng 2, họ đã không thể thanh toán khoản nợ khoảng 237 tỷ Nhân dân tệ, chưa bao gồm trái phiếu trong và ngoài nước, đồng thời đã quá hạn thanh toán các thương phiếu có tổng trị giá 247,9 tỷ Nhân dân tệ. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 3, công ty đã có 154 tài sản đóng băng tài sản tại các chi nhánh địa phương.

Chiến lược tăng cường huy động vốn tích cực đã khiến Evergrande trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Trung Quốc trong những năm 2000. Tuy nhiên, tài chính của công ty dần chững lại sau khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt lĩnh vực bất động sản vào mùa hè năm 2020 bằng cách hạn chế vay ngân hàng đối với các công ty bất động sản.

Thị trường bất động sản của Trung Quốc đại lục đã phải đối mặt với thời kỳ khó khăn kể từ năm 2020 sau khi Bắc Kinh đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ”, bao gồm một loạt yêu cầu nhằm hạn chế các khoản vay rủi ro.

Không thể khai thác thêm các khoản vay, China Evergrande Group và các nhà phát triển bất động sản lớn khác đã không thanh toán được các khoản vay thông qua trái phiếu của họ. Trong đó, China Evergrande được coi là “nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới”.

Vào tháng 11/2022, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp để hỗ trợ các nhà phát triển đang gặp khó khăn bằng cách bắn “ba mũi tên” hỗ trợ chính sách, gồm tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu và huy động vốn cổ phần. Kể từ đó tới nay, thị trường bất động sản Trung Quốc cũng đang đón nhận một số tín hiệu tích cực, báo hiệu cho khả năng phục hồi trong tương lai.

Anh Nguyễn (Reuters)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.