Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nguy cơ “vỡ tiến độ”; Hé lộ các ngân hàng được hưởng lợi từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới nhất; Nhiều địa phương tại miền Trung – Tây Nguyên lên kế hoạch thu hút dòng vốn đầu tư trong năm 2024... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu nguy cơ “vỡ tiến độ”

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), công tác bàn giao mặt bằng thi công tại dự án thành phần 1 và 2 của tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang rất chậm.

Cụ thể, dự án thành phần 1 có tổng diện tích thu hồi 137,6ha (TP Biên Hòa 59,5ha, huyện Long Thành 78,1ha). Hiện, chưa bàn giao mặt bằng, mới bàn giao phạm vi đất giao thông, sông suối khoảng 7ha (đạt 5,08%) nằm rải rác không tập trung nên khó triển khai thi công.

Dự án thành phần 2 có tổng diện tích thu hồi gần 177ha. Đến nay, chỉ mới bàn giao được gần 23ha, đạt gần 13% mặt bằng để triển khai thi công. Tuy nhiên, có 7ha đất sông suối và 10ha nhận bàn giao từ dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm rải rác nhiều vị trí, chưa đủ điều kiện để triển khai thi công đồng loạt.

Hé lộ các ngân hàng được hưởng lợi từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới nhất

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7 có những thay đổi chính như giảm tỷ lệ sở hữu tại một ngân hàng (nhưng không áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài).; giảm hạn mức cấp tín dụng và do đó giảm rủi ro tập trung; kéo dài thời hạn nắm giữ Bất động sản do xử lý nợ; qui định về quyền/lợi ích khi tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Theo bộ phận nghiên cứu, phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta (Yuanta Research), các quy định sửa đổi nhằm mục đích tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng.

Theo đó, luật mới giúp giảm thiểu rủi ro tập trung/kiểm soát ngân hàng. Quy định về hạn mức cấp tín dụng sẽ tác động đến tăng trưởng tín dụng, nhưng có thể không quá lớn vì sẽ giảm theo lộ trình thay vì một lần.

Luật mới cũng qui định điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng nhận tiếp quản và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng sẽ nhận tham gia tái cơ cấu bao gồm: HDB, MBB, VCB, và VPB.

Đại lộ đẹp nhất Bạc Liêu được “giải phóng” sau 20 năm vướng 2 căn nhà

Theo UBND thành phố Bạc Liêu, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ và cam kết hoàn thành đường Võ Văn Kiệt (hay còn gọi là đường Hùng Vương) trước tết Nguyên đán 2024.

Đường Võ Văn Kiệt là đại lộ nằm ở vị trí cửa ngõ thành phố Bạc Liêu, dẫn vào trung tâm hành chính tỉnh và đi qua quảng trường Hùng Vương là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh.

Do đó, đây là tuyến đường có vai trò quan trọng với mạng lưới giao thông thành phố, đồng thời cũng là điểm nhấn tạo nên diện mạo của một thành phố năng động, hiện đại.

Để thi công tuyến đường Võ Văn Kiệt, có 62 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, suốt 20 năm, tuyến này không thể thông toàn tuyến do vướng mặt bằng 2 căn nhà của người dân. Phải mất rất nhiều năm thương lượng, đến tháng 7/2023 một trong hai hộ dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho dự án.

Nhiều địa phương tại miền Trung – Tây Nguyên lên kế hoạch thu hút dòng vốn đầu tư trong năm 2024

Ngày 19/1/2023, UBND tỉnh Kon Tum ban hành chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024. Theo đó, năm 2024 Kon Tum tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực kinh tế trong và ngoài nước đến khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường.

Năm 2024, tỉnh sẽ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đảm bảo tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển trong dài hạn. Quy hoạch xây dựng các điểm dừng chân, khu vui chơi, giải trí, kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương,..

Cũng trong ngày 19/1 vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt bổ sung thêm 3 dự án thuộc lĩnh vực văn phòng – thương mại – dịch vụ - du lịch vào danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 – 2025.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.