Hình minh họa
Một ngân hàng cho người mua nhà được vay lãi suất 7,8%/năm
Ngày 28/6, Ngân hàng BIDV phát đi thông tin cho biết, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đồng thời từng bước giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân theo định hướng của Chính phủ, từ ngày 15/06/2023, BIDV chính thức triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Theo đó, các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm.
Bất động sản dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp phá sản
Trong các báo cáo trước đây, lĩnh vực bất động sản luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2022, đặc biệt đầu năm 2023 đến nay, xu hướng này đang hoàn toàn đổi chiều.
Theo báo cáo mới nhất từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh, giải thể đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022. Bất động sản dẫn đầu trong số 17 lĩnh vực kinh tế khác về số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký mới trong nửa đầu năm 2023 cũng tụt giảm gần 60%, số vốn đăng ký giảm hơn 54% so với cùng kỳ.
Bất động sản mất vị trí thứ 2 hút vốn ngoại, chỉ đón 1,53 tỷ USD sau 6 tháng
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch đầu tư, tính đến 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) tính đến ngày 20/6 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó có 1.293 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6,49 tỷ USD, tăng 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời có 632 dự án đã cấp phép từ các năm trước, đăng ký điều chỉnh vốn với số vốn đầu tư tăng thêm 2,93 tỷ USD, giảm 57,1%.
Bên cạnh đó còn 1.594 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,01 tỷ USD, tăng 76,8%. Trong đó có 626 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,32 tỷ USD và 968 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,69 tỷ USD.
Tranh cãi việc giao dịch bất động sản qua sàn, chuyên gia xác định có thể loại bỏ cơ chế hai giá
Vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh vấn đề nên hay không bắt buộc giao dịch Bất động sản qua sàn. Trong đó, quan điểm của giới quan sát thị trường thì cho rằng đó là cơ sở để cung cấp thông tin số liệu về giá một cách chính xác nhất. Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành không bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản không bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng quy định này không phù hợp với tình hình thực tế thị trường, dẫn tới có nhiều hệ lụy như việc hình thành các dự án “ma”, chủ đầu tư lừa đảo khách hàng. Đồng thời làm giảm tính minh bạch, công khai thông tin bất động sản, đặc biệt là các bất động sản hình thành trong tương lai. Do đó, trình Quốc hội sửa Luật Kinh doanh bất động sản lần này, Chính phủ đề nghị mọi giao dịch bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai phải qua sàn.
-
Bất động sản 24h: Đề xuất xây cầu nối Biên Hòa - TP.HCM?
Bàn giao mặt bằng Vành đai 3: Hóc Môn “về đích” đầu tiên, vượt tiến độ 6 tháng; Có nên xây cầu nối Biên Hòa với quận 9, TP.HCM; 4 đại gia xây dựng liên doanh quyết đấu nhà thầu Trung Quốc, giành gói thầu sân bay Long Thành 35.000 tỷ... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.