Bàn giao mặt bằng Vành đai 3: Hóc Môn “về đích” đầu tiên, vượt tiến độ 6 tháng; Có nên xây cầu nối Biên Hòa với quận 9, TP.HCM; 4 đại gia xây dựng liên doanh quyết đấu nhà thầu Trung Quốc, giành gói thầu sân bay Long Thành 35.000 tỷ... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

Bàn giao mặt bằng Vành đai 3: Hóc Môn “về đích” đầu tiên, vượt tiến độ 6 tháng

Thông tin từ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn, đến ngày 28/6, 330 hộ gia đình, tổ chức thuộc diện di dời dự án đường Vành đai 3 đã đống ý nhận tiền bồi thương giải phóng mặt bằng cho dự án.

Với 100% diện tích (gần 90ha) được bàn giao, huyện Hóc Môn là địa phương đầu tiên của TP.HCM hoàn thành giải phóng mặt bằng cho tuyến Vành đai 3. Thành tích này vượt tiến độ đề ra trước 6 tháng (trước ngày 31/12/2023). Huyện Bình Chánh đang là địa phương đứng thứ hai về tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng với 136/145 ha, cho 199 trường hợp (đạt 94%). Huyện Củ Chi đã chi trả 57/65ha (đạt 88,5%). Cuối cùng là TP. Thủ Đức hiện đã bàn giao gần 74% mặt bằng với 73/99 ha.

Có nên xây cầu nối Biên Hòa với quận 9, TP.HCM?

TP.Biên Hòa đề xuất bổ sung vị trí xây dựng cầu đường bộ kết nối khu vực xã Long Hưng với Q.9, TP.Thủ Đức (TP.HCM) vào quy hoạch. Theo TP. Biên Hòa, khu vực xã Long Hưng đang phát triển mạnh các chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai. Để phục vụ phát triển, dự án hương lộ 2 nối dài và cầu Vàm Cái Sứt cũng đang được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên tuyến đường này kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Do đó, rất cần xây dựng cầu kết nối trực tiếp giữa khu vực Long Hưng và quận 9. Khảo sát thực tế, khu vực xã Long Hưng trong những năm gần đây đã và đang mọc lên hoàng loạt dự án bất động sản đình đám. Trong đó, có siêu dự án Aqua City với quy mô gần 1.000ha.

4 đại gia xây dựng liên doanh quyết đấu nhà thầu Trung Quốc, giành gói thầu sân bay Long Thành 35.000 tỷ

4 bên gồm Hoà Bình, Coteccons, Central Cons và An Phong đã lập liên minh các nhà thầu mang tên Hoa Lư. Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là dự án hạ tầng quan trọng của Việt Nam, nhằm giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển kết nối giao thông, thương mại, du lịch, đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới.

Dự án được thiết kế có công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm khi hoàn thành. Trong số các gói thầu của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, gói thầu số 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách" là gói thầu lớn nhất, với quy mô 35.233 tỷ đồng.

Đồng Nai muốn xây sớm cầu Cát Lái, TP.HCM nói chưa cần

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có công văn vừa gửi UBND thành phố về các phương án kết nối với tỉnh Đồng Nai. Trong đó, cơ quan này cho rằng việc xây dựng cầu Cát Lái nối TP. Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) xây dựng sau năm 2030 sẽ phù hợp. Quan điểm này trái ngược với mong muốn xây dựng cầu Cát Lái trước năm 2025 của tỉnh Đồng Nai. Theo Sở GTVT TP.HCM, khu vực dự kiến xây cầu Cát Lái hiện đang xây dựng cầu Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 với quy mô 4 làn ôtô sẽ hoàn thành năm 2026. Sau đó, dự án này dự kiến tiếp tục mở thêm 4 làn cho xe thô sơ, đáp ứng nhu cầu đi lại giữa hai địa phương.

Ngoài ra, khu vực cảng Cát Lái đang được nghiên cứu làm tuyến liên cảng nối đường Nguyễn Thị Định đến nút giao Vành đai 3 gần cảng Phú Hữu. Tuyến này dài 6 km, rộng 60 m, 12 làn xe, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2026-2030. Với những tuyến dự án đang triển khai, Sở GTVT TP.HCM cho rằng đã đảm bảo kết nối giao thông giữa hai địa phương. Do đó, dự án cầu Cát Lái xây dựng sau năm 2030 sẽ phù hợp hơn.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.