CafeLand - Không quá khi nói rằng đại dịch Covid-19 đã thay đổi cách thức hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Lý do dẫn đến điều này phần lớn là vì sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Mới đây, Bruce Roberson, trưởng bộ phận chuỗi cung ứng EMEA tại công ty bất động sản toàn cầu CBRE đã có những chia sẻ cụ thể về lĩnh vực bán lẻ. Ông thừa nhận rằng kể từ khi đại dịch bùng phát, tổng doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng từ 18% lên 36%. "Doanh số bán hàng trực tuyến trong thời kỳ đại dịch có mức tăng trưởng bằng 10 năm trước cộng lại", ông cho biết.

Những thay đổi này buộc các nhà bán lẻ phải tái cơ cấu danh mục đầu tư bất động sản của mình. “Bất động sản đóng một vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển đổi, đặc biệt là những yêu cầu về kho bãi cũng như một vài hoạt động khác”, ông Bruce khẳng định.

“Mọi doanh nghiệp bán lẻ muốn phát triển đều cần đầu tư vào kho bãi. Tuy nhiên, việc quyết định số lượng, vị trí và thời gian đòi hỏi sự tính toán và nghiên cứu cẩn thận để cân bằng với tác động tài chính xung quanh dòng tiền, lợi nhuận kinh doanh và mức độ rủi ro tài chính”.

Các nhà bán lẻ trực tuyến có thể dễ dàng để xử lý các vấn đề về kho bãi vì doanh số bán hàng tăng cao dẫn đến doanh thu cũng tăng lên, qua đó việc đầu tư cũng trở nên đơn giản hơn. Ngược lại, những nhà bán lẻ truyền thống lại gặp vô vàn khó khăn khi mạng lưới bán hàng của họ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thậm chí nhiều nơi đã buộc phải đóng cửa.

"Nếu các nhà bán lẻ truyền thống không mạnh dạn thay đổi và đầu tư, họ sẽ mất thị phần vào tay những đơn vị bán lẻ trực tuyến. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào hình thức bán lẻ truyền thống, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ gặp khó trong việc gia tăng doanh số. Chúng tôi nhận thấy gần như toàn bộ những doanh nghiệp bán lẻ không áp dụng hình thức bán hàng trực tuyến đều ghi nhận mức lợi nhuận giảm đáng kể", ông Bruce nói thêm.

Vậy đâu là yếu tố mà các doanh nghiệp nên cân nhắc khi giải quyết danh mục đầu tư bất động sản riêng lẻ? Đối với Robertson, đó là tất cả những gì đảm bảo cho một mô hình sinh lời.

Trước tiên, các doanh nghiệp cần phải có quan điểm rõ ràng về lĩnh vực logistics. “Các nhà kho phải được sử dụng một cách hiệu quả nhất”, Bruce Robertson lưu ý. Những nhà bán lẻ cũng cần hiểu rõ về nhu cầu, ở cả hiện tại và tương lai để đả bảo các kho hàng hóa sẽ được đặt đúng vị trí và sẽ hoạt động hiệu quả về sau. Ngoài ra, cần phải đánh giá lại mạng lưới hệ thống các chi nhánh của công ty, qua đó xác định rõ vị trí địa lý và đối tượng khách hàng chính sử dụng sản phẩm.

Ông Bruce Robertson cho rằng Amazon và Ocado là những doanh nghiệp đi tiên phong trong việc định hình lại ngành bán lẻ. Mức tăng doanh thu cụ thể của Amazon và Ocado sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần lượt là 40% và 27%, qua đó chứng minh rằng hệ thống của họ đang vận hành ổn định. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là hai gã khổng lồ trong ngành bán lẻ này sẽ định hình thị trường đồ ăn như thế nào?

"Thức ăn bây giờ sẽ trở thành mối quan tâm hàng đầu trên thị trường bán lẻ. Hiện tại, doanh số từ thị trường đồ ăn chiếm tới 47% tổng doanh số của lĩnh vực bán lẻ. Hàng loạt thương hiệu lớn đã đổ tiền để đầu tư cho thị trường này. Mặc dù vậy, cần dõi theo các bước đi tiếp theo của những siêu thị lớn để có được cái nhìn tổng quan hơn về thị trường đồ ăn", ông Bruce Robertson nhận xét.

Nếu đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, chắc chắn rằng các câu hỏi liên quan đến danh mục đầu tư bất động sản của các nhà bán lẻ và khả năng của họ trong việc cạnh tranh với các công ty dẫn đầu thị trường như Amazon hay Ocado sẽ ngày càng trở nên nổi bật.

Anh Nguyễn (Retailsector)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.