27/01/2021 9:10 AM
CafeLand - Chính quyền Thượng Hải, được coi là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất Trung Quốc, vừa đưa ra một số chính sách hà khắc nhất trong những năm qua để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà ở, bao gồm các quy tắc xác định quyền tài sản giữa các cặp vợ chồng đã ly hôn.

Theo thông báo của Cục Nhà ở Thượng Hải, những người đã ly hôn sẽ không còn được coi là người mua nhà lần đầu trong vòng ba năm tiếp theo, nếu họ đã sở hữu bất động sản trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, họ cần phải đặt cọc nhiều hơn để mua nhà và không được hưởng mức hỗ trợ cao hơn khi vay thế chấp như những người mua nhà lần đầu.

Động thái này nằm trong nỗ lực của chính quyền nhằm kiểm soát các cặp vợ chồng ly hôn giả trên giấy tờ - nhưng trên thực tế vẫn sống chung với nhau - để được hưởng quyền lợi khi vay thế chấp mua nhà.

Giá nhà bình quân ở Thượng Hải - trung tâm thương mại hàng đầu Trung Quốc, đã tăng 10,3% vào năm 2020, đây là tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ trung tâm đô thị lớn nào khác ở quốc gia này.

Sherril Sheng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của JLL ở Trung Quốc, cho biết: “Chính sách mới sẽ hạn chế tình trạng ly hôn giả ở Trung Quốc. Đó là một bước đi hợp lý để bịt lại các kẽ hở về luật pháp”.

Sự khan hiếm về lựa chọn đầu tư đã thúc đẩy tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc chuyển hướng sang các kế hoạch làm giàu nhanh chóng và khác thường, từ đầu tư vào trà Phổ Nhĩ đến việc dùng tiền tiết kiệm đầu tư vào các tài sản cố định. Theo Savills, doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc tăng 21% vào năm 2020 lên mức cao nhất trong vòng 4 năm là 9,2 triệu mét vuông, trong khi giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng 82,7%.

Trong các vụ ly hôn giả, người vợ hoặc chồng bị ghẻ lạnh thường đòi quyền sở hữu căn nhà, nên người còn lại sẽ đủ điều kiện được hưởng mức trợ cấp vay mua nhà như lần đầu tiên. Người mua nhà lần đầu được vay thế chấp tới 65% giá trị bất động sản, trong khi lần thứ hai chỉ được vay 50% và lần thứ ba thì không được vay. Lệnh hạn chế tương tự cũng được thông báo vào tháng 7/2020 tại Thâm Quyến - siêu đô thị công nghệ ở miền nam Trung Quốc.

Sheng nói: “Thượng Hải không phải là thành phố đầu tiên bịt lỗ hổng về mặt pháp lý đối với các vụ ly hôn giả nhằm mục đích mua nhà, và đây sẽ không phải là thành phố cuối cùng. Theo quy tắc của khu vực kinh tế đặc biệt này, chính quyền địa phương có thể thắt chặt chính sách để ổn định kỳ vọng trước các nguy cơ tăng trưởng quá nóng”.

Chính sách hạn chế mới này được công bố vào ngày 21/01, được tăng cường bằng nhiều biện pháp khác để ngăn chặn đầu cơ bất động sản. Theo đó, mức thuế giá trị gia tăng 5,3% áp dụng đối với việc bán nhà sẽ bị tính trong thời gian sở hữu 5 năm kể từ ngày mua, thay vì 2 năm như trước.

Tuy nhiên, các biện pháp này có thể không ngăn được đà phát triển của thị trường nhà ở Thượng Hải, nơi giá căn nhà mới bình quân tăng 3,2% trong năm 2020 lên 55.739 Nhân dân tệ/mét vuông, trong khi bất động sản đã qua sử dụng tăng 10,3% lên 42.400 Nhân dân tệ/mét vuông.

Trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills Trung Quốc, James Macdonald, cho biết: “Chính sách này có thể không tác động đáng kể đến tổng thể thị trường. Nó được thiết kế để bịt các lỗ hổng pháp lý đã có, đồng thời không làm hạn chế nhu cầu từ những người mua nhà thực sự”.

Lam Vy (SMCP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.