09/03/2021 7:05 AM
CafeLand - Năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp du lịch và bất động sản. Bước vào năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh để ứng phó với dịch Covid-19. Chia sẻ với CafeLand, ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Apec Group, Tổng giám đốc CTCP IDJ Việt Nam, cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để thích nghi với tình hình chung.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Apec Group, Tổng giám đốc CTCP IDJ Việt Nam.

CafeLand: Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà tập đoàn đã gặp phải trong năm qua cũng như kinh nghiệm ứng phó, vượt qua dịch bệnh?

Ông Nguyễn Quang Huy: Có thể nói, đại dịch Covid-19 là một thử thách lớn đối với các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là du lịch và bất động sản. Khách du lịch vắng bóng, nhiều phân khúc đóng băng, tê liệt. Có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng, ngày nào còn chưa kiểm soát được dịch thì ngày ấy các doanh nghiệp vẫn phải hết sức thận trọng, luôn sẵn sàng để xoay chuyển, thích ứng với mọi tình huống.

Thời điểm giãn cách xã hội, các sự kiện bán hàng của chúng tôi đều phải hủy hết để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Hoạt động bán hàng gần như chỉ cầm chừng, doanh số sụt giảm. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, chúng tôi nhận định đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo và phụng sự xã hội.

Trên tinh thần sẻ chia, cho đi là nhận lại, chúng tôi đã sáng lập ra Siêu thị Hạnh phúc 0đ và mở rộng mạng lưới lên tới 22 siêu thị tại 18 tỉnh thành để hỗ trợ cho bà con gặp khó khăn vì đại dịch.

Song song với các hoạt động thiện nguyện, chúng tôi cũng tập trung nâng cao năng lực quản lý vận hành, chú trọng đào tạo nội bộ, tập trung xây dựng thương hiệu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn bao giờ hết.

Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện phương án tinh giản nhân sự, cắt giảm những chi phí không cần thiết. Với APEC Group thì sao?

APEC đã xây dựng được đội ngũ nhân sự sáng tạo bên trong để tạo ra năng lực triển khai nhanh, mạnh mẽ và luôn đưa ra các sản phẩm đột phá trên thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng một hệ thống bán hàng chuyên nghiệp với sự phối hợp nhịp nhàng giữa đội ngũ kinh doanh trực thuộc của công ty và các đại lý bán hàng uy tín. Do vậy, ngay khi Việt Nam kiểm soát được dịch, hoạt động bán hàng của APEC được tái khởi động nhanh chóng.

Chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ thị trường, đưa ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu và nhu cầu của nhiều tầng lớp khách hàng. Các nhà thầu tư vấn giám sát dự án, các nhà thầu thi công hay các đơn vị vận hành đều được lựa chọn cẩn thận và đều là các thương hiệu lớn, có năng lực trên thị trường.

Các thương hiệu có thể kể đến như Kume, Zoo, Kaze, HBA… Họ đều là các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế, hay các nhà thầu uy tín như Ricons, Vinaconex, Delta, hay đơn vị vận hành Wyndham…

Nhờ vậy, trong đợt dịch năm 2020, các công trường của APEC vẫn hoạt động miệt mài 3 ca/ngày, vừa đảm bảo công tác chống dịch, vừa đảm bảo đúng tiến độ cam kết với khách hàng.

Kết quả này cũng là nhờ việc APEC quản trị tài chính tốt. Thông thường các công ty bất động sản sẽ có tỷ lệ vay nợ rất cao, nhưng APEC luôn duy trì tỷ lệ nợ vay các tổ chức tín dụng rất thấp bằng cách vận dụng linh hoạt nguồn tài chính trả trước từ khách hàng, nguồn tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư, phát hành trái phiếu cho các tổ chức cá nhân với lãi suất hấp dẫn, thanh toán linh hoạt hay phát hành tăng vốn cho cổ đông.

Đơn cử như mới đây, Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (HNX: IDJ), một công ty thành viên của tập đoàn, đã phát hành tăng vốn thành công từ 326 tỉ lên 652 tỉ đồng và hiện đang là cổ phiếu tăng trưởng được nhiều nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn.

Trong thời gian tới, Công ty CP Chứng khoán APEC cũng sẽ tiếp tục phát hành khối lượng trái phiếu hàng nghìn tỉ đồng cho các đơn vị thành viên trong tập đoàn và đối tác của APEC, đáp ứng nhu cầu vốn hoạt động kinh doanh, đảm bảo tiến độ các dự án.

Công ty đã có kế hoạch phát triển như thế nào trong năm 2021 và đã chuẩn bị những kịch bản gì để ứng phó với tình hình dịch bệnh của năm nay?

Có lẽ chúng ta sẽ phải sống chung với đại dịch ít nhất 5-7 năm nữa. APEC sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để thích nghi với tình hình chung.

Chúng tôi sẽ tập trung làm tốt công tác kế hoạch hoạt động, kinh doanh của từng khối, bộ phận, của các công ty thành viên, tập đoàn; xây dựng các kịch bản tốt nhưng vẫn thận trọng, dự phòng nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại.

Đồng thời, chúng tôi cũng thúc đẩy việc truyền thông bán hàng trực tuyến về các sản phẩm tài chính, bất động sản, gói kỳ nghỉ để không bị phụ thuộc vào các sự kiện mở bán trực tiếp song song với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong nội bộ tập đoàn, quá trình làm việc với đối tác, khách hàng để không xảy ra các sự cố đáng tiếc

APEC cũng chú trọng đẩy mạnh phát hành trái phiếu, cổ phiếu từ các thành viên trong tập đoàn, huy động các nguồn vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư để chủ động tài chính, đưa ra các chính sách thanh toán linh hoạt để hỗ trợ khách hàng khó khăn về tài chính trong mùa dịch.

Công ty CP Chứng khoán APEC sẽ chuyển đổi theo hướng là công ty chứng khoán số tốt nhất thị trường, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào các hoạt động quản trị: phần mềm quản trị khách sạn, kế toán, kinh doanh, xây dựng...

Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng đội ngũ sáng tạo chủ chốt của công ty, từ thiết kế quy hoạch, thiết kế sản phẩm đến marketing chiến lược, công nghệ thông tin để nâng cao hàm lượng chất xám trong mỗi sảm phẩm. Chúng tôi cũng tập trung phát triển các quỹ đất đô thị, nghỉ dưỡng, công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, vị trí chiến lược, thanh khoản nhanh thông qua M&A, hợp tác đầu tư.

Bên cạnh đó, công tác thiện nguyện của tập đoàn cũng được phát triển sâu, rộng hơn, bởi triết lý kinh doanh của APEC chính là “phụng sự xã hội”. Chúng tôi tin tưởng chỉ có cho đi mới mang lại niềm tin, hạnh phúc cho cán bộ nhân viên, cho khách hàng, đối tác. Đây cũng là động lực sáng tạo để APEC quyết tâm làm việc, vượt qua đại dịch và hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2021 của tập đoàn.

Xin cảm ơn ông!

  • Covid-19 bóp nghẹt dòng tiền nuôi bất động sản

    Covid-19 bóp nghẹt dòng tiền nuôi bất động sản

    CafeLand - Cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 căng thẳng trở lại khi xuất hiện những ổ dịch mới tại Hải Dương, Quảng Ninh. Sau một năm chống đỡ với dịch bệnh, thông tin này một lần nữa gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.