TS. Võ Trí Thành cho rằng, đồng USD tăng cao sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam theo nhiều chiều cạnh, trong đó có doanh nghiệp. Do vậy, lãi suất cho vay cần phải giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn vẫn đang đánh giá là cao.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết lần đầu tiên trong 12 năm, 1 Euro bằng 1 USD. Việc đồng USD lên giá không phải là điều quá bất ngờ và đã được dự liệu từ trước khi Mỹ ngừng nới lỏng gói định lượng QE3 từ tháng 10/2014 do nền kinh tế này đã tăng trưởng trở lại, thất nghiệp thấp nhất trong 6 năm qua (tính từ khủng hoảng). Bên cạnh tăng trưởng, Mỹ cũng đang xem xét tăng nhẹ lãi suất vào nửa cuối năm nay.

“Nền kinh tế tăng trưởng tốt lên sẽ làm môi trường đầu tư của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, dòng vốn vào Mỹ sẽ tăng lên. Từ đó, nhu cầu đồng USD cũng sẽ tăng theo. Đây sẽ là yếu tố tác động tới việc USD tăng giá thêm nữa. Điều này sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam theo nhiều chiều cạnh”, TS. Võ Trí Thành nhận định.

TS. Võ Trí Thành

Ông có thể nói rõ hơn những tác động bất lợi tới nền kinh tế Việt Nam do sự lên giá của đồng USD?

Khi đồng USD tăng giá, trong khi hiện Việt Nam đang neo tỷ giá vào USD với độ linh hoạt là 2% (vài năm trở lại đây) vẫn chưa đủ cao. Do vậy, sự tăng lên của đồng USD sẽ làm cho VND có nguy cơ lên giá so với nhiều đồng tiền của các nước đang là đối tác thương mại (những đồng tiền này đang có xu hướng giảm giá so với đồng VND) làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong chừng mức nào đấy, nó sẽ khuyến khích nhập khẩu. Tất nhiên, mức tác động này lớn thế nào còn phụ thuộc vào mức điều chỉnh tỷ giá (nếu có) và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị xuất nhập khẩu, trung gian đầu vào.

Đồng USD tăng giá cũng sẽ tác động tới dòng vốn vào Việt Nam. Bên cạnh sự cạnh tranh về môi trường đầu tư, mức độ thông thoáng của thể chế, mức độ mở cửa thì dòng vốn cũng có tính lựa chọn hơn. Ví dụ như dòng vốn đang có xu hướng quay lại và đổ vào nước Mỹ. Như vậy, nó có phần tăng thêm sức cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp…

Du lịch cũng sẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng từ việc tăng giá đồng USD. Rất nhiều nước có tiền bị mất giá lớn hơn so với đồng VND, nên việc du lịch sang Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Trường hợp rõ nhất là đồng Rúp của Nga thời gian vừa qua mất giá rất mạnh. Từ mức 30 Rúp ăn 1 USD, giờ lên 55 - 60 Rúp ăn 1 USD. Điều này sẽ ảnh hướng tới dòng khách du lịch từ Nga sang Việt Nam.

Vậy Việt Nam cần phải làm những gì để giảm thiểu những tác động từ việc lên giá của đồng USD?

Trong bối cảnh này, để hấp dẫn du lịch, đầu tư thì mình phải dùng đến phương thức khác để thay cho phương thức điều chỉnh tỷ giá. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải thay đổi thể chế, tìm kiếm thị trường, làm cho quá trình kinh doanh của Việt Nam trở nên minh bạch, bình đẳng và tận dụng cơ hội để trong năm nay ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do.

Một yếu tố rất quan trọng đó là cần phải xem xét để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản xuất hàng xuất khẩu, xem xét ở các lĩnh vực khác nhau tùy thuộc vào mức độ tham gia vào mạng và chuỗi sản xuất. Mỗi lĩnh vực có sự tác động khác nhau và chúng ta có sự hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Đối với chính sách tiền tệ thì vẫn phải nỗ lực giữ vững thành quả và cải thiện tiếp thành quả ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải có những xem xét, cân nhắc để có chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt hơn để phần nào giảm bớt khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng chưa cần thiết.

Thực tế việc tăng giá đồng USD đang tạo sức ép lên tỷ giá. Liệu chính sách tỷ giá năm nay có tính đến tình huống sẽ điều chỉnh vượt “quota” mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hồi đầu năm?

Vài năm trở lại đây, việc Ngân hàng Nhà nước bình ổn tỷ giá ở mức điều chỉnh 2% đã góp phần tích cực trong việc ổn định giá trị tiền VND, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, trước sức ép của đồng USD tăng giá thì chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá đang gặp khó khăn nhất định. Một mặt vừa phải duy trì sự ổn định, củng cố lòng tin đối với tiền VND. Mà niềm tin vào VND phụ thuộc vào hai yếu tố rất quan trọng là lạm phát và giảm tiếp lãi suất.

Năm nay vẫn có những thách thức như tăng giá dầu, giá điện, dịch vụ khác, nhưng nhìn chung có nhiều điều kiện để giữ lạm phát thấp, khoảng dưới mức 5%. Rất nhiều dự báo cho thấy lạm phát năm nay của Việt Nam trên dưới 4%. Như vậy, đây là yếu tố tốt để linh hoạt chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.

Tuy nhiên, một mặt chúng ta lại muốn giảm tiếp lãi suất tiền VND. Nhưng việc giảm tiếp lãi suất tiền VND thì không chỉ phụ thuộc vào lạm phát mà còn phụ thuộc vào sự tương quan giữa lãi suất tiền VND và đồng USD và mức độ mất giá của VND so với USD.

Mấy năm trở lại đây chúng ta chỉ điều chỉnh 2% tùy không đủ linh hoạt nhưng nó lại đảm bảo được nguyên tắc giữ tiền VND có lợi hơn giữ đồng USD, bởi lãi suất tiền VND cao hơn nhiều so với đồng USD cộng với mức độ mất giá cao nhất là 2%.

Trước sức ép vừa lãi suất tiền VND, trong khi đồng USD tăng giá thì để giữ được sự cân bằng theo nghĩa có lợi cho tiền VND là khó khăn hơn. Lạm phát thì có lợi nhưng việc giảm lãi suất được nhiều thì không đơn giản. Cộng với đó là tính linh hoạt cho tiền VND cũng khó khăn. Đó là chưa nói Ngân hàng Nhà nước đã có những cam kết và nếu thay đổi mức điều chỉnh quá 2% thì lòng tin của thị trường đối với tiền VND cũng không thật tốt.

Như vậy, mình cần phải có một cái nhìn dài hơi hơn đối với chính sách tỷ giá. Gắn liền với đó là chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất và việc cải tổ lại hệ thống ngân hàng để chính sách tỷ giá trung và dài hạn sẽ có sự linh hoạt hơn. Để có được yếu tố đó thì cần phải gắn với sự minh bạch thị trường, những dữ liệu thông tin khác.

Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đã dùng 1% rồi và có thể sử dụng phần còn lại nhưng vẫn đúng nguyên tắc minh bạch, đầy đủ thông tin với thị trường gắn với đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Trong chừng mực như vậy, nếu cần, chúng ta có thể sử dụng mức độ linh hoạt hơn chút ít.

Ông có nói đến việc giảm lãi suất là rất khó khăn. Vậy kỳ vọng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vĩ mô có thể thực hiện được không?

Theo tôi thì không còn nhiều. Nhìn vào lạm phát, kỳ vọng hiện nay là 4%, trong khi trần lãi suất là 5,5%. Vì là “trần” nên các ngân hàng hoàn toàn có thể linh hoạt điều chỉnh lãi suất theo điều kiện thị trường. Trên thực tế, hiện cũng có một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động, nhưng để giảm nhiều là rất khó.

Thứ nhất là sự tương quan giữa lãi suất tiền VND và USD, áp lực thay đổi tỷ giá.

Thứ hai với kỳ vọng lạm phát chỉ 4% thì lãi suất có thể giảm thêm chút nữa nhưng hiện nay hệ thống ngân hàng đang hoạt động dựa vào tiền gửi. Cho nên điều chỉnh lãi suất còn phải tính đến sự dịch chuyển của dòng tiền và lợi tức có thể mang lại được nếu họ chuyển tiền ấy sang tài sản khác như bất động sản, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, USD.

Một vấn đề quan trọng hiện nay đó là làm sao cho tín dụng thông thoáng hơn. Điều kiện tiên quyết cho vấn đề này là sự phục hồi của nền kinh tế và hạ được lãi suất cho vay trung và dài hạn. Hiện lãi suất cho vay trung và dài hạn khá cao ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!
Minh Huệ (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.