CafeLand - Khi được hỏi làm thế nào để tối đa hoá lợi ích hội nhập qua các FTA, tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đầy bất định và có nguy cơ suy thoái, khủng hoảng vào năm 2020-2021, Việt Nam cần trả lời cho được câu hỏi: 20 năm tới cái gì là xu thế và trong xu thế ấy nội hàm nào đang thay đổi?

Tham gia hội thảo “Thuận lợi và khó khăn với Việt Nam thực hiện hiệp định CPTPP trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung”, do Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Thành cho rằng việc để nền kinh tế ngày càng mở hơn mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức đang chờ đón Việt Nam.

Bản chất của Việt Nam khi tham gia hội nhập là làm sao cố gắng mang lại cơ hội mới cho người dân làm ăn và nâng cao năng lực cạnh tranh. “Giống như hai cánh của một con chim, muốn nâng nó bay thì cần cải cách cả trong nước và hội nhập. Việc hội nhập sẽ thay đổi toàn bộ tư duy người Việt”, ông Thành nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Theo ông Thành, Việt Nam có ưu điểm là cái gì cũng tham gia, cũng “dám chơi”. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xác định một nền tảng để suy nghĩ và hiểu về các hiệp định như WTO hay CPTPP. “Muốn đi xa hơn, mở rộng hơn thì phải hiểu rất rõ luật chơi, cách chơi của các trò chơi mà chúng ta tham gia, để bắt tay được với cả thế giới”, ông Thành chia sẻ.

Theo đó, Việt Nam cần xác định trọng điểm khi tham gia thị trường thế giới. Hiện nay hai trọng điểm mà Việt Nam hướng tới cũng là những thị trường năng động nhất, những đối tác quan trọng nhất là ASEAN, Châu Á Thái bình dương, châu Âu,…Việt Nam không chỉ chơi với các đối tác bằng luật, mà còn là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Phân tích về những tác động của các FTA với Việt Nam, ông Thành cho rằng, nó không chỉ là tác động tích cực tới GDP hay xuất khẩu, mà còn là cơ hội kinh doanh, là thu hút đầu tư nước ngoài.

Lấy một ví dụ đơn giản, ông Thành hỏi một doanh nghiệp nấu ăn cho Samsung rằng họ có phải doanh nghiệp xuất khẩu?. Câu trả lời là không, vì họ không xuất khẩu cái gì ra nước ngoài cả. Tuy nhiên, theo ông Thành đó cũng là một cách xuất khẩu, bởi họ bán hàng cho doanh nghiệp nước ngoài. “Đó là xuất khẩu dịch vụ. Hay nói cách khác không chỉ sản xuất đem lại USD mới là xuất khẩu”, ông Thành nói.

Về cơ hội thu hút đầu tư, các FTA mang cho chúng ta cơ hội chơi với cả thế giới, xuất khẩu sang châu Âu, Nga… đều thuận lợi hơn. Vì thế các nhà đầu tư sẽ muốn sang Việt Nam để hưởng những ưu đãi từ các FTA này mang lại.

Ông Thành chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đang chuyển dịch xu hướng thu hút đầu tư từ số lượng sang chất lượng. “CPTPP sẽ đem lại cơ hội cho chúng ta cải cách thể chế với vai trò là một hiệp định thương mại chất lượng cao gắn với công nghệ nguồn, chú trọng tính lan toả, xanh và bền vững”. Ngoài ra các FTA mang lại cơ hội tái cấu trúc nền kinh tế, giúp đa dạng hoá thị trường.

Tuy nhiên, ông Thành lưu ý, cuộc chơi nào cũng cần có phí tổn và rủi ro. Đó cũng là lý do tại sao hiện nay ít doanh nghiệp tận dụng được CPTPP. “Doanh nghiệp muốn có lợi cũng rất mệt vì phải tuân thủ, mà chi phí tuân chủ cho cả Nhà nước và doanh nghiệp là không nhỏ. Cùng với đó là độ mở của nền kinh tế ngày càng lớn, sẽ càng dễ bị tổn thương hơn”, ông Thành phát biểu.

Nguy cơ khủng hoảng

Không thể phủ nhận các FTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng thế giới đang trong bối cảnh đầy trắc trở và biến động. Đó là tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc; một số nước OECD có dấu hiệu suy thoái; tăng trưởng thương mại giảm tốc, có thể thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

“Thế giới ngày càng đối diện với bất định cao, rủi ro lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Điều chỉnh, thay đổi chính sách tiền tệ của các nước lớn, chính sách tiền tệ của FED chưa kịp bình thường đã bắt đầu nới lỏng; biến động giá hàng hoá cơ bản…”, ông Thành phân tích.

Riêng về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Thành cho rằng đây mới chỉ là một biểu hiện của rất nhiều những cuộc chiến đằng sau và tác động của nó là đa chiều, khó đoán định.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở nên khó đoán định và nguy cơ khủng hoảng kinh tế thế giới

“Điều này có tác động lớn tới sự dịch chuyển thương mại, đầu tư. Ban đầu, các tác động có vẻ có lợi cho Việt Nam, nhưng nếu nhìn tổng thể, dài hạn lại có tác động bất lợi với cả Việt Nam khi tăng trưởng của nhiều ngành hàng đều đang chững lại. Các nhà đầu tư e ngại làm tăng trưởng thế giới chậm lại”, ông Thành chia sẻ.

Với những bất ổn trên, theo ông Thành, nguy cơ suy thoái, khủng hoảng kinh tế vào năm 2020-2021 là rất cao. Cuộc khủng hoảng sẽ đến từ bong bóng tài chính; chính sách tiền tệ được nới lỏng; lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn quá thấp; nợ công ở nhiều nước quá cao.

Để giải quyết bài toán trên, ông Thành đề xuất: Việt Nam trước tiên cần phải nhận cho ra 20 năm tới cái gì là xu thế và trong xu thế ấy nội hàm nào đang thay đổi?

Theo ông Thành, đó có thể là cách mạng tiêu dùng xanh sạch đẹp, đô thị hoá, cách mạng công nghệ số. Đó là cả cách thể chế, là minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện hình ảnh của chính phủ, cách ứng xử của nhà nước, tăng cường khả năng chống chịu.

“Đây là thời điểm quan trọng để giữ thân con chim cho vững chãi thì đôi cánh của nó mới có chỗ bám đậu, để cất cánh”, ông Thành ví von.

Với các doanh nghiệp muốn tận dụng các cơ hội từ CPTPP, ông Thành khuyến nghị cần biết coi cuộc chơi ấy là cái “nghiệp” để theo tới cùng. Doanh nghiệp phải biết kiếm nhặt cơ hội, học kết nối, học huy động vốn, học đồng hành cùng chính phủ một cách đàng hoàng và minh bạch. Cùng với đó là học cách đối thoại pháp lý, quản trị rủi ro, quản trị cả những bất định.

“Chúng ta cần hiểu rằng, FTA là chơi với cả thế giới, nhưng cuộc chơi nào cũng có hai mặt, có cái lợi và có cả chi phí phải bỏ ra. Vì thế, chúng ta phải thay đổi, phải biết bỏ ra ít phí để học thay bằng bị phạt rồi qua đó rút ra bài học thì sẽ rất tốn kém”, ông Thành nhấn mạnh.

  • Hơn 4 tỷ USD vốn FDI vào TP.HCM

    Hơn 4 tỷ USD vốn FDI vào TP.HCM

    CafeLand - Từ đầu năm đến nay TP.HCM đã thu hút được 4,19 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.