CafeLand - Năm 2017, được xem là năm thành công của kinh tế Việt Nam khi 13 chỉ tiêu kinh tế Quốc hội giao Chính phủ thực hiện đều đạt hoặc vượt. Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản cũng khởi sắc trở lại. Việt Nam cũng thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp rất lớn. Trong bối cảnh đó, “không khí” lạc quan về nền kinh tế đang bao trùm.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm nhìn nhận khá thận trọng về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam. CafeLand đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng về những vấn đề kinh tế của Việt Nam.

Tăng trưởng vượt kỳ vọng

Kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, ông đánh giá như thế nào kết quả khả quan này?

Năm 2017 có thể xem là năm thành công của kinh tế Việt Nam khi cả 13 chỉ tiêu kinh tế Quốc hội giao cho Chính phủ đều đạt hoặc vượt. Trong đó, nhìn vào số liệu quan trọng nhất là GDP đã tăng tới 6,81%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhìn vào những chỉ tiêu khác có nhiều tín hiệu tích cực và là những điểm sáng của nền kinh tế.

Trong một báo cáo mới đây, dự báo tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu trung bình tăng khoảng 5%, trong khi đó vốn này đầu tư vào Việt Nam tăng trên 10%. Tương tự như vậy, ở lĩnh vực xuất khẩu, đầu năm không ai nghĩ Việt Nam có thể tăng trưởng trên 10% nhưng đến cuối năm tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đều trên 21%. Con số này cao hơn gấp 4 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu. Năm 2017, chúng ta cũng chứng kiến sự ổn định của kinh tế vĩ mô khi tỷ giá không có nhiều biến động và lạm phát ở mức khá thấp.

Quả thật khi nhìn vào các số liệu trên thì kinh tế Việt Nam trong năm 2017 có những thành công rất lớn. Tuy nhiên, đây có phải là sự thành công mỹ mãn hay không lại là vấn đề khác. Tôi lạc quan về kết quả này nhưng mà lạc quan trong thận trọng. Kinh nghiệm cho thấy, khi nhiều người lạc quan quá mức thì ngay sau đó là nền kinh tế thường đi xuống. Nhìn vào quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quá khứ ta thấy năm 1997 tăng trưởng 9,2-9,3%  và ngay sau đó là nền kinh tế tụt dốc. Một ví dụ nữa là cách đây 10 năm, tức năm 2006-2007 khi chúng ta gia nhập WTO, tăng trưởng nền kinh tế khoảng 8,5% nhưng sau có xuất hiện một cuộc khủng hoảng.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến kinh tế năm 2017 có sự tăng trưởng đột biến?

Bản thân tôi cũng có nhiều băn khoăn về những con số này. Nhưng cũng giống như nhiều nhà kinh tế khác, tôi không có cơ sở nào để khẳng định hay phủ định số liệu này. Nhìn vào số liệu thì đóng góp lớn nhất cho mức tăng trưởng của nền kinh tế năm 2017 đến từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Lĩnh vực này năm nay đã tăng trưởng tới 14,4% và đóng góp tới 2,5 điểm phần trăm cho tăng trưởng GDP, cao hơn so với năm trước khoảng 0,5 đến 0,6 điểm phần trăm. Mức độ đóng góp đủ giải thích cho tốc độ tăng trưởng vượt trội của GDP năm nay thay vì 6,3% mà lên tới 6,81%.

Thực tế, chúng ta nhìn vào các khu vực khác của nền kinh tế như nông nghiệp, xây dựng cơ bản, dịch vụ thì không có nhiều đột biến. Nếu nhìn sâu vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến thì có một cuộc “đua nước rút” trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể hơn, có 2 doanh nghiệp FDI lớn đã đóng góp phần lớn cho mức tăng này là Samsung và Formosa.

Thận trọng trong trung và dài hạn

Vậy xét về ngắn hạn, kinh tế Việt Nam đã khá tích cực. Ông đánh giá thế nào về triển vọng trong trung và dài hạn?

Nếu nhìn ở ngắn hạn thì rõ ràng chúng ta đạt được thành công rồi. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, mức tăng trưởng cao này không nhờ vào sự thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế mà chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố có tính ngắn hạn. Trong thi đấu thể thao, con người muốn dành được thành tích cao hơn thì phải có một chế độ tập luyện nghiêm ngặt, phải có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi. Đối với nền kinh tế cũng vậy, nếu luôn luôn phải “gồng mình” để đạt mục tiêu tăng trưởng vượt tiềm năng, tức luôn cố gắng quá sức thì nền kinh tế sẽ không có đủ thời gian và đủ ưu tiên để quay ngược trở lại sửa chữa những khiếm khuyết, thay đổi cơ cấu để đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong tương lai.

Từ lúc đổi mới năm 1986 đến nay, có một sự trùng lặp là đến những năm có số 9 như năm 1979, 1989, 1999 và 2009 kinh tế đều tăng trưởng chậm lại. Số liệu này cũng cho thấy, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng mà thời gian duy trì tốc đó lại rất ngắn. Điều này khác hoàn toàn so với các nước châu Á ví dụ như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Singapore. Đó là những quốc gia và vùng lãnh thổ có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời gian rất dài, khoảng 20-30 năm. Trong khi đó Việt Nam chỉ được 2-3 năm là đi xuống.

Các số liệu quá khứ cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Việt Nam hiện khoảng 6,5%. Như vậy, nếu chúng ta cố đẩy mức tăng trưởng lên đến 6,7-6,8% thì rõ ràng nền kinh tế đang gặp rủi ro. Điều này cũng đã được minh chứng rõ ràng trong thời gian qua khi mức tăng trưởng vượt tiềm năng thì đều suy giảm trở lại. Thời gian tới nếu cố gắng tăng trưởng cao mà không đi kèm thay đổi về mặt cơ cấu thì nhiều khả năng sẽ gặp rủi ro.

Yếu tố nào gây nên rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam trong trung hạn, thưa ông?

Hiện nay, Việt Nam đang đối phó với nhiều thách thức, lớn nhất về trung hạn là không gian tài khóa bị thu hẹp. Cụ thể, thu ngân sách hiện nay chỉ đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Mặt khác, chi thường xuyên chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong chi ngân sách. Năm 2009 tỷ lệ chi thường xuyên chiếm 49,3% nhưng đến năm 2015 con số này lên đến 60% và trong năm 2017 đã lên tới hơn 70%. Hiện nay, tỷ lệ chi thường xuyên so với chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách tăng từ mức 2 lần năm 2009, lên mức hơn 3,3 lần năm 2017.

Việc không gian tài khóa thu hẹp không chỉ làm nợ công tăng là yếu tố gây nên rủi ro tài chính mà còn dẫn tới những hệ quả khác từ việc các chính sách thay đổi nhằm đối phó với việc thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, các rủi ro khác như nợ xấu, sự ổn định của hệ thống ngân hàng hay hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công cũng là những vấn để không thể bỏ qua.

Ông có thể phân tích thêm về những hệ quả của việc không gian tài khóa bị thu hẹp?

Trong các hệ quả, có 3 hệ quả lớn nhất tác động không tốt đến nền kinh tế có thể kể ra là:

Thứ nhất, việc tài khóa thu hẹp làm nguồn vốn cho đầu tư phát triển giảm. Số liệu trên cho thấy tỷ lệ đầu tư so với tổng chi tiêu ngân sách ngày càng giảm. Như vậy, Việt Nam thiếu nguồn tiền cho đầu tư cơ sở hạ tầng hay thực hiện các chính sách hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế.

Thứ hai, trước việc thâm hụt ngân sách Chính phủ buộc phải thực hiện các chính sách để giảm bội chi như việc tăng thuế, tăng phí… Mới đây Bộ Tài chính đề xuất tăng các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ lên 6%, mặt hàng đang chịu thuế 10% lên 12% và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng như nước ngọt. Về nguyên lý kinh tế, việc tăng thuế này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nền kinh tế.

Thứ 3, sự thay đổi trong việc phân bổ ngân sách. Việc tận thu ngân sách từ những địa phương phát triển có thể làm cho nguồn lực bị phân bổ kém hiệu quả. Chẳng hạn, việc giảm tỷ lệ được giữ lại ngân sách của TP.HCM, một thành phố đầu tàu kinh tế cả nước, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thành phố nói riêng và cả nền kinh tế nền kinh tế nói chung.

Làm sao vượt qua được bẫy thu nhập trung bình?

Dù về mặt trung hạn chúng ta đang khá thận trọng, nhưng trên thực tế Việt Nam cũng đạt được khá nhiều thành tích cao trong tăng trưởng. Theo ông, đâu là mấu chốt tạo nên thành tích đó?

Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam đạt được thành tích khá tốt trong thời gia qua nhờ vào cải cách kinh tế trong nước và các chính sách hội nhập. Tôi thường ví 2 chính sách này như là một đôi cánh giúp Việt Nam bay lên trong thời gian qua.

Về cải cách, Việt Nam chuyển đổi từ một nền kinh tế bao cấp sang một nền kinh tế thị trường. Do vậy, các nguồn lực được giải phóng giống như một lò xo bị nén lâu ngày làm kinh tế Việt Nam bật cao như tiềm năng vốn có của nó. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp kinh tế Việt Nam vươn lên phía trước.

Chính sách hội nhập quốc tế giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Hiện nay, chúng ta tham gia gần như tất cả các hiệp định kinh tế tự do quan trọng trên thế giới. Nhờ đó, Việt Nam là nền kinh tế cực kỳ mở, thể hiện qua tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP rất cao.

Việt Nam cũng đã thu hút được một lượng vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Số liệu năm 2017 cho thấy, FDI chiếm khoảng 24% trong tổng đầu tư trong nền kinh tế và 8% so với GDP. Trong những năm qua, tăng trưởng vốn FDI hàng năm cũng ở mức rất cao. Chúng ta là một trong những nước có độ mở cao nhất, chỉ sau Singapore.

Liệu những yếu tố trên tiếp tục sẽ mang lại thành công lớn cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới hay không, thưa ông?

Để tăng trưởng cao trong dài hạn, Việt Nam cần phải cải cách sâu rộng hơn nữa để nâng cao chất lượng thể chế. Trước đây, cải cách mới chỉ mang tính “cởi trói”, do đó ngày nay phải mang tính chất hội nhập và sửa chữa các khiếm khuyết của nền kinh tế, tận dụng tốt cơ hội, thậm chí đón đầu những xu hướng chung của thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy, chất lượng chung của quản trị quốc gia và mức sống của người dân có độ tương quan chặt chẽ. Nói cách khác, để có được một nền kinh tế phát triển tốt thì chất lượng quản trị quốc gia cũng phải cao. Tôi cho rằng quá trình cải cách của Việt Nam đang có sự dùng dằng, khiến chúng ta ở mức trung bình của sự phát triển.

Chẳng hạn, cái mà thế giới nhìn vào là những biểu hiện công nghệ phát triển hiện đại thì chúng ta ứng xử với nó rất hời hợt. Chỉ số năng lực sáng tạo của Việt Nam hay các chỉ số khác như mức độ phát triển, hoạt động của thị trường lao động, chất lượng giáo dục đều khá thấp. Như vậy, rõ ràng chúng ta cần phải thực hiện rất nhiều cải cách nữa.

Về yếu tố hội nhập, Việt Nam rất thành công trong việc thu hút FDI và hội nhập kinh tế. Nhưng điều quan trọng là FDI có thực sự lan tỏa làm nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao trình độ kỹ năng cho lao động trong nước hay không?

Thời gian qua chúng ta thu hút nhiều FDI nhưng tính lan tỏa đối với nền kinh tế không cao. Samsung đóng góp rất lớn vào thành tích xuất khẩu của Việt Nam, nhưng tỷ lệ gia tăng của Samsung tại Việt Nam không nhiều và quan trọng hơn là không có nhiều kết nối với doanh nghiệp trong nước.

Nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam tận dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và tiêu chuẩn môi trường thấp, giá năng lượng thấp, lao động giá rẻ. Do đó, họ có thể chuyển đi đến quốc gia khác bất kỳ lúc nào khi những lợi thế cạnh tranh kém bền vững này không còn.

Nhìn vào các quốc gia thành công như Nhật Bản và Hàn Quốc, trong giai đoạn tăng trưởng cao nhất của nền kinh tế họ cũng không phụ thuộc vào FDI. Tỷ lệ đầu tư của các dòng vốn nước ngoài của họ chỉ chiếm 1-3% so với GDP. Cho đến nay tôi vẫn chưa thấy có cơ sở để tin rằng FDI là yếu tố chính có thể mang đến thành công của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Nhiều người cho rằng Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ông đánh giá như thế nào về nhận xét này?

Bẫy thu nhập trung bình thực chất là một trạng thái. Nói cách khác, những quốc gia mà thu nhập bình quân đầu người nằm trong ngưỡng từ 1.000 đến 12.000 USD tính theo giá trị năm 2010 đều là những quốc gia nằm trong bẫy thu nhập trung bình. Để thoát khỏi bẫy này, GDP quốc gia đó cần phải liên tục tăng trưởng cao trong nhiều năm.

Trên thực tế, nhiều quốc gia khi đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định bởi các lợi thế sẵn có hoặc thành công cải cách nhưng chỉ trong một giai đoạn ngắn, sau đó tăng trưởng kinh tế chậm lại, họ vẫn không thể thoát bẫy. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), từ năm 1960 đến 2008 mới chỉ có 13 quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Tại châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.

Việt Nam với mức thu nhập trung bình hiện nay thì đương nhiên là nằm trong bẫy và chỉ có cơ hội thoát bẫy khi đạt mức tăng trưởng cao và liên tục trong 20 đến 30 năm nữa. Để làm được điều này đòi hỏi phải tăng được năng suất lao động cao trong thời gian rất dài. So với nhiều quốc gia trong quá khứ, Việt Nam đang kém rất xa và hiện các quốc gia này cũng đang trong bẫy. Do vậy, con đường thoát bẫy của Việt Nam còn rất dài và đầy khó khăn.

Trước thực trạng đó, Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới?

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, điều kiện cần để một quốc gia tăng trưởng cao và ổn định có 6 yếu tố: hội nhập quốc tế, ổn định vĩ mô, tiết kiệm và đầu tư cao, để thị trường phân bổ nguồn lực, Chính phủ có năng lực, đáng tin cậy và tận tâm và cuối cùng là đầu tư cao cho giáo dục và y tế.

Rõ ràng, để thực có được tăng trưởng cao thì Việt Nam cũng phải làm tốt ít nhất phần lớn các  yếu tố kể trên. Với yếu tố thứ nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã có sự thành công nhưng vẫn chưa trọn vẹn vì chưa tận dụng tốt nhất những cơ hội từ hội nhập. Không chỉ có vậy, Việt Nam cũng sẽ phải đối phó với mặt trái của hội nhập.

Với yếu tố ổn định vĩ mô thì Việt Nam cũng đã có nhiều thành công nhưng cũng chỉ ở mức tương đối. Trong ngắn hạn, Việt Nam đang rất ổn định bởi lạm phát thấp, tỷ giá khá ổn định và nhưng yếu tố vĩ mô cũng tốt so với nhiều quốc gia khác. Song về dài hạn, tôi cho rằng Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn như nợ xấu, sự thiếu lành mạnh của hệ thống ngân hàng và thiếu ổn định trong chính sách để tạo môi trường vĩ mô thuận lợi.

Với yếu tố thứ 3 là tiết kiệm đầu tư cao, Việt Nam là một trong những nước có mức tiết kiệm đầu tư khá cao. Trong đó, tỷ lệ đầu tư cao, trên 30% GDP do có sự đóng góp lớn của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng hiện vẫn ở khá thấp. Điều này được thể hiện qua việc hệ số ICOR đang khá cao và đóng góp của yếu tố cải thiện công nghệ cho tăng trưởng cũng ở thấp. Do đó, việc đầu tư cao ở Việt Nam cũng có những rủi ro nhất định.

Ở yếu tố thứ tư về thị trường phân bố nguồn lực, hiện nay Việt Nam chưa làm tốt lắm. Nhiều hàng hóa cơ bản Chính phủ vẫn kiểm soát giá. Chính phủ cũng can thiệp nhiều vào việc phân bổ nguồn lực bởi các chính sách hành chính và doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đang thu hẹp quy mô đầu tư và nới lỏng việc kiểm soát thị trường. Tuy nhiên, chặng đường để đạt đến mức thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả thì vẫn còn xa.

Đến yếu tố thứ 5 về năng lực của Chính phủ, chúng ta thấy Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong thời gian gần đây và bước đầu cho thấy một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để nâng chất lượng quản trị quốc gia lên mức cao cần rất nhiều thời gian và phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại.

Yếu tố cuối cùng là đầu tư cho giáo dục, y tế cao là một điểm sáng. Việt Nam là một trong những quốc gia mà người dân dành một nguồn lực lớn đầu tư vào chuyện học hành của con cái. Tuy nhiên, tâm lý chung của người Việt vẫn trọng bằng cấp hơn học thuật. Để thay đổi điều này, bên cạnh sự giáo dục chung xã hội, cần phải thay đổi cơ chế khuyến khích từ phía nhà nước. Chất lượng giáo dục thấp là một trở ngại lớn đối với việc hội nhập, sáng tạo của kinh tế Việt Nam.

Như vậy, rõ ràng không có một giải pháp nào là hoàn hảo và có thể thực hiện nhanh chóng được. Việt Nam cần phải thức hiện một loạt giải pháp để làm tốt hơn 6 yếu tố kể trên. Tất nhiên, không thể làm ngay được tất cả mà phải chia nhỏ từng vấn đề để giải quyết. Phải xây dựng các mục tiêu, ưu tiên và phương án thực hiện một cách rõ ràng. Chẳng hạn, ngắn hạn thì tập trung vào những cải cách thể chế để nâng cao hiệu năng bộ máy nhà nước và xử lý những vấn đề như nợ xấu, yếu kém hệ thống ngân hàng. Mục tiêu trung và dài hạn là phải đổi mới về giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai và thúc đẩy sự thay đổi khác.

Xin cảm ơn ông!

“Đối với một nền kinh tế, xu thế dài hạn sẽ quyết định sự phát triển. Do vậy, đề thành công trong phát triển và vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam không thể duy trì tốc độ tăng trưởng thời gian ngắn mà phải duy trì tăng trưởng cao trong khoảng thời gian dài khoảng 25-30 năm. Nếu chúng ta tăng trưởng rất nhanh, rồi vài năm sau đó sụt giảm với chu kỳ lặp đi lặp lai như trong thời gian qua thì khó có cơ hội thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”.

TS. Vũ Thành Tự Anh

Hồ Bá Tình (thực hiện)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.