ThS. Hồ Bá Tình

ThS. Hồ Bá Tình
Chuyên gia kinh tế

Tiền đâu nhiều thế?

21/05/2020 2:11 PM
ThS. Hồ Bá Tình ThS. Hồ Bá Tình
CafeLand - Lướt một vòng trên các Facebook của một người nổi tiếng, tham khảo ý kiến một số chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp, tôi nhận ra một đặc điểm chung là hầu hết đều đánh giá khá bi quan về triển vọng của nền kinh tế. Thậm chí, một số người bạn của tôi là lãnh đạo doanh nghiệp còn chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là đóng cửa công ty.

Bất chấp những thông tin không thuận lợi đó, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung lại xuất hiện một màu sắc hoàn toàn khác.

Trong phiên giao dịch ngày đầu tuần này, các chỉ số chứng khoán châu Âu và Mỹ đều tăng 4-5%. Bất chấp những cảnh báo của rất nhiều nhà kinh tế và chuyên gia về mức ảo của thị trường, khó khăn của nền kinh tế, thông tin về các tập đoàn, doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều nhưng dòng tiền vẫn ào ảo đổ vào chứng khoán.

Tiền đâu nhiều thế? Đó chắc hẳn không phải là câu hỏi của riêng tôi mà là của rất nhiều người, đặc biệt là của nhà đầu tư chứng khoán. Những nhà đầu tư đã bắt được đáy và đang có một mức lời lớn thì luôn băn khoăn thị trường khi nào đảo chiều để “thoát hàng”? Còn những người lỡ “chuyến tàu” thì cũng luôn đặt câu hỏi đó trong sự tiếc nuối.

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam

Những diễn biến của nền kinh tế thì đang nhận được sự đồng thuận cao là “khó khăn”. Thậm chí một số nhà kinh tế còn dự báo thế giới đang đối mặt với những khủng hoảng chưa từng có kể từ năm 1939, tức cuộc khủng hoảng này về quy mô sẽ lớn hơn khủng hoảng tài chính gần nhất là 2008-2013. Trên thực tế, những lo ngại này không phải là không có cơ sở khi các số liệu kinh tế vĩ mô quý 1 của hầu hết quốc gia đều cho thấy 1 bức tranh vô cùng ảm đạm.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nơi khởi phát của dịch bệnh Covid-19, GDP quý 1 đã giảm tới 9,8% so với quý trước. Kinh tế Trung Quốc suy giảm trầm trọng bởi các biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn dịch bệnh.

Trong khi đó, dù mới bùng phát vào đầu tháng 3 nhưng kinh tế châu Âu và Mỹ cũng đã suy giảm nặng nề. GDP quý 1 của Mỹ giảm đến 4,8%, châu Âu giảm 3,8%. Tình trạng thất nghiệp ở hầu hết các quốc gia đều tăng vọt lên con số cao nhất từ trước tới nay.

Những ảnh hưởng tới nền kinh tế thực là hoàn toàn rõ ràng bởi các hoạt động kinh tế gần như đóng băng. Sau chiến tranh lạnh, toàn cầu hóa đã diễn ra một cách mạnh mẽ và góp phần tạo nên sự tăng trưởng kinh tế cao cho nhiều quốc gia. Cùng với đó, các quốc gia cũng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn khi có tới hơn 70% hàng hóa luân chuyển giữa các quốc gia là hàng hóa trung gian sản xuất.

Do đó, khi dịch bệnh xảy ra, không chỉ ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp mà ngành sản xuất cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Rất nhiều nhà máy ở các quốc gia dù không trực tiếp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng phải đóng cửa do thiếu nguyên, phụ liệu và linh kiện, thiết bị.

Tuy nhiên, điểm khác biệt so với các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây là các chính phủ và ngân hàng trung ương đều rất thận trọng tung ra chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong cuộc khủng hoảng này, các chính phủ đều ngay lập tức tung tiền ra nền kinh tế.

Chẳng hạn như Fed lập tức tung ra hơn 2.000 tỉ USD để mua lại trái phiếu chính phủ, gián tiếp mua lại trái phiếu doanh nghiệp để tránh một cuộc sụp đổ quy mô trên thị trường tài chính. Trong khi đó, chính phủ Mỹ cũng lập tức tung ra gói tài khóa hàng nghìn tỉ đồng để phân phát tiền cho người dân chịu ảnh hưởng. Tại Nhật Bản và châu Âu, ngân hàng trung ương và các chính phủ cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự để hỗ trợ người dân của mình.

Như vậy, bất chấp nền kinh tế thực đang khó khăn, nhưng thị trường tài chính vẫn khá ổn định nhờ có lượng tiền rất lớn được bơm vào nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Điều này khác biệt hoàn toàn so với những diễn biến diễn ra trong các cuộc khủng hoảng tài chính. Lúc đó, bong bóng tài sản đã tăng lên quá mức, như giá cổ phiếu và giá bất động sản quá cao… Do đó, các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay, lãi suất tăng cao và hệ thống tài chính sẽ sụp đổ dây chuyền.

Tuy nhiên, so với khủng hoảng tài chính thì dịch Covid-19 đã làm nền kinh tế thực thiệt hại hơn rất nhiều do mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị đình đốn. Người lao động mất việc làm và không có thu nhập. Rất nhiều doanh nghiệp trực tiếp và ngay lập tức bị thiệt hại nặng nề. Do đó, nếu dịch bệnh còn kéo dài thì nhiều doanh nghiệp cũng sẽ không trả được các khoản nợ đến hạn tương tự như các cuộc khủng hoảng tài chính.

Đối với Việt Nam, tôi hình dung tương tự như tình huống kể trên. Nhiều bạn bè tôi là những người kinh doanh nhà hàng, dịch vụ du lịch đã phải dừng hoạt động và đã mất một số tiền lớn. Nhiều người bạn làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, vận tải hành khách, hàng không, dịch vụ đã phải nghỉ việc không lương hoặc bị sa thải. Bản thân doanh nghiệp của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Số liệu báo cáo tài chính quý 1 của một số doanh nghiệp cho thấy rất rõ điều này. Hãng hàng không Vietnam Airline lỗ 2.589 tỉ đồng, Vietjet lỗ 1.000 tỉ đồng, Bamboo Airways lỗ 1.500 tỉ đồng. Một loạt doanh nghiệp bất động sản, xăng dầu khác cũng lỗ hàng nghìn tỉ đồng. Nhiều dự án thế chấp ngân hàng đang bị rao bán.

Xem số liệu từ tổng cục thống kê trong tháng 4, tôi lại càng có cảm nhận rõ hơn sự khó khăn của nền kinh tế. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 4 chỉ đạt 26,2 nghìn lượt người, giảm 94,2% so với tháng trước và giảm 98,2% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại dịch vụ, bán lẻ hàng hóa giảm 26% so với tháng trước và chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2020 ước tính giảm 13,3% so với tháng trước. Dù kinh tế Việt Nam đã mở cửa trở lại, nhưng với tình hình dịch bệnh vẫn đang lan rộng trên thế giới như hiện nay thì ngành du lịch, dịch vụ và sản xuất sẽ phải mất thời gian lâu dài nữa mới phục hồi được.

Trái ngược hẳn với những quan ngại của các chuyên gia, sự ảm đạm của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới lại tràn ngập trong sắc xanh kể từ đầu tháng 4 đến nay. Chỉ số VN-Index đã phục hồi 30% kể từ mức đáy cuối tháng 3 và chỉ còn giảm 14% so với đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu VNM đã phục hồi 35%, về mức giá đầu năm 2020. Các cổ phiếu khác như VCB, MWG cũng đã phục hồi rất mạnh và chỉ còn giảm từ 10-15% so với đầu năm.

Một người bạn của tôi là nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán phải thốt lên “Tiền đầu nhiều thế”. Quả thật, bất chấp dịch bệnh, thanh khoản thị trường cao hơn nhiều so với thời điểm trước khủng hoảng khi khối lượng giao dịch chỉ trung bình từ 150-200 triệu cổ phiếu, giá trị chỉ khoảng 3.000-4.000 tỉ mỗi phiên. Trong vài tháng gần đây, khối lượng và giá trị giao dịch tăng lên 1,5 lần.

Xưa nay không ít người, trong đó có tôi, vẫn xem thị trường chứng khoán như là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua thì quan điểm này dường như đã sai lầm.

Chính Paul Krugman, một nhà kinh tế học nổi tiếng – giáo sư tại Đại học danh giá bậc nhất Princeton – người đạt giải Nobel kinh tế 2008, cũng nhận định: “Bất cứ khi nào bạn suy nghĩ về mối liên hệ giữa nền kinh tế và giá cổ phiếu, hãy ghi nhớ ba nguyên tắc. Đầu tiên, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ hai, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Và thứ ba, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế!”

Tôi cho rằng những lý giải của Krugman thật ra không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp, nhưng nó dường như rất đúng trong giai đoạn hiện nay. Krugman giải thích thêm lý do sâu xa về mối quan hệ lỏng lẻo giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Đó là do các nhà đầu tư đang mua cổ phiếu một phần vì họ không có lựa chọn nào khác. Trái phiếu Chính phủ Mỹ lợi suất chỉ còn 0,6%, thay vì 3% như khủng hoảng năm 2018.

Việt Nam dường như cũng đang rơi vào trường hợp tượng tự. Rất nhiều người bạn của tôi sau một thời gian tích lũy được số vốn nhất định và nhân giai đoạn rảnh rỗi của mùa dịch cũng đã tìm hiểu về thị trường và tranh thủ cơ hội giá cổ phiếu giảm để mua vào.

Thống kê cho thấy số lượng tài khoản mới mở trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua cũng tăng vọt so với trước đây. Như vậy, có thể có dòng tiền mới đang đổ vào thị trường chứng khoán. Dòng tiền này đã bù đắp cho việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 16.000 tỉ đồng và khối tự doanh bán ròng hàng nghìn tỉ đồng.

Nhắc đến canh bạc này, tôi vẫn còn nhớ cuộc khủng hoảng năm 2008 đã làm cho VN-Index giảm từ mức 1.177 xuống chỉ còn 237 vào ngày 23/2/2009, tức giảm 80%. Sau đó thị trường đã có một đợt phục hồi rất mạnh và tăng lên được 624 điểm, tức tăng 163% vào tháng 10 năm đó. Thị trường phục hồi cũng nhờ chính sách lãi suất thấp và tiền được NHNN bơm mạnh vào nền kinh tế. Tuy nhiên, sau đó thị trường có 1 đợt suy giảm kéo dài hơn 2 năm và về mức 341 điểm, tức giảm gần 50%.

Quay trở lại với sự mất kết nối giữa giá cổ phiếu và thực trạng nền kinh tế. Tôi cho rằng Covid-19 chắc chắn sẽ là một hiện tượng kéo dài và ảnh hưởng nặng nề đến các nền kinh tế trên toàn cầu. Qua đợt đại dịch này, cấu trúc kinh tế thế giới sẽ mãi mãi thay đổi và chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ thay đổi, một số quốc gia được hưởng lợi nhưng cũng có quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề.

Dòng tiền vẫn đổ vào thị trường chứng khoán bất chấp những tin tức xấu có lý do riêng của nó. Tuy nhiên, dù thị trường chứng khoán có tăng cũng không làm những tin tức về doanh nghiệp bớt u ám và nền kinh tế nhanh phục hồi hơn. Có chăng đây chính là liều thuốc trấn an tâm lý nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Tôi cho rằng nguyên nguyên nhân làm cho thị trường chứng khoán khởi sắc chủ yếu là do chính sách “bơm tiền” của các NHTW và hiệu ứng nhiều người “không có việc gì làm”. Bên cạnh đó, đó một phần cũng do lãi suất hiện nay thấp, lượng tiền tích lũy của nhiều nhà đầu tư chọn chứng khoán để đổ vào khi các cơ hội đầu tư khác ít đi. Nói như vậy cũng không đồng nghĩa với việc không có cố phiếu đáng đầu tư. Trên thực tế có nhiều cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và triển vọng dài hạn vẫn rất tốt, xứng đáng để đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Hồ Bá Tình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.