Phan Thế Hải

Phan Thế Hải
Doanh nhân

Thương mại điện tử đè shophouse?

11/06/2022 10:42 AM
Phan Thế Hải Phan Thế Hải
Khi Hà Nội bắt đầu những ngày nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi đã làm một chuyến về Phú Quốc trong cái lo ngại thành phố biển non trẻ này sẽ đầy ắp khách từ mọi miền đổ về, nhưng không. Thành phố biển với cơ sở vật chất hoành tráng nhưng khá vắng, trong đó có hàng trăm shophouse treo biển chuyển nhượng.

Những tấm biển cũ kỹ vẫn còn nguyên, cùng với đó là nhiều tờ rơi chào bán shophouse vương vãi cho thấy, mặt hàng này không được nhiều người săn đón như trước. Có sự thay đổi về tâm lý tiêu dùng chăng?

Anh Nguyễn Tuấn Anh, một khách hàng ở Hà Nội tâm sự, đang là công chức nhà nước, vợ chồng anh rất quan tâm đến an ninh tài chính, đặc biệt là tạo ra một dòng tiền để đáp ứng nhu cầu học hành cho bọn trẻ khi chúng vào tuổi trưởng thành có thể đi du học. Với sự tham vấn của bạn bè, anh lựa chọn đầu tư một căn shophouse ở phường An Thới, phía Nam đảo Phú Quốc. Theo mời chào của nhà phân phối, anh chỉ cần bỏ ra vài ba tỷ, tương đương với 30% giá trị căn shophouse sẽ được sở hữu vĩnh viễn. Phần còn lại ngân hàng sẽ hỗ trợ tín dụng, trả theo tiến độ. Có tài sản, mình có thể trực tiếp cho vay hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư khai thác, mức lợi nhuận kỳ vọng trên 12%/năm.

Lý thuyết là vậy nhưng qua mấy năm dịch bệnh, các khu nghỉ dưỡng vắng khách, khối tài sản nằm im mà không sinh lợi đồng nào. Với áp lực trả gốc và lãi vay ngân hàng khiến vợ chồng anh phải chào bán.

Điều đáng nói là không chỉ Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng… mà ngay cả TP.HCM cũng đều xẩy ra tình trạng tương tự. Theo báo cáo thị trường tháng 5/2022 mới được Hiệp hội bất động sản TP.HCM công bố, phân khúc nhà phố, shophouse tại TP.HCM ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở cả nguồn cung mới và tỷ lệ tiêu thụ. Theo đó, sức tiêu thụ đối với phân khúc này giảm khá mạnh, đến 57% so với cùng kỳ, giảm 39% so với tháng 4. Trong số 59 căn mở bán mới, chỉ có 23 căn được giao dịch thành công và tập trung chủ yếu tại những dự án đã bàn giao và có hạ tầng kết nối đồng bộ.

Một số quận ở nội thành như Tân Bình, Gò Vấp hay Quận 12, sau đại dịch, những ngôi nhà mặt phố hiện chỉ mới mở cửa lác đác, một số vẫn đóng kín và một số treo biển chào sang nhượng. Cô Thủy, chủ một cửa hàng tạp hóa ở khu K300, Phường 12 Tân Bình cho biết: Hàng bán chậm lắm anh à. Dịch bệnh, hầu hết người ngoại tỉnh rời thành phố về quê nhiều, người không trở lại. Một số người dân gốc Sài Gòn nay đã thay đổi thói quen mua sắm, cần gì họ đặt hàng online có người ship đến tận nhà nên bán kém lắm. Doanh thu thấp, lãi ít không đủ bù đắp chi phí nên nhiều người phải chuyển nhượng.

Trở lại chuyện Phú Quốc, trên địa bàn thành phố này có 327 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với tổng diện tích 10.827ha, tổng số vốn đăng ký hơn 15 tỷ USD.

Hơn một năm trước, ngày 8/1/2021, chính quyền tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP. Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam. Theo đó Phú Quốc chính thức trở thành thành phố trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 179.480 người của huyện đảo. Sau khi thành lập, TP. Phú Quốc có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2 phường Dương Đông, An Thới và các xã Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Hàm Ninh, Dương Tơ, Thổ Châu, Gành Dầu.

Với tham vọng tạo tạo sức hấp dẫn cho Phú Quốc thu hút nguồn lực để trở thành trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ lớn với 4 trụ cột chính: công nghiệp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển… nhiều chính sách ở Phú Quốc đã được nới lỏng.

Đến nay, có 48 dự án đầu tư ở Phú Quốc đã đi vào hoạt động, trong số này có nhiều dự án quy mô lớn. Một số cái tên có thể kể đến như Vingroup, “ông lớn” tại Bắc đảo với một quần thể nhiều hạng mục. Từ năm 2014, Vingroup rót vốn đầu tư vào phía Bắc Phú Quốc, góp phần thay đổi hoàn toàn Đảo Ngọc trở thành điểm đến thu hút mạnh mẽ du khách, nhất là du khách quốc tế.

Với quỹ đất được quy hoạch đầu tư lên đến hàng chục ngàn ha, Vingroup đã phát triển hàng loạt các dự án từ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nông nghiệp, bệnh viện,… đáp ứng nhu cầu cho không chỉ khách du lịch mà cả cư dân sống tại Phú Quốc. Với tổng vốn đầu tư cam kết một tỷ USD, Vingroup hiện là nhà đầu tư lớn nhất Đảo Phú Quốc.

Sau Vin là Sun Group, thủ phủ tại Nam đảo. “Nam Sun, Bắc Vin” là câu được nhiều người nhắc tới hai chủ đầu tư bất động sản lớn nhất trên đảo Phú Quốc thời điểm hiện nay. Nếu phía Bắc đảo được Vingroup đầu tư xây dựng loạt dự án lớn thì phía Nam đảo lại là “đại bản doanh” của Sun Group với chuỗi dự án khủng không kém.

Cùng với Vin, Sun là hàng chục ông lớn khác rót nhiều tỷ đô vào Đảo Ngọc khiến nơi đây thành đại công trường nóng bỏng bởi giao dịch bất động sản. Phố xá, nhà cửa xây nhiều nhưng trong hơn hai năm đại dịch đều đóng cửa im lìm, hoang lạnh. Một số nhà đầu tư thứ cấp lỡ ném tiền vào Phú Quốc trong mấy năm trước đang chịu áp lực rất lớn với các khoản trả gốc và lãi vay ngân hàng.

Đại dịch Covid-19 bùng phát và lan tỏa đã làm ngắt quãng các chuỗi du lịch - dịch vụ. Ngành này bị giáng một cú nặng nề khi lệnh giãn cách xã hội được thiết lập khiến những điểm đến đầy kỳ vọng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc vắng khách. Nhưng đây chưa phải là nguyên nhân chính để cho phân khúc mặt hàng shophouse trở nên ế ẩm.

Covid-19 giáng vào ngành du lịch - dịch vụ nhưng lại là cú hích mạnh vào thị trường thương mại điện tử. Trong hơn hai năm, 2020, 2021 và nửa đầu năm 2022, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Cuối năm 2021 đạt doanh số 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Cũng nhờ sự tăng trưởng này, thương mại điện tử đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây là tiền đề để năm 2022, thương mại điện tử sẽ tiếp tục "bùng nổ", tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng nhìn nhận, dịch Covid-19 như một cú hích đẩy nhanh quá trình tăng trưởng của thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong các năm gần đây đạt khoảng 30-35%/năm. "Đến nay, đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận internet.

Trong đó gần 50% người dùng Việt Nam đã thay đổi thói quen cũ là mua sắm trực tiếp bằng mua sắm trực tuyến, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng. Sự dịch chuyển thói quen khiến các shophouse không có khả năng sinh lời như trước nữa trong khi đó, sản phẩm này vẫn không ngừng được cung cấp ra thị trường.

Chiều muộn, tôi hỏi con gái: Vải thiều Bắc Giang năm nay có lẽ được mùa? Con gái tôi bảo, được mùa bố à, trên Tiki đang chào bán loại ngon giá 26 ngàn một ký, bố ăn để con đặt. Tôi gật đầu, 30 phút sau chuông reo, shiper xuất hiện trước cửa kèm theo túi đựng ký vải có cả mã vạch ghi nguồn gốc xuất xứ. Sự tiện lợi của thương mại điện tử khiến người dân không nhất thiết phải ra shophouse để mua sắm. Thật không sai khi nói rằng: Thương mại điện tử đang gây khó cho shophouse.

Phan Thế Hải
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Đăng ký kênh Youtube CafeLand để theo dõi các video mới nhất!
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.