Năm 2016 đã qua đi với không ít “sóng gió” với ngành ngân hàng và năm 2017 tiếp tục được dự báo là một năm đầy thách thức.
Những chia sẻ dưới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng với Phóng viên BNEWS/TTXVN sẽ mang lại bức tranh khái quát về hoạt động của ngành ngân hàng bên thềm năm mới.
Thống đốc Lê Minh Hưng: Năm 2017, chính sách tiền tệ phải rất linh hoạt. Ảnh: TTXVN
Xin Thống đốc cho biết một cách tổng thể những kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2016?
- Trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23/2/2016, Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 chỉ đạo toàn ngành ngân hàng triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016.
Theo đó, xác định điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Cùng với đó, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế, tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đạt được các mục tiêu đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Với những kết quả đã đạt được trong năm qua, nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2017 là gì, thưa Thống đốc?
- Bước sang năm 2017, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới và trong nước chưa thuận lợi, nhiệm vụ ngành ngân hàng có thể nói hết sức nặng nề. Kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng ở tốc độ rất thấp. Vấn đề bảo hộ toàn cầu, xu thế bảo hộ mậu dịch cũng sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam…
Để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng sẽ phải tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên trong chương trình trọng tâm chung như: điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, với nỗ lực quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong năm 2017, cũng như những nỗ lực cải cách khác của Ngân hàng Nhà nước.
Với chỉ tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% như Quốc hội và Chính phủ đặt ra, có thể nói đây là một chỉ tiêu rất thách thức. Quốc hội cũng đặt mục tiêu lạm phát bình quân năm nay ở mức 4% trong khi đó điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của chúng ta không giống như các nước, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng.
Chúng ta phục vụ đa mục tiêu, vừa phải kiểm soát được lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định tỷ giá… Tất cả những mục tiêu đó đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau, đòi hỏi trong hoạch định điều hành và sử dụng công cụ chính sách tiền tệ phải rất linh hoạt.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô. Đây là bài học thấm thía của hệ thống ngân hàng trong việc giữ ổn định cho nền kinh tế, đảm bảo cho sự tăng trưởng trong trung hạn. Cho nên giữ được lạm phát ở mức 4% là mục tiêu kiên quyết trong việc hoạch định điều hành chính sách tiền tệ. Chúng ta sẽ kiên trì, kiên định đường lối chính sách này. Có làm được như vậy mới có dư địa để các bộ ngành và Chính phủ điều hành công tác quản lý giá trong năm tới.
Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu ngành ngân hàng nỗ lực giữ ổn định lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều dự báo cho rằng đây là nhiệm vụ khó khăn của ngành ngân hàng. Vậy trong năm 2017, Ngân hàng nhà nước sẽ điều hành chính sách này như thế nào, thưa Thống đốc?
- Đúng là nhiệm vụ năm nay rất khó khăn, nhưng chúng ta tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đặc biệt lãi suất cho vay trung và dài hạn để chia sẻ khó khăn hỗ trợ cho nền kinh tế. Chúng ta phải điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất.
Về tăng trưởng tín dụng năm nay mục tiêu định hướng là xoay quanh 18%, tuy nhiên chúng ta cũng linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện hoạt động ngân hàng để có những điều chỉnh phù hợp.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là nhất quán trong việc tiếp tục chỉ đạo tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt tập trung vào chất lượng tín dụng. Điều này yêu cầu các tổ chức tín dụng hết sức lưu ý tập trung công tác thanh tra giám sát, kiểm soát chất lượng tín dụng nhằm mục tiêu phát triển lành mạnh, không phát sinh nợ xấu và đảm bảo chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế tốt hơn.
Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng đối với ngành ngân hàng là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Vậy trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ hành động như thế nào đối với vấn đề này, thưa Thống đốc?
- Vấn đề tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém, chúng ta phải nói trách nhiệm của các tổ chức tín dụng Nhà nước là đặc biệt quan trọng. Các bộ, ngành, lãnh đạo Chính phủ đánh giá rất cao Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng trong việc xây dựng Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Thường trực Chính phủ cũng đã cơ bản thông qua bổ sung một số nội dung để báo cáo lại Bộ Chính trị.
Khi Bộ Chính trị thông qua và Chính phủ phê duyệt đề án đó, hệ thống ngân hàng có lộ trình tổ chức thực hiện. Với các tổ chức tín dụng, kể cả những tổ chức tín dụng tốt hay những tổ chức tín dụng còn những tồn tại, hạn chế đều phải có đề án của riêng mình gắn với lộ trình tổng thể của hệ thống ngân hàng trong 5 năm tới. Đây là nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai thực hiện sớm ngay từ đầu năm 2017.
Bộ Chính trị và Thường trực Chính phủ cũng đồng ý có Luật mới, tạm gọi là Luật Hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. Quan trọng nhất với vấn đề xử lý nợ xấu là quyền tài sản và bảo vệ quyền chủ nợ, xử lý tài sản đảm bảo. Các quy định liên quan đến hoạt động ngân hàng trong Bộ luật Dân sự 2015, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá tài sản... đều đã được rà soát và đưa vào trong khuôn khổ luật này. Dự thảo luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2017.
Xin trân trọng cảm ơn Thống đốc!
Đỗ Huyền (BNEWS/TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.