07/07/2017 11:00 AM
CafeLand - Đại hội cổ đông cuối tuần vừa qua đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình vượt khó của Sacombank khi ông Dương Công Minh được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Nhiều người kỳ vọng lộ trình tái cấu trúc ngân hàng này sẽ rút xuống chỉ còn 3-5 năm thay vì 10 năm như đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt.
Trên thị trường chứng khoán kể từ đầu năm giá cổ phiếu STB của ngân hàng này đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, nhìn vào tình hình tài chính của Sacombank cho thấy chặng đường gian nan của ngân hàng này vẫn đang ở phía trước.
Những con số “đáng sợ”
Từ một ngân hàng luôn nằm trong nhóm có lợi nhuận dẫn đầu nhưng sau khi sáp nhập ngân hàng Phương Nam, kết quả kinh doanh của Sacombank trở nên “bết bát”. Liên tục trong những năm qua doanh thu liên tục sụt giảm. Cụ thể, từ mức doanh thu 6.627 tỷ đồng năm 2013 nhưng đến năm 2016 chỉ còn 4.020 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ mức 2.229 tỷ đồng năm 2013 liên tục sụt giảm xuống chỉ còn 647 tỷ đồng năm 2015 và 88 tỷ đồng vào năm 2016.
Một số chỉ tiêu tài chính của Sacombank. Nguồn: Tài liệu ĐHCĐ Sacombank
Những khó khăn trên là điều có thể dự báo trước bởi trước lúc sáp nhập Phương Nam có thể đã âm vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng và với nợ xấu lên đến hơn 60%. Tuy nhiên, ít ai hình dùng được mức độ “xấu” của Phương Nam đến cỡ nào bởi những thông tin của Phương Nam lúc đó không được báo cáo một cách đầy đủ. Giờ đây “soi” lại báo cáo tài chính của Sacombank khiến nhiều người không khỏi giật mình bởi mức độ “xấu” của nó. Điều này cũng lý giải vì sao từ một ngân hàng “khỏe mạnh” Sacombank phải xây dựng một đề án tái cấu trúc lên đến 10 năm và phải “xin” rất nhiều cơ chế đặc thù.
Theo tài liệu công bố tại Đại hội cổ đông của Sacombank thì nợ xấu của ngân hàng này trong báo cáo tài chính hợp nhất vào cuối năm 2016 là 6,81%, tương đương khoảng 16.202 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay khoảng 237.918 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm đáng lưu con số này cao hơn khá nhiều so với các con số đã được công bố trong báo cáo tài chính. Cụ thể, theo báo cáo tài chính thì nợ xấu của Sacombank cuối năm 2016 thì con số là 13.744 tỷ đồng.
Như vậy có lẽ Sacombank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay đã được công bố. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải những con số “đáng sợ” nhất, số liệu nợ xấu thực sự của Sacombank là nằm trong trái phiếu đặc biệt đã bán cho VAMC. Theo đó, tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC vào cuối năm 2016 lên đến 37.300 tỷ đồng. Do đó, thực chất tổng nợ xấu của Sacombank ghi nhận trên báo cáo tài chính là hơn 50.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của ngân hàng này.
Tất nhiên, đó vẫn chưa các con số cuối cùng. Theo ban lãnh đạo của Sacombank nợ xấu của ngân hàng này ước tính có 64 nghìn tỷ đồng trong tổng số 75 nghìn tỷ đồng giá trị tài sản đảm bảo của 86 nghìn tỷ đồng nợ xấu tại STB là bất động sản. Vị lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết thêm một số tài sản bất động sản này có giấy tờ pháp lý đầy đủ trong khi một số khác thì không.
Kết quả kinh doanh của Sacombank. Nguồn: Báo cáo tài chính Sacombank
Mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Báo cáo tài chính của Sacombank cho thấy con số đáng sợ hơn không phải là “nợ xấu” mà là những “tài sản có khác”. Cụ thể, ngân hàng này có tới 43.923 tỷ đồng tài sản có khác, trong đó khoản phải thu là 16.943 tỷ đồng và 25.336 là các khoản phải thu. Theo thuyết minh báo cáo tài chính trong các khoản phải thu đó có tới gần 8.000 tỷ đồng là các tài sản cấn trừ nợ đang trong giai đoạn chuyển quyền sở hữu hoặc đang trong kế hoạch xử lý thu hồi nợ. Đặc biệt trong đó có tới 6.706 tỷ đồng là từ Phương Nam. Ngoài ra còn có tới 4.500 tỷ đồng là các hợp đồng cam kết mua, bán chứng khoán tiếp nhận từ Phương Nam. Kinh nghiệm cho thấy việc thu hồi các khoản phải thu này chắc chắn sẽ rất khó khăn và chỉ được một tỷ lệ khá nhỏ so với khoản gốc.
Không chỉ có vậy, điểm đáng chú ý nhất chính là khoản 23.000 tỷ đồng lãi từ cho vay khách hàng. Đây chính là những khoản lãi khi cho khách hàng vay nhưng khách hàng không thể trả được. Cần lưu ý khoản này đã được ghi nhận vào doanh thu và lợi nhuận. Việc khách hàng không thể trả được lãi đồng nghĩa với việc phần lớn những khoản vay của khách hàng đã trở thành nợ xấu. Trên thực tế việc thu hồi ngay cả nợ gốc của những khoản vay này cũng sẽ gặp khó khăn chứ chưa nói đến là những khoản lãi. Theo đúng quy định thì Sacombank đã phải trích lập dự phòng gần như 100% cho những khoản phải thu này.
Yếu tố “tiền tươi”
Trước đại hội cổ đông Sacombank không ít người vẫn kỳ vọng ông Đặng Văn Thành có thể quay trở lại với ngân hàng này. Tuy nhiên, các ứng cử viên là thành viên hội đồng quản trị chỉ được công bố trước 1 ngày diễn ra đại hội đã không có tên Đặng Văn Thành mà thay vào đó là một “đại gia” lớn trên thị trường bất động sản là Dương Công Minh. Tuy nhiên, có lẽ điều này cũng không quá bất ngờ vì trước đó đã từng có 2 “người nhà” của ông Minh ứng cử vào HĐQT ngân hàng này.
Việc ông Minh trở thành Chủ tịch của Sacombank là một giải pháp khả dĩ nhất đối với Sacombank vào lúc này. Nguyên nhân là từ tình hình thực tế trên cho thấy căn bệnh lớn nhất của Sacombank lúc này mang tên “nợ xấu”. Khoản nợ xấu hiện này của Sacombank lên đến 50.000 tỷ đồng, cùng với 25.000 tỷ đồng lãi dự thu thì tổng “nợ xấu” lên đến 75.000 tỷ đồng, hơn gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Như vậy, nếu không có “cơ chế đặc biệt” mà phải trích lập dự phòng một cách đầy đủ theo quy định thì có lẽ vốn chủ sở hữu của Sacombank đã bị âm. Muốn giải cứu Sacombank thì cần một “thuyền trưởng” hội đủ 3 yếu tố là có nghề ngân hàng, có nghề bất động sản và có tiền “thật”.
Một số thông tin trên báo chí gần đây cho biệt để trở thành chủ tịch của Sacombank ông Dương Công Minh và người có liên quan đang sở hữu khoảng 5% và ông nhận được ủy quyền khoảng hơn 10% cổ phần Sacombank. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là yếu tố quan trọng nhất mà yếu tố cốt lõi Sacombank cần được rót vào một khoản tiền thật để xử lý nợ xấu. Bài toán khả dĩ nhất để Sacombank có tiền thật chính là ông Minh với nhóm nhà đầu tư của mình, dùng nguồn “tiền tươi” và tiếp tục mua lại phần hơn 52% cổ phần mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang nhận ủy quyền của nhóm cổ đông ông Trầm Bê.
Đây chính là cổ phần Sacombank của ông Trầm Bê và nhóm cổ đông liên quan có thể đã thế chấp để vay vốn từ Sacombank và biến thành nợ xấu hoặc buộc phải ủy quyền cho VAMC để xử lý các khoản nợ xấu tại Phương Nam trước đây. Như vậy, về nguyên lý VAMC có thể bán số cổ phiếu này và tiền thu được sẽ được dùng để xử lý nợ xấu Sacombank. Theo ước tính tổng số tiền thu được từ bán 52% cổ phần Sacombank khoảng 14.000 tỷ đồng.
Tất nhiên, còn số này khá nhỏ với số “nợ xấu” 75.000 tỷ đồng nên bài toán tiếp theo của Sacombank là phải xử lý khoản nợ xấu mà tài sản thế chấp là bất động sản. Nghị quyết về xử lý nợ xấu mới được Quốc hội ban hành đã tạo điều kiện “tối đa” cho Sacombank xử lý các tài sản thế chấp. Theo đó thì các thủ tục xử lý tài sản thế chấp là bất động sản sẽ được “rút gọn” rất nhiều so với trước đây.
Đặc biệt, Nghị quyết cũng cho phép các ngân hàng có thể phân bổ lỗ từ lãi dự thu trong 10 năm và lỗ từ bán tài sản đảm bảo với giá thấp hơn giá trị sổ sách khoản nợ trong 5 năm. Như vậy, những khoản thua lỗ khi xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của Sacombank không được được hạch toán ngay như bình thường mà được kéo dài để để trách cú sốc đột ngột thua lỗ lớn trên báo cáo tài chính của ngân hàng.
Tóm lại, đối với Sacombank hiện nay đã hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Điểm mấu chốt của hiện nay của Sacombank hiện nay là “hành động”. Với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, kinh nghiệm và tiềm lực lớn, tân Chủ tịch Sacombank được kỳ có thể làm nên một cuộc “cách mạng” tại ngân hàng này. Tuy nhiên, mức lỗ thực tế khi xử lý nợ xấu của Sacombank cũng chắc chắn là một khoản không nhỏ.
  • Sau LienVietPostBank và Sacombank, đến lượt SeABank đổi nhân sự cấp cao

    Sau LienVietPostBank và Sacombank, đến lượt SeABank đổi nhân sự cấp cao

    CafeLand – Sau một thời gian khá dài gắn bó với SeABank, ông Đặng Bảo Khánh bất ngờ từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc nhà băng này và chuyển giao vị trí cho người điều hành mới.

  • Nửa năm, Sacombank xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu

    Nửa năm, Sacombank xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu

    CafeLand – Một trong những việc quan trọng mà Sacombank sẽ tập trung giải quyết hiện nay là bố trí lại nhân sự cho phù hợp, thúc đẩy kinh doanh và đặc biệt là xử lý nợ xấu. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã tự xử lý được 845 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi 247 tỷ nợ bán VAMC.

  • Sacombank thay Tổng giám đốc

    Sacombank thay Tổng giám đốc

    CafeLand – Sau khi tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2015, 2016 để bầu thành viên Hội đồng quản trị cũng như vị trí Chủ tịch, Sacombank vừa có thông báo thay Tổng giám đốc.

  • Ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Sacombank

    Ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Sacombank

    CafeLand - Tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sáng nay (30/6), ông Dương Công Minh đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất.

  • ĐHCĐ Sacombank: Cổ đông chất vấn về ông Dương Công Minh và Trầm Bê

    ĐHCĐ Sacombank: Cổ đông chất vấn về ông Dương Công Minh và Trầm Bê

    CafeLand – Ngay từ phần chủ tọa đọc nội dung tờ trình xin ý kiến cổ đông thông qua việc bầu các thành viên hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông Sacombank đã nóng lên với nhiều chất vấn quyết liệt của cổ đông về ông Dương Công Minh và ông Trầm Bê.

Song Long
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.