Ngày mai (29/10), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là dự án được đông đảo cử tri quan tâm. Bởi trong lúc nền kinh tế khó khăn, việc đầu tư xây dựng một công trình lớn như vậy sẽ là vấn đề lớn đối với kinh tế đất nước.
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, VOV.VN phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về một số nội dung liên quan đến dự án này.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
PV: Thưa Phó Thủ tướng, nhiều ý kiến cho rằng, với điều kiện kinh tế hiện nay của đất nước sẽ không phù hợp để đầu tư xây dựng một công trình lớn như Dự án sân bay Long Thành?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Về định hướng lâu dài thì cần thiết phải làm. Đầu tiên là đáp ứng yêu cầu phát triển, lưu lượng qua các cảng hàng không hiện nay đã quá tải. Những địa điểm cũ thì cơ hội mở rộng để có một sân bay hiện đại cũng khó khăn. Hai nữa là trong khu vực chúng ta nhiều nước đã làm, nếu mình không làm thì không cạnh tranh được, mất lợi thế.
Còn vốn liếng phải tính nhiều bài toán. Hiện nay, chủ trương đưa ra là huy động nhiều nguồn vốn. Vốn đó lớn lắm, còn ngân sách chỉ là một phần thôi. Tất nhiên khi đã dùng ngân sách phải tính toán hiệu quả thế nào, an ninh tài chính quốc gia ra sao, an ninh nợ công như thế nào… thì lúc ấy mới tính toán cụ thể.
PV: Đại biểu Quốc hội lo lắng là khi đất nước khó khăn, chúng ta lại đưa ra một dự án quá lớn như vậy, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Cái lo của đại biểu cũng có lý, vì trong bối cảnh tài chính đang có những khó khăn thì lo là đúng. Nhưng đây là mình tính bài toán lâu dài chứ không phải là ngay một lúc dùng số tiền ấy, kể cả một vài năm cũng không thể xong được. Ở đây, mình phải tính bài toán lâu dài, làm sao hiệu quả nhất. Vay về để đầu tư nhưng quan trọng là phải làm ăn có hiệu quả, trả được nợ.
PV: Nhưng sẽ ảnh hưởng tới nợ công, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Với nợ công, tổng nợ trên GDP chỉ là một chỉ tiêu thôi, chưa phải là chỉ tiêu quan trọng nhất. Vì có những nước người ta nợ công lên tới 100% GDP mà người ta vẫn khỏe mạnh, an toàn, không vấn đề gì cả. Nhưng có những nước chỉ vay 20-30% thôi nhưng vẫn vỡ nợ vì không có khả năng trả được nợ.
Chính vì thế, chỉ tiêu thứ hai rất quan trọng là có trả được nợ hay không. Cho nên, phải làm ăn có hiệu quả để trả nợ mới quan trọng.
Cũng giống trong một gia đình, nếu đi vay làm ăn tốt mà trả được nợ thì mới phát triển được. Còn đi vay mà không trả được nợ thì vỡ nợ.
PV: Ở dự án này, Chính phủ có tính đến chuyện đội vốn, trượt giá hay không, thưa ông?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Bây giờ mới là chủ trương, khái toán, chưa tính cụ thể. Lúc nào xây dựng cụ thể tính toán thì mới chính xác.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, 24.000 tỷ đồng dùng để giải phóng mặt bằng là quá lớn, trong khi chúng ta còn phải đi vay để đảo nợ, thưa ông?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Chỗ này sẽ tính toán cụ thể. Bây giờ đầu tư từ ngân sách hoàn toàn là khó cho nên Chính phủ phải mở ra thêm là hợp tác công tư, có phần của Nhà nước, có phần của tư nhân, bên ngoài. Cả một lượng vốn lớn như thế mà mình không lo gì cả thì khó.
PV: Thưa ông, Chính phủ đã có đánh giá gì về hiệu quả dự án khi hoàn thành mang lại trong khoảng 10 năm nữa?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Đương nhiên, khi đưa ra chủ trương thì phải có một bài toán tổng thể nhưng chưa phải hoàn toàn đầy đủ, bước đầu mới là sơ bộ, định hướng. Định hướng lớn ấy cần có sự chỉ đạo xin chủ trương. Sau này, quyết định phê duyệt, có làm hay không làm còn rất nhiều yếu tố.
PV: Cách thức huy động vốn ở dự án này là Chính phủ bảo lãnh cho DN vay vốn. Vậy nếu rủi ro xảy ra thì Chính phủ lại đứng ra trả nợ, thưa ông?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Nhiều phương án được đặt ra, đấy mới là một phương án, các phương án khác còn tùy thuộc vào nhà đầu tư. Nếu nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào mà họ quan tâm thì Chính phủ không phải bảo lãnh nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!
“Chưa nên làm sân bay Long Thành ở thời điểm này” Đại biểu Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |