CafeLand - Việc đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định là một trong 5 đồng tiền được đưa vào giỏ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) khiến dư luận rất quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân khiến áp lực tiền đồng giảm trong mấy ngày qua là xuất phát từ thông tin này. Phân tích cho thấy tỷ giá VND/USD có thể vẫn còn giữ được ổn định từ nay đến cuối năm và áp lực giảm giá của tiền đồng sẽ dồn vào đầu năm sau.
Trong các phiên giao dịch gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm mạnh giá bán USD. Các ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank điều chỉnh giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua và bán đưa mức giá niêm yết xuống còn 22.430-22.500 đồng/USD. Hiện các nhà băng khác như BIDV, ACB, DongAbank, Eximbank cũng giảm khoảng 20 đồng mỗi USD và đang niêm yết giá mua vào-bán ra tại mức 22.440-22.510 đồng/USD. Riêng Techcombank niêm yết ở mức 22.420-22.530 đồng/USD, giảm 20 đồng chiều mua vào và 10 đồng chiều bán ra. Giá USD tự do trên thị trường cũng liên tục giảm vài chục đồng mỗi ngày trong một tuần qua. Hiện tại, giá USD tự do mua vào bán ra phổ biến ở mức 22.610-22.630 đồng/USD, giảm khoảng 30 đồng so với trước đó vài ngày.
Diễn biến điều chỉnh giảm của tỷ giá trong vài phiên gần đây khác biệt so với trong một tháng qua liên tục có xu hướng tăng. Nguyên nhân ban đầu được giới phân tích nhận định là do sự kiện đồng NDT chính thức trở thành đồng tiền thứ 5 được đưa vào giỏ SDR của IMF vào năm 2016 đã tác động phần nào đến tâm lý người dân và làm cho tỷ giá tiền đồng biến động.
Trước diễn biến đó, NHNN Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố nào định hướng tỷ giá trong năm 2016. Có lẽ NHNN muốn chờ đợi thêm biến động thị trường sau cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Hoa kỳ (FED). Công ty chứng khoán này dự báo VND sẽ mất giá tiếp trong năm 2016 với mức thấp nhất cũng khoảng 3-4%. Đây cũng là mức mất giá được nhiều chuyên gia dự báo cho VND trong năm sau.
Cách đây vài ngày, HSBC Việt Nam cũng đưa ra nhận định về sự sụt giảm của nguồn dự trữ ngoại hối trong nước. Đó là trạng thái căng thẳng trên thị trường ngoại tệ cùng với sự thay đổi bất thường của đồng NDT trong tháng 8 đã tạo thêm áp lực đối với cán cân thanh toán. Dữ liệu từ IMF cho thấy nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã giảm 6,7 tỷ USD trong quý III-2015 còn 30,3 tỷ USD vào cuối tháng 9-2015, tương ứng với 2,1 tháng nhập khẩu (trong khi đó vào tháng 6 là 2,6 tháng).
Việc dự trữ ngoại tệ sụt giảm mạnh cho thấy trong thời gian qua NHNN đã can thiệp rất mạnh trên thị trường ngoại hối để giữ tỷ giá ổn định. Đây cũng là điều dễ hiểu khi tỷ giá trong thời gian qua đã biến động khá xa so với dự báo và mục tiêu mà NHNN đề ra hồi đầu năm. Mới đây Chính phủ tiếp tục yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và thanh khoản của nền kinh tế, nhất là dịp cuối năm.
Vậy tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ biến động thế nào? Trong cuộc họp với đại diện các tổ chức tín dụng cuối tuần trước, NHNN vẫn bày tỏ quan điểm của nhà điều hành là vẫn tiếp tục giữ tỷ giá trong biên độ dao động cho phép trong tháng cuối cùng của năm. NHNN cũng đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc giữ tỷ giá khi cho biết sẽ can thiệp thị trường thông qua bán ngoại tệ dự trữ để giữ tỷ giá ổn định.
Thực tế trong thời gian qua NHNN cũng đã thực hiện nhiều chính sách nhằm giữ ổn định tỷ giá. Các chính sách có thể kể đến là giảm trạng thái ngoại hối của các NH về dưới 20%. Điều này có nghĩa là tổng trạng thái ngoại tệ dương hoặc âm của các TCTD không được vượt quá 20% vốn tự có. Với quy định này thì các NH khó đầu cơ ngoại tệ để gây ra những biến động trên thị trường một việc diễn ra khá phổ biến trước đây. Mới đây NHNN cũng cho biết có thể tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ xuống dù hiện nay lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ cá nhân chỉ có 0,25%/năm, pháp nhân 0%/năm. Tất cả những động thái trên cho thấy NHNN đang rất “quyết tâm” trong việc giữ ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, liệu việc này có được duy trì dài.
Với việc hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam như hiện nay thì tỷ giá chịu rất nhiều tác động và không thể “một mình một chợ”. NH Trung ương châu Âu giảm lãi suất về -0,3% và nhiều khả năng FED sẽ điều chỉnh lãi suất tăng trong thời gian tới sẽ làm cho đồng USD mạnh lên. Một yếu tố quan trọng khác là nhiều dự báo còn cho rằng đồng NDT của Trung Quốc có thể sẽ mất giá 3-4% trong năm tới. Điều đấy cho thấy VND sẽ chịu sức ép rất lớn của việc giảm giá. Trong báo cáo mới đây Trung tâm nghiên cứu của BIDV dự báo tiền đồng năm 2016 sẽ mất giá 3-4% so với USD và tỷ giá hối đoái vượt mốc 23.000 đồng/USD.
Trên thực tế trong thời gian qua NHNN cũng đã gồng mình để giữ tỷ giá đúng cam kết cũng như giữ ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, việc dự ngoại tệ chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, tương đương với khoảng 10 tuần nhập khẩu là một con số quá nhỏ. Do đó NHNN cũng khó mạnh tay trong việc can thiệp vào thị trường ngoại tệ trong thời gian tới. Do vậy tỷ giá sẽ vẫn giữ được ổn định vào cuối năm nay nhưng bước sang đầu năm 2016 thì nhiều khả năng sẽ có sự biến động theo chiều hướng giảm giá. Đây cũng là một chu kỳ thường xảy ra trong những năm gần đây.
Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: IMF, NHNN, SDR, ty gia